Bố mẹ đều đã chết cả vì AIDS, giờ hai chị em ở với người bà cũng đã gần 80 tuổi. Hai bé yếu cả về thể chất lẫn tinh thần, nhưng ít ra các em cũng được đi học dù cho đó là một lớp học đặc biệt, vì học sinh chỉ có hai chị em.
Đó là câu chuyện mà chị Hoàng Thanh Hải, thuộc Câu lạc bộ niềm tin (nơi dành những người nhiễm HIV/AIDS) đã chia sẻ trong buổi Hội thảo về vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong công tác phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam sáng nay tại Hà Nội.
Bản thân chị Hải cũng bị nhiễm HIV do lây từ chồng. Vì thế mà chị cũng từng trải qua sự kỳ thị của mọi người xung quanh. Chồng chị là một người nghiện ma túy. Trước khi lấy nhau anh đã đi xét nghiệm và thấy không có vấn đề gì. Nhưng rồi một năm sau anh qua đời vì căn bệnh thế kỷ, cả chị và đứa con nhỏ đều bị nhiễm. Những người hàng xóm thấy chị cứ như thấy hủi, nhìn thấy từ xa họ tránh, đang ở nhà nói chuyện với bố mẹ chồng chị mà thấy chị về là họ đứng lên.
Một lần chị Hải đến trường tiểu học để truyền thông về HIV, vừa bước vào trường, bọn trẻ nói "SIDA 50.000 một người, em có đi không?".
"Lúc ấy tôi cảm thấy thật là buồn, nhưng dù sao chúng cũng chỉ là trẻ con. Vì không hiểu biết nên chúng coi tất cả những người có HIV đều gắn với ma túy, mại dâm, những hành vi xấu xa", chị nói. Nhưng khi bước vào buổi nói chuyện, sự nhận thức của các em dần thay đổi và các em tham gia rất nhiệt tình.
"Điều quan trọng không phải là vượt qua sự kỳ thị của người ngoài mà chính là sự tự kỷ của chính bản thân những người bệnh. Họ cảm thấy xấu hổ, không thích tiếp xúc với người xung quanh, họ thu mình lại" - chị tâm sự - "Và khi đã vượt qua được rào cản tâm lý của chính bản thân, mình chỉ cần cố gắng sống tốt, để những người xung quanh không lẩn tránh".
Cũng để chống lại sự kỳ thị với người bệnh HIV/AIDS, ý tưởng đào tạo những người nhiễm HIV còn khỏe mạnh để họ trở thành những cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc trở lại cho bản thân và người có cùng cảnh ngộ của Hội phòng chống HIV/AIDS Việt Nam ra đời. Điều đó cũng góp phần giải quyết được vấn đề thiếu hụt cán bộ y tế phục vụ cho bệnh nhân AIDS, đặc biệt là những người ở giai đoạn cuối.
Hiện Hội đã khai giảng được hai lớp học tại hai trường Cao đẳng Y tế của TP Cần Thơ và Quảng Ninh. Sau khi hoàn tất chương trình đào tạo trong 6 tháng, các em sẽ được cấp bằng sơ cấp y tế và được bố trí việc làm tại các khoa AIDS của bệnh viện và đơn vị y tế có chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS trong toàn quốc.
Những học sinh lớp học đặc biệt của trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ trong giờ thực hành. Ảnh: Nam Phương. |
Ông Tôn Thất Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng y tế Cần Thơ cho biết: "Việc đào tạo cho những học sinh đặc biệt này không hề đơn giản. Chúng tôi phải chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, từ chương trình giảng dạy, lựa chọn học sinh, chuẩn bị tư tưởng cho giáo viên...".
Ông cũng cho biết, nhà trường đã chọn được 30 em từ Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội TP Cần Thơ, có trình độ học vấn từ lớp 6 đến 12, độ tuổi 16-38, đủ để tiếp thu chương trình.
Mọi việc ăn nghỉ, sinh hoạt của các em đều dưới sự quản lý trực tiếp của cán bộ. Khi đi thực hành, nhà trường tổ chức xe đưa đón, tránh các em đi lạc vào các khoa khác, và để không lẫn người lành với người bệnh. "Ra trường các em có thể có được đồng tiền đầu tiên do chính tay mình làm ra, bằng chính mồ hôi nước mắt của mình", ông nói.
Bà Trần Thị Trung Chiến, Chủ tịch Hội phòng chống HIV/AIDS Việt Nam cũng cho biết trong thời gian tới Hội sẽ tìm nguồn lực và phối hợp với các cơ quan chức năng để tiếp tục mở các lớp đào tạo cho người bệnh. Dự kiến, năm 2009, mở 5-10 lớp.
"Hãy nhìn chúng tôi như những người bình thường. Hãy để cho chúng tôi được sống cuộc sống bình thường như bao người khác", đó chính là lời mong muốn của chị Hải, một người bị nhiễm HIV thuộc Câu lạc bộ niềm tin.
Nam Phương
* Tên nhân vật đã được thay đổi.