Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ hai, 23/5/2016, 12:11 (GMT+7)

Cuộc sống thiếu thốn của người Venezuela trong khủng hoảng

Họ phải xếp hàng cả ngày để mua vài món đồ, lên núi hứng nước sinh hoạt và thắp nến dùng những lần cắt điện luân phiên.

Người Venezuela đang trải qua giai đoạn rất tồi tệ. Giá thực phẩm tăng và tình trạng khan hiếm hàng hóa khiến họ rất chật vật mới duy trì được cuộc sống.

Theo một nghiên cứu gần đây, 87% người Venezuela cho biết thu nhập của họ hiện không đủ chi cho nhu cầu thực phẩm thiết yếu. Người dân thường phải xếp hàng nhiều giờ liền để mua bột ngô, xà phòng giặt, bỉm hay giấy vệ sinh.

Chính vì thế, nếu mua được, họ thường tranh thủ lấy rất nhiều đồ như thế này. Theo Reuters, lương tối thiểu tại đây hiện chỉ đủ 20% tiền ăn cho một gia đình 5 người. Người ta xếp hàng từ sáng sớm quanh các siêu thị quốc doanh, do sản phẩm ở đây được trợ giá nên khá thấp.

Các quầy hàng trong siêu thị thường xuyên trong tình trạng trống trơn.

Francisca Landaeta - một người dân Venezuela cho biết: "Chúng tôi ăn bữa nay và chẳng biết mai sẽ có gì bỏ bụng nữa. Thật tồi tệ, tôi chưa bao giờ nghĩ tình hình sẽ đến mức này". Trong ảnh là toàn bộ thực phẩm gia đình 5 người của anh hiện có. "Tôi phải rời nhà từ 5h sáng, đối mặt nguy cơ bị giết, để xếp hàng cả ngày và chỉ mua được 2 hay 3 món đồ", Jhonny Mendez - một người dân khác cho biết. Tỷ lệ phạm tội giết người tại Venezuela hiện cao nhì thế giới.

Những chiếc tủ lạnh chẳng còn mấy đồ ăn của người dân Venezuela.

Hàng loạt cửa hàng cũng phải treo biển "Hết bánh mỳ".

Không chỉ thực phẩm, điện, nước tại đây cũng đang thiếu hụt, chủ yếu do hạn hán. Một phụ nữ phải thắp nến nấu nướng trong một quán ăn ở Cojedes. Khoảng 65% điện của Venezuela được tạo ra chỉ bằng một đập thủy điện. Tổng thống Venezuela - Nicolas Maduro đã đề nghị các văn phòng chỉ mở cửa làm việc 2 ngày một tuần để tiết kiệm năng lượng. Việc cắt điện luân phiên hằng ngày cũng trở nên quá quen thuộc.

Vì thiếu nước, người dân phải mang chai nhựa lấy nước từ các giếng trên đường.

Các bệnh viện tại đây cũng trong tình trạng mất vệ sinh và thiếu thốn dược phẩm, trang thiết bị.

Các bác sĩ tại bệnh viện Luis Razetti Hospital còn phải dùng can nước để hỗ trợ các bệnh nhân gãy chân.

Cũng chính vì thế, biểu tình đã xảy ra khắp nơi tại Venezuela. Tính trung bình, Venezuela có 17 cuộc biểu tình mỗi ngày, theo Cơ quan Quan sát Xung đột Xã hội Venezuela.

Người dân muốn ông Maduro từ chức. Và trên thực tế, cuộc bầu cử Quốc hội tháng 12 năm ngoái đã đưa Venezuela về tay đảng đối lập Bàn tròn Thống nhất Dân chủ. Đây là bước xoay chuyển quyền lực đầu tiên trong cơ quan lập pháp Venezuela kể từ khi cố Tổng thống Hugo Chavez lên nắm quyền năm 1999.

Hà Thu (theo AFP/Reuters/Bloomberg)