Hai mẹ con, ảnh chỉ mang tính chất minh họa từ Corbis. |
Lei khi đó 33 tuổi và có tính cách rất độc lập. Cô không chọn lối mòn nào. Lei không lấy anh bạn, nhưng cô cũng sợ mình không còn cơ hội sinh con nữa, nên quyết định trở thành bà mẹ đơn thân.
Quyết định đó đưa Lei đến những cảnh huống mà cô chưa từng ngờ tới, thành hiện tượng trong một xã hội vốn không nương nhẹ với những cô gái như cô.
Giờ đây, khi đã sang tuổi 41, Lei nói cô không hề hối tiếc điều gì, cho dù cuộc sống đã mang lại nhiều cay đắng: cô phải giả vờ đã ly hôn để con trai mình khỏi cảm thấy xấu hổ; phải chấp nhận lấy một ông già để có đủ giấy tờ cho con đi học và được hưởng các quyền lợi xã hội khác.
Sống với người chồng già, một mối quan hệ mà trong đó Lei mất nhiều hơn là được, cô quả quyết nếu có thể làm lại, cô vẫn làm thế vì con trai. "Tôi nghắm nhìn con và biết rằng mình đã làm đúng", cô nói mà nước mắt lưng tròng. "Thằng bé đáng yêu lắm, tôi không thể hối tiếc điều gì".
Trong xã hội Trung Quốc, nơi chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân thường bị trừng phạt - kể cả về mặt hành chính lẫn xã hội - chuyện các bà mẹ đơn thân rất hiếm khi được công khai bàn đến. Nhưng ngày nay, sự nhận thực mới mẻ đang dần khiến công chúng quan tâm hơn đến vị thế và quyền lợi của họ.
"Khi chúng tôi nói rằng người phụ nữ có quyền sinh đứa con ra hoặc không, người ta không nghe", Yuan Xin, giám đốc khoa tâm lý của Trung tâm tư vấn thuộc đại học Nankai, nói. "Nếu bạn là phụ nữ, bạn sẽ phải chịu sự giám sát của một đống người, người ta muốn bạn làm và nghĩ giống như những phụ nữ khác".
Hiện chưa có số liệu thống kê các bà mẹ đơn thân ở Trung Quốc. Nhưng với làn sóng "ăn cơm trước kẻng" và phụ nữ ngày càng có nhiều quyền lực cùng tiền bạc, nhất là ở các thành phố miền đông, các chuyên gia tin rằng con số này sẽ tăng nhanh chóng.
"Điều này rất đáng chú ý", Li Ling, giáo sư nghệ thuật và khoa học của Đại học Văn hóa Ngôn ngữ Bắc Kinh, nhận xét. "Khó mà đánh giá về lựa chọn của mỗi người là tốt hay xấu, nhưng đúng là phụ nữ đang tự quyết. Xưa kia, phụ nữ làm gì có quyền đó, họ chỉ là người mang và sinh ra những đứa con cho nhà chồng mà thôi".
Cô Xie Jing, 33 tuổi, phóng viên ở Thượng Hải, là người điển hình cho những bà mẹ đơn thân có con một mình nhờ có nguồn tài chính dồi dào và nghề nghiệp vững chắc.
Xie cho biết cô mang thai trong thời gian đính hôn với người yêu, nhưng chính sự chần chừ trước đứa con của anh ta khiến cô quyết định cắt đứt quan hệ và sống một mình. Khi người từng là hôn phu hỏi "sinh con có ý nghĩa gì nếu chúng ta không còn ở bên nhau?', cô đáp: Tôi nuôi con một mình.
"Chất lượng cuộc sống của tôi không tồi, chẳng việc gì tôi phải hạ thấp mình để sống với một kẻ khác chỉ để gọi là chung sống", Xie nói. "Nếu điều đó có nghĩa là tôi phải hy sinh nhiều, được thôi. Nhưng giờ đây, tôi với con tôi rất ổn, tôi sẽ không để mất điều tốt đẹp đang có".
