Ngân hàng An Bình áp dụng mức cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 18% một năm, tức 1,5%/tháng. Nhưng nhân viên ngân hàng cho biết, với lãi suất 1,5% một tháng, ngân hàng không đủ trang trải chi phí hoạt động. Do vậy, An Bình đưa ra các khoản phí khác, cộng chung lại lãi suất vay ở mức 1,8%/tháng. Hiện nhà băng này đã dừng cho vay bất động sản. Vay kỳ hạn 3 tháng tại ngân hàng TMCP Đông Nam Á, ngoài lãi 1,5%/tháng, khách còn chịu thêm 0,9% phí quản lý tín dụng. Như vậy người vay phải trả mức lãi đến 2,4%/tháng. Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng áp dụng mức trần cho vay 18% một năm đối với các doanh nghiệp có nhu cầu về vốn. Tuy nhiên, một nhân viên tín dụng cho biết, trước đây mức cho vay đến 2,3% một tháng, tức 27,6%/năm. Hiện SHB tuy đã hạ lãi suất cho vay, nhưng lại nâng mức phí giao dịch. Theo đó, phí quản lý tín dụng là 0,3% một tháng trên tổng số tiền vay, phí thẩm định là 0,5%. Như vậy, ngoài mức trần 1,5%/tháng, khách hàng còn phải "gánh thêm" khoản phí 0,8% mỗi tháng nữa. Những hợp đồng cho vay đã ký với lãi suất 2,3% một tháng vẫn phải chịu mức lãi này cho đến khi hợp đồng hết hạn, vì đã có thỏa thuận bằng văn bản giữa hai bên tại thời điểm khách hàng có nhu cầu vay vốn. |
Eximbank (Ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam) cho hay, nhà băng này chỉ xét cho vay đối với những hồ sơ cũ. Hồ sơ mới phải chờ đợi những tín hiệu mới của thị trường.
Tại Ngân hàng ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), đối với hồ sơ vay mới, nếu khách hàng có nhu cầu nhận nợ thì phải báo trước để nhà băng chuẩn bị nguồn tiền và có thời gian thẩm định mục đích vay.
Một số ngân hàng áp dụng mức trần cho vay là 18%, nhưng lại đưa ra một số khoản phí, vì lãi cho vay mới thấp hơn tỷ lệ lâu nay áp dụng. Cộng lại, mức lãi suất cho vay vẫn vượt 18% một năm.
Đại diện Ngân hàng TMCP hàng hải Việt Nam Maritimebank cho biết, mức cho vay áp dụng hiện nay tại nhà băng là 18% một năm (1,5% một tháng). Trước đây, Maritimebank cho vay đến 19,2% một năm, tương đương 1,6% mỗi tháng.
Trên nguyên tắc là vẫn cho vay nhưng nhân viên Maritimebank cho biết, quy trình thẩm định sẽ khó khăn và gay gắt hơn, cả về hoạt động kinh doanh, tài sản công ty, khả năng đảm bảo thanh toán... Ban lãnh đạo ngân hàng sẽ chọn lọc những doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu mới tiến hành thủ tục cho vay.
Lãi suất cho vay của các ngân hàng đang được điều chỉnh, cộng với tình hình một số nhà băng ngừng cho vay đã tác động tức thời đến các doanh nghiệp đang có nhu cầu vay tiền vào thời điểm này.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn eo hẹp, phải dựa vào nguồn vay để xoay trở, tình hình càng bế tắc hơn.
Ngân hàng ngưng cho vay hoặc tăng lãi suất đã tác động tức thời đến doanh nghiệp vốn ít. Ảnh: T.A. |
"Mấy ngày qua, việc xoay tiền để mua nguyên vật liệu, hoàn tất hợp đồng đặt hàng cho đối tác thực sự làm chúng tôi đau đầu. Một số ngân hàng lắc đầu từ chối thẳng, các nhà băng khác thì bảo chờ, trong khi hợp đồng đã ký, phải giao hàng đúng hẹn", giám đốc một công ty mỹ nghệ xuất khẩu ở quận 12, TP HCM, than vãn.
Chị Trần Bích Hằng, chủ một doanh nghiệp may mặc xuất khẩu ở Đồng Diều, quận 8, cũng bức xúc vì hồ sơ xin vay của chị đã bị "ngâm" hơn tháng nay. Doanh nghiệp đang cần vay khoảng 250 triệu đồng để trang trải các khoản chi phí.
"Ngân hàng hứa là sẽ xem xét, nhưng khi tình hình lãi suất huy động và lãi suất cho vay biến động, hôm 20/5, họ thông báo ngừng cho vay. Hiện cũng chưa biết phải xoay trở như thế nào để trang trải chi phí sản xuất và trả lương cho công nhân tháng này", chị Hằng cho biết.
Không vay được tiền đã khó khăn, nhưng lỡ vay rồi tình hình càng tệ hơn. Ông Lê Đức Ngọc, chủ doanh nghiệp may mặc Thái An ở trên đường An Dương Vương, quận 8, cho biết, từ giữa năm 2007 doanh nghiệp này vay ngân hàng số tiền 900 triệu đồng, thời hạn 5 năm. Mỗi tháng doanh nghiệp thanh toán lãi tháng cho nhà băng gần 10 triệu đồng.
Vừa qua, ngân hàng thông báo lãi suất sẽ tăng thêm 0,2%. Như vậy, mỗi tháng doanh nghiệp sẽ phải chi thêm khoảng 2 triệu đồng lãi suất. "Với năng lực của một doanh nghiệp mới thành lập và quy mô nhỏ, mà hết khó khăn này chồng chất khó khăn khác thì rất khó mà phát triển được", ông Ngọc lo lắng. Đã vậy ngân hàng còn cho rằng mức tăng đó chỉ mang tính tượng trưng, chứ không thể so sánh với lãi suất cho vay mới đang tăng cao theo lãi suất huy động.
Lãi suất cao ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Ảnh: Hồng Phúc. |
Ngành kinh doanh bất động sản cho rằng lãi vay ngân hàng đang quá cao trong thời kỳ nhà đất xuống dốc, khiến thị trường thêm ảm đạm.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu nhận định, mức lãi suất trần đang áp dụng là một liều thuốc đắng mà các doanh nghiệp địa ốc buộc phải chấp nhận.
Ông Châu phân tích, lãi suất lý tưởng để kinh doanh nên là trên dưới 10% một năm. Còn với mức lãi suất trần 18% như hiện nay, nếu chịu đựng lâu về dài doanh nghiệp có thể đứt hết vốn.
Về phía doanh nghiệp, Phó chủ tịch HĐQT công ty Vạn Phát Hưng Trần Văn Thành dự đoán, mức trần lãi suất vay mới có thể dẫn đến hệ quả là thị trường địa ốc sẽ càng khan hiếm hàng. Lý do, nhiều doanh nghiệp kẹt vốn nhưng không dám mạo hiểm vay trong thời điểm này.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty địa ốc Phúc Đức Lâm Văn Chúc phân tích, với mức lãi suất trần 18% một năm, doanh nghiệp chỉ dám vay để chống đỡ chứ không ai mạnh dạn sản xuất. Để kinh doanh có lời, mức lãi suất phải thấp hơn 12% một năm.
Vi Vi - Bạch Hường - Vũ Lê