Tại buổi hội thảo “Toàn cảnh thị trường giá cả và các giải pháp kiểm chế lạm phát năm 2008 - dự báo năm 2009” hôm 30/12, các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định: Tình hình kinh tế thế giới năm tới còn xấu hơn 2008 dù Chính phủ các nước đã đưa ra gói kích thích kinh tế, trong đó có Việt Nam.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả Bộ Tài chính - nhận xét - 2008 là một năm không bình thường, chỉ số giá tiêu dùng vượt khỏi mọi dự đoán và quy luật đã hình thành từ nhiều năm nay. Cách đây 5 tháng, các chuyên gia đã vẽ ra một kịch bản xấu nhất là lạm phát cả năm có thể lên tới 30% và nguy cơ lạm phát chưa biết khi nào chấm dứt. Khi ấy, hàng loạt câu hỏi được đặt ra là liệu VN đã thắt đủ chặt chính sách tiền tệ, đã nâng lãi suất đủ mức độ chưa, cần thắt chặt chính sách tài khoá như thế nào và giá cả những mặt hàng thiết yếu sẽ đi về đâu?...
Thế nhưng, 3 tháng cuối năm, một thực tế cũng xảy ra vượt mọi dự đoán, chỉ số giá tiêu dùng liên tục âm và hàng loạt câu hỏi tại sao cũng xuất hiện theo chiều ngược lại là: Phải chăng kinh tế VN đã rơi vào tình trạng giảm phát?
Theo ông, năm 2008, VN đã có những dự báo sai đã dẫn đến một số hậu quả đáng tiếc đó là cơn sốt giá gạo hồi tháng 4/2008, rồi giá các mặt hàng khác như sắt thép, vật liệu xây dựng leo thang... Những sai lầm này cần phải được nhìn nhận nghiêm túc để sửa chữa trong năm sau.
Xuất khẩu năm 2009 được dự báo là sẽ gặp khó khăn. Ảnh: Hoàng Hà. |
2009 được ông Ánh đánh giá là năm mà VN sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn: Nguy cơ thất nghiệp gia tăng, sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và kim ngạch xuất nhập khẩu được dự báo là có thể giảm mạnh. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để Nhà nước định hình lại mô hình kinh tế, tái cơ cấu lại lao động, cơ cấu thu chi ngân sách Nhà nước, xuất nhập khẩu, điều chỉnh chính sách lãi suất và chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam hướng vào phát triển thị trường trong nước. Đồng thời, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường thế giới; đồng thời phát huy được các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, đặc biệt là những lợi thế về nguồn nhân lực Việt Nam.
Theo ông, một trong những giải pháp để ngăn chặn nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế năm 2009 là chú trọng nới lỏng gánh nặng cho doanh nghiệp bằng cánh giảm thuế, kể cả thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng. Giảm thuế là giải pháp trọng tâm để kích cầu đầu tư cũng như kích cầu tiêu dùng thông qua giảm chi phí sản xuất kinh doanh, giảm giá tương xứng đảm bảo tăng tiêu dùng thực tế của người dân.
Dù thở phào nhẹ nhõm vì kinh tế VN 2008 đã có một cái kết có hậu song Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội vẫn chỉ ra rằng có 9 thách thức mà kinh tế VN phải đối mặt trong năm 2009. Trong đó có nguy cơ giảm phát tồn tại song hành cùng nguy cơ lạm phát; Áp lực tổng cầu giảm và bảo hộ quốc tế tăng trong khi áp lực mở cửa thị trường trong nước ngày càng đậm nét; Tăng yêu cầu tự do hoá thị trường, trong khi Nhà nước vẫn sử dụng công cụ để giảm sát; Áp lực tăng chi ngân sách Nhà nước tăng trong khi nguồn thu giảm; Vốn tồn đọng nhiều trong khi cơ hội đầu tư giảm...
Một vấn đề được tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh đó là là tình trạng ứ đọng vốn đầu tư hay nói cách khác đó là khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Ông nhận định, tình trạng thanh toán chậm, thậm chí mất khả năng thanh toán có thể gia tăng trong các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm dịch vụ. Khó khăn tới đây sẽ nặng nề hơn đối với khu vực doanh nghiệp và các ngân hàng trong việc huy động vốn, vay và trả nợ vốn vay. Lợi nhuận của các ngân hàng và doanh nghiệp sẽ giảm mạnh, thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chao đảo, tỷ lệ nợ xấu có nguồn gốc từ bất động sản tiếp tục gia tăng...
Để hoá giải những thách thức trên, ông Phong đề xuất 2 giải pháp mang tính đột phá trong nhận thức và đầu tư. Ông lưu ý trong năm tới, VN cần thực hiện các giải pháp quyết liệt và không có ngoại lệ hay miễn dịch phá sản cho bất kỳ đại gia nào trên sân khấu kinh tế thị trường. Điều này có nghĩa sẽ phải chấp nhận sự sụp đổ của bất kể doanh nghiệp nào dù lớn mạnh hay có thâm niên, nếu vi phạm luật chơi. Ngoài ra, VN cần nâng cao vai trò dự báo, giám sát để có thể dập ngòi khủng hoảng khi nó mới bắt đầu nhen nhúm.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính cũng nhìn nhận: Kinh tế VN năm 2009 vẫn ngổn ngang những mối lo. Nhiều dự báo cho thấy tình hình kinh tế thế giới trong năm tới sẽ khó khăn hơn nhiều so với năm 2008 về cả tăng trưởng, đầu tư, thương mại, việc làm... Tình trạng thiểu phát có thể đưa kinh tế thế giới suy thoái vào năm 2009 và kéo dài sang các năm 2010-2011. VN cũng đang đối mặt với các vấn đề lớn như sản xuất kinh doanh giảm sút, nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn do cầu tiêu thụ giảm, thiếu vốn để sản xuất, sức mua đình trệ, thị trường xuất khẩu ngày càng thu hẹp, thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản tiếp tục trầm lắng...
Trong bối cảnh kinh tế không mấy sáng sủa có thể nhìn thấy trong năm 2009, ông Thoả cho rằng Chính phủ cần phải có cơ chế điều hành cụ thể là tiếp tục áp dụng cơ chế giá thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước, khuyến khích cạnh tranh về giá hiện đang áp dụng đối với đại bộ phận hàng hóa, dịch vụ. Trong đó Nhà nước áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định; tiếp tục sử dụng biện pháp định giá trực tiếp bằng những hình thức thích hợp đối với một số ít hàng hóa, dịch vụ độc quyền theo danh mục được pháp luật quy định đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ để thực hiện lộ trình giá cả thị trường phù hợp với đất đai, điện, nước sách, than bán cho các hộ tiêu dùng lớn; cước vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, xe buýt...
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2009 được Quốc hội và Chính phủ đặt ra là 6,5% và lạm phát dưới 15% được ông Thoả nhìn nhận là không dễ nhưng vẫn có thể thực hiện được, thậm chí lạm phát có nhiều khả năng lùi về một con số do cầu trong nước có khả năng thanh toán bị hạn chế và suy thoái kinh tế toàn cầu còn có thể kéo dài.
Hồng Anh