Bộ trưởng Vũ Văn Ninh. Ảnh: Hoàng Hà |
Mất 30 phút để trình bày nguyên nhân giá cả thị trường tăng cao, các giải pháp kiềm chế lạm phát cùng những giải pháp vĩ mô trong công tác quản lý hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh dành 1 giờ 30 phút để trả lời trực tiếp.
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Hồ Quốc Dũng đặt vấn đề: "Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm, Chính phủ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn GDP, nhưng thực tế tăng tới 12,63%. Tại sao như vậy, phải chăng do công tác dự báo, hay sa vào bệnh thành tích". Ông Dũng đề nghị Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân chủ quan trong việc điều hành tiền tệ của Chính phủ khiến lạm phát tăng cao?
Khá bình tĩnh, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định, Chính phủ không mắc bệnh thành tích. Tại thời điểm bắt đầu kỳ họp Quốc hội thứ ba (tháng 11/2007), Chính phủ dự báo giá dầu dao động 74-75 USD, các chuyên gia nước ngoài cũng dự báo dưới 80 USD, nhưng thực tế một tháng sau đó đã tăng xấp xỉ 100 USD. Giá dầu tăng khiến toàn cầu khó khăn, không riêng Việt Nam.
"Đúng là trong nhiều nguyên nhân khiến lạm phát năm 2007 tăng cao thì có việc dự báo, đánh giá tình hình không sát thực tế. Chính phủ đã kiểm điểm việc này", ông Ninh thừa nhận. Tuy nhiên, ông thẳng thắn bác bỏ ý kiến cho rằng trong 3 tháng đầu năm, lạm phát tiếp tục tăng là do Chính phủ điều hành kém. "Đến giờ phút này, tôi chưa nhìn thấy Chính phủ điều hành sai, mà đang làm rất quyết liệt, phải họp hằng ngày để đề ra những quyết sách kịp thời".
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời. Ảnh: PV. |
"Chính phủ nỗ lực, nhưng có lẽ chưa trúng thì giá cả mới tăng như thế. Các nước có lạm phát, nhưng tại sao của ta lại cao nhất khu vực?", đại biểu Nguyễn Hữu Cường, đặt vấn đề. Ông Cường cũng hỏi thẳng là đến bao giờ thì Việt Nam kiềm chế được lạm phát.
"Chúng tôi thấy rằng định hướng điều hành của Chính phủ là trúng. Vì thế tình hình đã có chuyển biến tích cực", Bộ trưởng Ninh mềm mỏng. Ông dẫn chứng hoạt động ngân hàng đã bắt đầu đi vào ổn định, không còn thiếu tiền đồng, giá USD đã lên so với tháng trước.
Không trả lời thẳng vào câu hỏi bao giờ kiềm chế được lạm phát, Bộ trưởng Ninh dẫn lời của các chuyên gia kinh tế thế giới dự đoán cuối năm 2008, tình hình kinh tế thế giới bắt đầu đi vào ổn định.
Dường như chưa thỏa mãn, đại biểu Nguyễn Văn Phúc đề nghị Bộ trưởng trả lời câu hỏi tại sao những nước có điều kiện tương tự như Việt Nam mà chỉ số tăng giá tiêu dùng không tăng cao?
"Mức độ ảnh hưởng ít hay nhiều là tùy thuộc vào sức khỏe và độ mở của nền kinh tế", Bộ trưởng trả lời và cũng phân trần kinh tế Việt Nam rất mở, các nguyên vật liệu chính đều phụ thuộc vào nước ngoài. "Ta không thể yêu cầu người ta giảm giá dầu thô, cũng như không thể ngăn thiên tai, lũ lụt không xảy ra. Đó là vấn đề bất khả kháng, chứ không phải tôi đổ lỗi cho khách quan", ông Ninh nói.
Giá ôtô nhập khẩu còn tăng nữa
Đi vào những vấn đề khá cụ thể, đại biểu Nguyễn Văn Phúc hỏi tại sao năm 2007 giảm thuế nhập khẩu ôtô, nhưng vừa qua lại tăng. Tăng thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc, nhưng sao không tăng thuế nhập linh kiện sản xuất ôtô? Ông Phúc đề nghị Bộ trưởng cho ý kiến về việc giảm bội chi xuống dưới 3%?
"Điều hành chính sách thuế phải linh hoạt, hằng tháng. Sắp tới, thuế ôtô có thể tăng. Thuế linh kiện ôtô cũng sẽ tăng", ông Ninh khẳng định và giải thích rằng chiến lược của Chính phủ là nhằm xây dựng ngành ôtô trong nước. Trước đó, ông Ninh cũng trình bày một trong những biện pháp để hạn chế nhập siêu là siết chặt thuế một số mặt hàng, trong đó có ôtô, mặc dù chưa đến 1% dân số có ôtô.
Bà Phạm Thị Loan là một trong số 9 đại biểu gửi câu hỏi chất vấn. Ảnh: PV. |
Về việc giảm bội chi, ông Ninh cho rằng câu chuyện này phải đưa ra hội thảo mới nói hết được. "Đúng là phải giảm bội chi và thăng bằng ngân sách. Nhưng bối cảnh hiện nay ta có cơ hội thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn, trong khi dư nợ vẫn trong phạm vi an toàn. Mặt khác, trong số khoản nợ này ta không có khoản nào xấu", ông nói.
Bộ trưởng Tài chính nói thêm, phương pháp cân đối ngân sách hiện nay của Việt Nam là chưa theo chuẩn quốc tế. Nếu theo cách tính của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF thì bội chi của Việt Nam chỉ có 1,7%, nếu cộng với trái phiếu Chính phủ chỉ hơn 4%.
Trước băn khoăn của đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết về các giải pháp kiềm chế lạm phát, Bộ trưởng Ninh trấn an: "Vì thời gian eo hẹp, tôi xin phép kê lại và báo cáo rõ hơn sau đó".
Ông Ninh cho biết, Chính phủ đã thảo luận và thừa nhận không đạt được mục tiêu lạm phát thấp hơn mục tiêu tăng trưởng như chỉ tiêu Quốc hội đề ra. "Mục tiêu tăng trưởng phải điều chỉnh xuống, cụ thể là bao nhiêu thì tôi không đủ thẩm quyền nói", ông chốt lại phần trả lời của mình.
Thống đốc Ngân hàng: 'Tôi đã bị Thủ tướng phê bình'Liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ trong việc điều hành chính sách tiền tệ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giàu trả lời. Không vòng vo, Thống đốc Giàu nhận lỗi luôn: "Năm 2007, chúng tôi đã bị Thủ tướng phê bình rất nặng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, cụ thể là không dự báo được lượng vốn đầu tư đổ vào, không chủ động điều hòa lượng tiền mua ngoại tệ và hút tiền từ lưu thông về. Thủ tướng nói nếu công tác dự báo tốt hơn thì chỉ số giá tiêu dùng không tăng cao như vậy". Ông Giàu thừa nhận có phần trách nhiệm trong việc điều hành chính sách tiền tệ dẫn đến lạm phát. Thống đốc thông báo đầu năm 2008, Chính phủ chỉ đạo rất đồng bộ, riêng ngân hàng phải kiểm soát được tổng phương tiện thanh toán. Quý 1 tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 5%, bằng nửa năm ngoái. Dư nợ cũng thấp hơn so với năm 2007. |
Hồng Khánh