Thứ tư, 24/4/2024
Thứ tư, 26/3/2014, 09:42 (GMT+7)

Rau củ được mùa, giá xuống dưới 1.000 đồng

Từ cuối 2013 đến nay, nhiều nông dân ở các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Tháp, Hải Dương, Sóc Trăng phải chịu cảnh lỗ nặng khi giá các loại rau chỉ vài trăm đồng một kg.

1. Bắp cải

Bắp cải là loại rau được khá nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, tuy nhiên suốt từ trước Tết đến nay, giá bắp cải giảm trầm trọng, có nơi còn xuất hiện cảnh thả trôi sông.

Tại Đồng Tháp, ở một vài con sông ở huyện Thanh Bình xuất hiện cảnh bắp cải trôi lềnh phềnh. Nông dân tại đây giải thích do giá quá rẻ, thu hoạch xong không có người mua nên bà con đổ xuống sông. “Vài người bán được bắp cải cũng chỉ với giá dưới 1.000 đồng một kg”, ông Phan Công Chính, Hợp tác xã nông nghiệp Tân Bình cho biết.

Không chỉ tại Đồng Tháp mà cả Sóc Trăng hay huyện Gia Lộc (Hải Dương) bắp cải cũng chỉ bán được với giá 1.000 đồng. Theo khảo sát của VnExpress.net tại nhà vườn Đà Lạt, trước Tết giá ở đây là 500 đồng một kg. Sau thu hoạch, nhiều nhà vườn lỗ vài chục triệu đồng.

2. Cải thảo

Không hơn gì bắp cải, cải thảo thu hoạch phục vụ cho dịp Tết cũng rẻ như bèo. Nhiều hộ nông dân ở Đà Lạt cho hay họ bán giá chỉ với giá 500 đồng một kg. Gần đây, nguồn cung loại rau này không dồi dào như cuối năm nhưng giá cũng chỉ dưới 1.000 đồng một kg mà không có thương lái thu mua. Nhiều vườn không bán được, để lâu khiến cải ra bông và héo dần nên mất trắng vài chục triệu đồng đầu tư.

Đại diện phòng kinh tế Đà Lạt cho biết, nguyên nhân giá rau rẻ là vụ đông xuân hầu hết các tỉnh thành đều trồng được, dẫn đến tình trạng dư thừa.

3. Su hào

Cận Tết, giá su hào tại xã Thạch Khôi, huyện Gia Lộc (Hải Dương) có giá 1.000 đồng một kg. "Gia đình tôi bỏ tiền và công sức ra chăm sóc chỉ mong thu hoạch và bán với giá vài nghìn đồng. Rau rẻ quá nên tôi tìm cách xoay sở chặt đi chợ bán dần nhưng cũng chỉ được giá 2.000 đồng 3 củ", bà Thu, nông dân tại xã này cho hay. Nhiều hộ nông dân ở đây cũng cho biết họ lỗ cả chục triệu cho vụ rau này.

Một số thương lái, vận chuyển su hào vào miền Nam bán với giá 7.000-10.000 đồng một kg. Có nơi bán theo cụm "3 củ 10.000 đồng" nhưng vẫn ế ẩm.

4. Củ cải

Củ cải tại xã Thạch Khôi, huyện Gia Lộc (Hải Dương) giá tại vườn chỉ 500 đồng một kg. Vì khó bảo quản, để lâu củ cải sẽ bị thối nên nhiều người trồng rau ở đây bán tống bán tháo, phá bỏ vườn để trồng cây khác cho kịp thời vụ.

5. Súp lơ

Súp lơ là loại có giá khá cao trong các số mặt hàng rau xanh, tuy nhiên, từ trước Tết cho đến nay loại rau này cũng giảm giá mạnh. Tại một số vựa rau sạch lớn ở Hà Nội hay Hải Dương, giá súp lơ ở mức 1.000 đồng một kg, có nơi bán một bông một nghìn đồng. Tại một số tỉnh phía Nam như Đà Lạt, giá súp lơ tại vườn cũng chỉ đắt hơn phía Bắc 3.000-4.000 đồng, tuy nhiên theo nông dân ở đây họ vẫn lỗ vì chi phí giống cũng như phân bón tăng cao, trong khi đó súp lơ là loại khó chăm sóc.Theo lý giải của giới kinh doanh, nguyên nhân chính dẫn đến giá rau giảm mạnh là do vụ Tết, thời tiết thuận lợi, rau phát triển tốt nên cung vượt cầu.

6. Cà chua

Trước Tết nhiều nông dân ở Đà Lạt buộc phải bán đổ bán tháo cà chua với giá 500 đồng một kg. Nhiều hộ nông ở đây cho hay tiền công thu hoạch còn cao hơn bán sản phẩm. Tại Sóc Trăng, nhiều hộ chăn nuôi bò tranh thủ đến nhà vườn xin cà chua về cho bò ăn.

Gần đây, giá cà chua cũng chỉ nhỉnh lên đôi chút, thỉnh thoảng có nơi bán được với giá 3.000 đồng một kg, tuy nhiên, nhà vườn vẫn chịu cảnh lỗ nặng. Bởi lẽ, cây giống cũng như chi phí chăm sóc tăng cao hơn so với mọi năm. Ảnh: MH

Theo lý giải của giới kinh doanh, nguyên nhân khiến giá rau giảm mạnh là do thời tiết thuận lợi rau phát triển tốt, các địa phương tự trồng thay vì phải mua từ các vùng trồng rau khác nên cung vượt cầu. Thêm vào đó, sức mua của người tiêu dùng thời gian gần đây yếu hơn so với những năm trước đó.

Hồng Châu