Một người dân ở tỉnh Đồng Tháp đang phơi nước theo phương pháp SODIS. Ảnh: NLĐ. |
Chị Lê Thị Diễm Hằng, người dân ở xã Mỹ Quý 3, cho biết: "Trước đây gia đình từng dùng "nước sống"- nước lấy từ thiên nhiên, chưa hề qua xử lý, để uống, sau này sợ bị bệnh nên đã dùng củi để nấu. Nhưng nhà nghèo, chồng làm mướn, tôi bán cá ngoài chợ nên thu nhập ít ỏi. Từ khi sử dụng kỹ thuật SODIS (phơi nắng nước thay thế đun sôi), sức khỏe được bảo đảm mà mỗi ngày còn tiết kiệm được tiền củi".
SODIS là một phương pháp xử lý nước sinh hoạt dành cho hộ gia đình, được Viện Khoa học - công nghệ Môi trường Liên bang Thụy Sĩ và Trung tâm Nghiên cứu nước và Vệ sinh môi trường cho các nước đang phát triển ở Thụy Sĩ nghiên cứu từ năm 1991. Phương pháp được đưa vào Việt Nam từ năm 2006.
Cách thực hiện rất đơn giản, chỉ cần lấy nước từ thiên nhiên đổ vào các thiết bị chứa nước như lu, khạp, thau, chậu... để cho lắng cặn một ngày, hoặc dùng cát hay vải để lọc, dùng phèn chua để kết tủa cặn bẩn (đối với nước có độ đục cao), sau đó lấy phần nước trong đổ vào các chai nhựa trong và đem phơi dưới ánh nắng mặt trời từ 6 giờ đến 17 giờ (nếu trời nắng gắt) hoặc phơi 2 ngày nếu trời râm mát.
Bà Nguyễn Thị Nghiệm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp, kể: "Lúc đầu, khi được giới thiệu phương pháp này, hầu hết người dân đều không tin. Nhiều người cho rằng nước chỉ sạch khi đun sôi mà thôi. Nhưng sau khi chúng tôi kiên trì giải thích, thậm chí phải "làm gương" thì nhiều người bắt đầu tin và làm theo".
Bà Nghiệm phấn khởi cho biết thêm: Đến nay, có tới 90% người dân ở xã Mỹ Quý 3, huyện Tháp Mười áp dụng phương pháp này để làm sạch nước uống. Một số xã ở các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình cũng có tới 60%-70% người dân áp dụng phương pháp này.
Đơn giản mà hiệu quả
SODIS dựa trên cơ chế tiêu diệt vi sinh vật nhờ tác động cộng hưởng của tia cực tím và tia hồng ngoại có trong ánh sáng mặt trời. Phần lớn các vi sinh vật trong nước, đặc biệt là vi khuẩn và virus, rất nhạy cảm với tác động của bức xạ tia cực tím nên cấu trúc ADN trong tế bào của chúng bị phá vỡ. Chỉ một số rất ít các động vật đơn bào (protozoa) và ký sinh trùng là không bị tiêu diệt toàn bộ mà chuyển thành dạng bào tử.
Đây là một phương pháp có nhiều ưu điểm như: đơn giản, dễ áp dụng, ai cũng có thể thực hiện được, lại ít tốn kém, đồng thời giảm tối đa nguy cơ tái nhiễm khuẩn, vì nước đã qua xử lý được đựng trong chai và sau đó rót ra cốc uống trực tiếp. Ngoài ra, phương pháp này giúp giảm sử dụng chất đốt trong gia đình, từ đó giảm lượng khí nhà kính như CO2, CO thải ra môi trường.
Vì những ưu điểm trên, phương pháp SODIS đã đoạt Giải thưởng Quốc tế Dubai năm 2002 và Giải thưởng Toàn cầu về năng lượng năm 2004.
Bộ Y tế đã chính thức công nhận SODIS là một giải pháp thay thế cho đun sôi và khuyến khích phổ biến phương pháp này tại Việt Nam. Đến nay, SODIS đã được triển khai ở 3 tỉnh là Ninh Thuận, Đồng Tháp và Tây Ninh. Theo một báo cáo của ngành y tế, số ca mắc bệnh đường ruột tại các xã thực hiện dự án đã giảm hơn 50% kể từ khi triển khai. Năm 2008, dự án sẽ tiếp tục triển khai tại tỉnh thứ 4 là Long An.
(Theo Người Lao Động)