Con trai cô ra đời trong một bệnh viện của nước ngoài cách đây hai năm. Xie sống với cha mẹ, hai ông bà đã về hưu và giúp cô chăm thằng bé. Xie kể với những người xung quanh - trừ các bạn thân - rằng cha đứa nhỏ đi công tác nước ngoài 3 năm. Con cô mang họ của cô, và người cha sinh học được thông báo rằng nếu anh ta không chấp nhận thực hiện các nghĩa vụ pháp lý với con, anh ta bị cấm bén mảng tới gần thằng bé cho đến khi nó 18 tuổi.
Bởi Xie sống ở Thượng Hải, các thủ tục giấy tờ liên quan đến cô và con trai khá dễ dàng. "Tôi xem trang web của cơ quan an sinh thành phố, họ nói con sinh ngoài giá thú vẫn được đăng ký hộ khẩu như thường. Điều đó có nghĩa là con tôi vẫn có đủ các quyền lợi, vậy thì việc gì tôi phải lăn tăn nữa?".
Nhưng với nông dân và những bà mẹ thuộc tầng lớp lao động chân tay ít học, ít tiền, ít mối quan hệ, tình cảnh sẽ khó khăn hơn.
Zhong Yu, 23 tuổi, giáo viên nhạc ở Trùng Khánh - một trong số các thành phố lớn của Trung Quốc, cho biết cô định bỏ thai khi biết mình mang bầu. Chuyện phá thai là hợp pháp, phổ biến và dễ dàng ở Trung Quốc, nhưng cô không có đủ tiền viện phí. Yu giấu gia đình chuyện có bầu, và khi cô tiết kiệm đủ tiền thì cái thai đã 5 tháng - quá muộn để có thể ngừng thai một cách an toàn.
Hôm nay, Zhong gọi cha của đứa bé - một người đàn ông không có nghề nghiệp ổn định - là "thằng đểu" và thừa nhận cô đã ngu dại quan hệ với anh ta. "Nhưng khi tôi nhìn ngắm con, tôi nghĩ dù cuộc sống có vất vả thế nào, tôi sẽ nuôi nó khôn lớn".
Lei, bà mẹ đơn thân ở Bắc Kinh, thì nghèo khó nên cuộc sống chật vật hơn. Sau khi về quê sinh con, cô lên thủ đô kiếm việc và kiếm chồng, để con lại cho bà ngogại. Nhưng sợ rằng thằng bé có thể bị coi là con hoang ở quê, cô đưa con lên Bắc Kinh khi nó đến tuổi đi học.
Ở thành phố, Lei gặp những rắc rối mới. Vì không cha, con cô không được nhập khẩu. Năm 2006, Lei viết về tình cảnh của mình lên Internet và một nhà báo đọc được, viết về số phận của cô. Liền sau đó, nhiều người đàn ông liên hệ và xin cưới Lei làm vợ.
Lei đồng ý và hẹn gặp một trong số đó ở một chân cầu vượt. Ông ta tự giới thiệu là 60 tuổi, nhưng trông già hơn đến chục tuổi. Người này là một kỹ sư về hưu góa vợ và có con trai bị bệnh thần kinh, ông ta cần có người nối dõi. Lei cần ông giúp nhập hộ khẩu để con trai cô đi học. Đôi bên đều có nhu cầu, và thế là họ kết hôn.
"Ông ấy cần con, tôi thì cần nhà", Lei kể. "Con tôi cần đi học, thế là chúng tôi chung sống như một gia đình. Vậy thôi".
Họ cưới, nhưng giao kèo vội vã của đôi bên nhanh chóng rạn vỡ. Người đàn ông không chịu đăng ký tên thằng bé theo họ ông ta vì sợ làm thế là trái phép. Giờ đây, Lei cho biết, ông ta lạnh nhạt với đứa nhỏ và keo kiệt đối với cô. Con trai Jirong của cô đang theo học một trường gần nhà, nơi mà may mắn là người ta có cách nhìn khác với những đứa trẻ thiếu hộ khẩu như nó.
"Ở hoàn cảnh như tôi, người ta thường cho đứa trẻ làm con nuôi", Lei nói. "Chẳng mấy ai chọn cách nuôi con một mình như tôi cả".
T. Huyền (theo IHT)