![]() |
Gilles Tran và người vợ Việt Nam của mình tại Mai's gallery. Ảnh: A.V. |
Nghệ sĩ Pháp Gilles Tran có tên Việt Nam là Trần Kim Lân. Anh là con trai duy nhất của dịch giả Việt kiều Pháp Trần Thiện Đạo. Gilles Tran chịu ảnh hưởng nhiều tính nghệ sĩ, lòng yêu văn chương, nghệ thuật từ người cha nổi tiếng của mình.
Năm 1993, chàng trai Pháp gốc Việt này tình cờ tìm thấy cuốn sách giới thiệu về kỹ thuật 3D. Đây cũng là giai đoạn bộ phim Công viên kỷ Jura của đạo diễn Steven Spielberg ứng dụng công nghệ 3D "làm đình làm đám" ở các rạp phim. Choáng ngợp trước những ứng dụng và hiệu ứng của không gian 3D trên máy tính, từ một "tay chơi" nghiệp dư, Gilles Tran tự học trở thành chuyên gia về đồ họa.
14 năm tự mày mò của Gilles Tran đi cùng với tốc độ phát triển chóng mặt của thế giới kỹ thuật số. Trong thời đại mà tỷ phú Bill Gates từng nói rồi tất cả sẽ được số hóa, chàng trai mang hai dòng máu Việt - Pháp này lại chú ý đặc biệt vào việc ứng dụng kỹ thuật số để đào sâu nội tâm của con người, để "nghệ thuật hóa số".
![]() |
Bức ảnh "Buồng đốt hơi" của Gilles Tran. |
Những cố gắng của anh đã được thế giới công nhận. Anh tham gia hàng chục dự án nghệ thuật - hội thảo về 3D ở các nước, có mặt tại vô số triển lãm cùng nhiều nghệ sĩ thế giới. Hàng trăm bức hình do Gilles Tran sáng tạo xuất hiện trên các báo, tạp chí... Đặc biệt, tháng 4/2002, bức ảnh Reach for the stars (Vươn tới những vì sao) một tác phẩm hợp tác giữa Gilles Tran và Jaime Vives Piqueres (Tây Ban Nha) đã được gửi lên vũ trụ cùng chuyến bay vào không gian của tỷ phủ - phi hành gia Mark Shuttleworth (Nam Phi).
Giữa ngành nông nghiệp mà Gilles Tran đang làm và ngành đồ họa 3D có mối quan hệ duy nhất: chiếc máy vi tính. Anh đùa "Công cụ sản xuất giống nhau nhưng sản phẩm làm ra khác nhau hoàn toàn". Bận tối mặt với những dự án phát triển nông nghiệp tại Pháp, Việt Nam và nhiều nước, Gilles Tran chỉ có thể dành thời gian ít ỏi vào buổi tối và ngày cuối tuần để đắm mình trong thế giới 3D.
Mỗi tác phẩm của Gilles Tran kết hợp hài hòa giữa Imagine (Hình ảnh) và Picture (tranh họa). Trong đó, người "họa sĩ" đồng thời là kiến trúc sư có thể "nặn", "tạc", phối cảnh... Xem những bức trong triển lãm Nội viên như Mùa ốc sên tìm bạn, Buồng đốt hơi, Phòng tắm... người xem cảm nhận được đầy đủ góc cạnh cuộc sống, mọi ngóc ngách ngổn ngang, độ mượt mà đều như mở ra trên tranh, chờ người xem nhập cuộc.
Trong thế giới 3D, công việc "vẽ" chính là "viết" lập trình trên máy tính cá nhân. 2 công đoạn lập trình và chạy lập trình mất khá nhiều công sức. Với cái nhìn đôi khi hài hước, bay bổng, lại pha trộn giữa nét trầm mặc phương Đông và mạnh mẽ của phương Tây, Gilles Tran khoác vào tranh số hóa một nét đẹp long lanh.
![]() |
Bức ảnh "Mùa ốc sên tìm bạn" của Gilles Tran. |
Không coi việc sáng tạo khó nhọc vừa kể trên là một cái nghề, do đó anh không chịu áp lực từ việc phải kiếm tiền. Tiền bán tranh chẳng bõ bèn gì so với công sức đầu tư. Giải thưởng cũng chẳng làm ra tiền. Tất cả hoàn toàn là niềm say mê.
Gilles Tran tâm sự: "Máy tính, rốt cuộc, không biết gì nhiều, và chỉ bằng sức tưởng tượng ta mới có thể đến được với thế giới khác đó, nơi mà những quy luật của tự nhiên không còn tác dụng, chỉ có nghệ thuật là quy tắc duy nhất".
Thật thú vị khi nhìn ngắm các tác phẩm nghệ thuật được tạo nên từ máy tính, một thứ máy móc hiện thân cho sự thành công rực rỡ của tri thức. Những thuật toán tinh vi và các phép toán phức hợp được sử dụng để mô phỏng hiện thực, để tạo nên sáng và tối, góc và vòng, trong và đục. Và cả nghệ sĩ lẫn người xem nhận ra có vẻ đẹp trong thứ khoa học này, nơi toán học chỉ là một phần của tự nhiên.
![]() |
Bức ảnh "Phòng tắm" của Gilles Tran. |
Đã có những lời mời Gilles Tran "dính líu" đến lĩnh vực điện ảnh nhưng anh từ chối vì chỉ muốn là một họa sĩ nghiệp dư, để có thể tự do sáng tạo, bay bổng với thế giới nội tâm của mình.
Trong những ngày ở Việt Nam, mắt Gilles Tran lấp lánh niềm vui. Bên cạnh niềm vui công việc, ra mắt triển lãm cá nhân đầu tiên trên quê nội; tham gia vào một dự án của Trung tâm nghiên cứu quốc tế về phát triển nông nghiệp của Pháp tại Việt Nam, Trần Kim Lân vừa kết hôn với cô gái Hà Nội xinh xắn tên Nguyễn Thụy Phương, con của nhà văn - nhà nghiên cứu Nguyên An. Thụy Phương đang theo học tiến sĩ ngành Giáo dục học tại Pháp.
Gilles Tran cho biết, anh muốn tìm hiểu nhiều về Việt Nam thông qua sách vở. Hiện tại, ở Pháp, nhiều người Pháp biết đến văn học Việt chỉ qua Nguyễn Huy Thiệp là chính. "Tôi sẽ phải học tiếng Việt để còn đọc nhiều và còn trò chuyện với bố mẹ vợ của tôi nữa chứ!", chàng rể Pháp trên đất Việt nói.
Độc giả quan tâm có thể tham khảo trang web www.oyonale.com của Gilles Tran. Trang web này giới thiệu hàng trăm hình ảnh được anh thực hiện từ năm 1993 đến nay. Phần lớn hình ảnh nằm trong một ý tưởng công việc vẫn tiếp diễn mang tên Cuốn sách về sự khởi thảo, pha trộn giữa các hình ảnh kỹ thuật số và những câu truyện ngắn chưa có hồi kết được viết bằng tiếng Anh - Pháp. Trang web cũng trình bày những thử nghiệm lập trình cả hình ảnh lẫn văn bản, đồng thời có nhiều công cụ, chỉ dẫn và nguồn tư liệu thông tin cho các nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật trong thế giới 3D. |
A.V.