Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ bảy, 19/12/2015, 11:46 (GMT+7)

Khoang hạng nhất máy bay 75 năm trước trông thế nào

Những dịch vụ như đưa đón hành khách bằng ôtô, phòng chờ, quán bar, các món ăn xa xỉ đều đã có mặt trên máy bay từ hàng thập kỷ trước.

Các hãng hàng không ngày nay rất chăm chút cho khoang hạng nhất, luôn tự hào về chất lượng phòng chờ, dịch vụ đưa - đón bằng ôtô đến và từ sân bay đi, giường nằm, TV màn hình rộng hay các món ăn được chuẩn bị bởi các đầu bếp.

Dù những yếu tố này có thể khiến một chuyến bay dài trở nên thú vị hơn, đây lại chẳng phải là điều gì mới mẻ. Theo cuốn sách "Nghệ thuật bay" (The Art of Flying), hầu hết những gì chúng ta gọi là điểm ưu việt của các khoang hạng nhất đều là những điều cũ rích, thậm chí đã có từ thời con người mới biết đến việc bay lượn.

Sau Đại chiến Thế giới I, việc bay thương mại bắt đầu nhộn nhịp, nhưng phần lớn các chuyến bay vẫn còn chứa cả hàng hóa và thư từ. Việc này ngày nay vẫn còn tiếp diễn. "Chuyện hành khách phải ngồi lẫn, thậm chí ngồi trên các bao tải thư, hoặc hàng xuất khẩu là bình thường". Nhiều khi phi công còn phải mang theo súng để bảo vệ thư nữa.

Khi máy bay dần trở thành phương tiện vận chuyển thay thế cho đường biển và đường sắt, các hãng hàng không đã cố gắng hết sức để bắt chước những đặc điểm thẩm mỹ của tàu thuyền và xe lửa. Đến năm 1928, máy bay Luft Hansa (tiền thân của Lufthansa) đã có thêm khăn trải bàn, lọ hoa và phần để đồ phía trên đầu, giống như nội thất trên xe lửa.

Đến năm 1930, máy bay bắt đầu được thiết kế chỗ ngồi mở như khoang của một con tàu. Cuốn sách cho biết, các hãng khi đó cũng đã bắt đầu cung cấp thêm một số dịch vụ khác, ngoài việc bay.

Western Air (hiện thuộc Delta) có dịch vụ đưa - đón tới sân bay bằng xe Cadillac. Tiền thân của phòng chờ sân bay ngày nay cũng là nhờ ý tưởng từ việc Crilly Airlines cấp văn phòng riêng dành cho các cuộc họp. Ngoài ra, KLM cũng cho xây dựng nhà hàng riêng tại sân bay Schiphol.

Theo thông tin trong cuốn "Nghệ thuật bay", một bữa tối được phục vụ trên chuyến bay của Empire vào những năm 1930 gồm bưởi, gà nướng, món lưỡi bò, thịt nguội York đi kèm salad Nga hoặc salad rau; đào và nước sốt melba (nước sốt mâm xôi), quả sung vàng; phô mai Cheshire, Camember và Kraft; món nướng hoàng gia; bánh quy; món tráng miệng; và cà phê.

Điểm khác biệt duy nhất giữa hàng không ngày xưa và bây giờ là tỷ lệ nhân viên trên hành khách cao hơn nhiều so với thời hoàng kim của ngành này. Nói cách khác, tất cả những gì làm nên khoang hạng nhất của thế kỷ 21 đều đã gần 90 tuổi rồi. Theo sách "Nghệ thuật bay", dịch vụ giải trí trên máy bay ra đời vào năm 1925, khi hãng hàng không KLM cho hành khách xem phim trên máy chiếu quay bằng tay. Đến những năm 50, các máy bay đều có các phòng chờ đầy đủ tiện nghi như dịch vụ Lufthansa Senator trong ảnh.

Đến những năm 1950, máy bay vẫn chỉ có thể bay ở tầm thấp nên hành khách có thể mở cửa sổ và hít không khí trong lành. Với sự ra đời của khoang điều áp - một loại công nghệ được phát triển trong Thế chiến thứ 2, máy bay đã có thể lên cao hơn rất nhiều mà ít bị rung lắc. Tuy nhiên, nhược điểm theo sau là các cửa sổ bị cố định lại.

Ngoài ra, cuốn sách của Assouline cho biết, người ta chưa bao giờ nghe tới từ "nữ tiếp viên hàng không" trước năm 1930. Khi đó, những dịch vụ sang trọng đều được coi là việc của đàn ông. Những nữ tiếp viên đầu tiên được ghi là các y tá - luôn mặc đồng phục y tế trong suốt chuyến bay. Năm 1965 - thời điểm hãng hàng không Braniff ủy quyền cho Emilio Pucci thiết kế đồng phục cho đội bay, tình thế dần thay đổi. (Trong ảnh là dịch vụ bay của Delta thập niên 70).

Ngày nay, khoang hạng nhất cũng không quá rộng rãi. (Trong ảnh là khoang hạng nhất của Emirates).

Còn đây là quầy bar trong khoang hạng nhất của Qatar Airways.

Cho đến năm ngoái, khái niệm về máy bay được mở rộng hơn với sự ra đời của thủy phi cơ. Trong ảnh là nội thất chiếc Spike Aerospace S-512 với những ô cửa sổ hay ghế ngồi rộng rãi như xe lửa.

 

Kim Dung