Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động USD của các ngân hàng thương mại giảm 0,22-0,4% một năm so với tuần trước, kỳ hạn 12 tháng phổ biến ở mức 6,2% một năm (khối quốc doanh) và 6,14% (khối cổ phần). Lãi tiết kiệm tiền đồng tiếp tục ổn định ở mức dưới 18% đối với kỳ hạn 1 năm.
Lãi suất cho vay được cắt giảm mạnh hơn, đặc biệt ở nhóm ngân hàng cổ phần. Trong đó, giảm 0,15-0,18% một năm đối với VND và giảm 0,55%-0,93% đối với USD.
Tại buổi tọa đàm lãi suất do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức trung tuần tháng 8, phần lớn các thành viên đều nhìn nhận cung cầu ngoại tệ không còn căng thẳng, lãi suất ngoại tệ trên thị trường quốc tế vẫn được duy trì ở mức thấp so với Việt Nam. Đây là điều kiện để các ngân hàng có thể giảm lãi suất huy động bằng USD. Với huy động VND, các thành viên cũng cân nhắc giảm lãi suất khi điều kiện lạm phát, thị trường tiền tệ ổn định, từ đó giảm dần lãi suất cho vay.
Đáng chú ý, các thành viên nhất trí cho rằng cần sắp xếp lại lãi suất ở các kỳ hạn, kể cả VND và USD, cho phù hợp với thông lệ. Trong đợt chạy đua tăng lãi suất vừa qua, phần lớn các ngân hàng để lãi suất ngắn hạn cao hơn so với kỳ hạn 1 năm.
Các nhà băng mệt nhoài vì phải niêm yết lãi suất. Ảnh: PV. |
Diễn biến lãi suất tuần qua dường như không khớp với khuyến cáo của các chuyên gia tại Ngân hàng Standard Chartered. Trong báo cáo tháng 8 dưới nhan đề "Việt Nam - Nguy hiểm đã giảm, nguy cơ vẫn còn", các chuyên gia phân tích của ngân hàng tại khu vực châu Á cho rằng Việt Nam nên tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa để đảm bảo nguồn vốn.
Theo các chuyên gia này, thị trường Việt Nam vẫn giữ được tâm lý bình tĩnh trong những tuần vừa qua. Sau đợt suy giảm tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng đôla Mỹ, tỷ giá giữa VND và USD kỳ hạn 12 tháng hoán đổi kỳ hạn không giao vốn gốc ngay lập tức giảm từ đỉnh điểm 25.000 tới mức hiện tại 19.200. Các chuyên gia lý kết quả này đạt được nhờ thâm hụt thương mại thu hẹp và đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh.
Thâm hụt thương mại được cải thiện rõ rệt trong hai tháng 6 và 7, ít hơn 1 tỷ đôla mỗi tháng, so với con số trung bình từ tháng 1 đến tháng 5 là 2,7 tỷ đôla. Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng và dự báo sẽ tiếp tục khả quan trong năm nay, bất chấp sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, nhập khẩu đã bị kìm hãm đáng kể do các sắc thuế và chủ trương giảm đầu tư công.
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết đang chảy vào mạnh mẽ. FDI cam kết trong 7 tháng đầu năm đạt 44 tỷ USD. Riêng hai tháng 6 và 7, Chính phủ đã phê duyệt tổng số 30 tỷ đôla các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các chuyên gia cho rằng FDI tăng mạnh cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng của đất nước, ngay cả khi thị trường có nhiều biến động.
"Thâm hụt thương mại dần được thu hẹp và chỉ số FDI tăng đã giúp giảm mối lo về một cuộc khủng hoảng tiền tệ", các chuyên gia nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia này, còn quá sớm để đề cập đến việc cắt giảm lãi suất. Các số liệu cho thấy chính sách thắt chặt tiền tệ không mấy tác động đối với nền kinh tế. Tăng trưởng 5,8% trong quý II, mức thấp nhất kể từ quý I năm 2000. Song sự suy yếu này bắt nguồn từ 3 lĩnh vực, khai thác mỏ và than đá, xây dựng và hoạt động kinh doanh, cho thuê bất động sản. Tuy nhiên, ngành chế tạo và dịch vụ vẫn tăng trưởng đều đặn và bền vững.
Doanh thu bán lẻ vẫn khả quan. Khối lượng hàng hóa vận chuyển, một nguồn lực hiệu quả khác để kích thích các hoạt động kinh tế cũng duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm 2008. Cước phí vận chuyển được đo bằng tấn kilomet, đã tăng trưởng 67% trong 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là tăng mạnh ở lĩnh vực vận chuyển hàng hải, phản ánh sự bùng nổ thương mại.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo lãi suất cao vẫn là cần thiết để thu hút và duy trì nguồn vốn. "Sẽ tiếp tục là thách thức trong thời điểm khủng hoảng hiện nay khi mà lãi suất thực vẫn âm khá lớn. Do vậy, chúng tôi khẳng định nên tiếp tục tăng lãi suất từ bây giờ cho đến cuối năm", báo cáo nhấn mạnh.
Theo đề xuất của các chuyên gia này, lãi suất cơ bản trong quý IV nên điều chỉnh thành 18%, thay vì mức 14% hiện nay. Bước sang năm 2009, nhu cầu thắt chặt tiền tệ giảm dần, lãi suất có thể hạ xuống 16% trong quý I, rồi 14% trong quý II và 12% trong quý III.
Các chuyên gia Standard Chartered Bank dự báo lạm phát cả năm dự kiến dừng ở mức 25,5% và năm sau tỷ lệ này chỉ còn 15%.
Song Linh