Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ tư, 24/7/2013, 01:00 (GMT+7)

Chủ nhân 10 khách sạn 5 sao tại Hà Nội

Nhiều khách sạn 5 sao nổi tiếng nhất Hà Nội hiện thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Việt Nam, dù phần lớn được xây dựng trước đó bằng nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Intercontinental

Khách sạn khánh thành vào đầu tháng 12/2007 sau một thời kỳ dài xây dựng và đổi chủ. Ban đầu, khách sạn này do một nhà đầu tư đến từ Singapore có tên S. Lien Holdings làm chủ thầu vào năm 1991.

Năm 1998, công trình hoàn thiện phần thô nhưng do ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế Châu Á, đã bị bỏ hoang tới 7 năm. S. Lien  Holdings sau đó phá sản. Năm 2005, Tradewinds Berhad Malaysia đến tiếp quản và nhận liên doanh với Công ty Thăng Long GTC. Tổng vốn đầu tư tiếp theo cho Intercontinental Hà Nội trị giá 123 triệu USD, dự kiến hoàn vốn khi đó là 10 năm.

Hiện tại, khách sạn Intercontinental do Tập đoàn Berjaya Corporation Berhad đến từ Malaysia và Công ty TNHH Nhà nước MTV Thăng Long GTC tại Việt Nam sở hữu. 75% vốn của Intercontinental Hà Nội do Berjaya Corporation Berhad nắm. Người sáng lập tập đoàn là ông Vincent Tan, sinh năm 1952, gốc Trung Quốc. Năm 2010, ông Vincent Tan được Forbes bình chọn vào danh sách tỷ phú thế giới với trị giá tài sản 1,3 tỷ USD.

Sheraton

Theo xác nhận từ phía Sheraton, hiện khách sạn này do 2 đơn vị cùng sở hữu, bao gồm Công ty TNHH MTV Hồ Tây và Berjaya Corporation Berhad. Như vậy, không chỉ Intercontinental, khách sạn 5 sao Sheraton cũng nằm trong “bộ sưu tập” của nhà đầu tư người Malaysia, ông Vincent Tan.

Trước khi sở hữu hàng loạt khách sạn hạng sang ở Việt Nam, Malaysia và nhiều quốc gia khác trên thế giới, ông Vincent Tan từng mua thành công chuỗi cửa hàng McDonald’s tại chính quê hương mình vào năm 1981. Sau đó 4 năm, ông còn mua thành công 70% cổ phần của một công ty sổ xố ở Malaysia và tiến tới sở hữu toàn bộ vốn doanh nghiệp này.

Metropole

Metropole được xây dựng từ năm 1901 bởi hai nhà đầu tư người Pháp và là khách sạn 5 sao đầu tiên ở Hà Nội. Hiện hai đơn vị sở hữu vốn lớn nhất của Metropole là Công ty quản lý quỹ Vinacapital và Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourist). Trong đó, Vinacapital nắm 50% cổ phần, tương đương giá trị sổ sách là 58,7 triệu USD tại Metropole.

Cuối năm ngoái, quỹ đánh tiếng muốn bán hết toàn bộ số cổ phần trên nhưng tới nay vẫn chưa thoái xong vốn. Khoản đầu tư này chiếm tỷ trọng 8% trong danh mục của quỹ Vinacapital Vietnam Opportunity Fund (VOF).

Vinacapital hiện do ông Andy Ho làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Andy Ho sinh năm 1972, có bằng MBA tại Đại học Massachusetts, Mỹ. Trước khi làm việc tại Vinacapital, ông Ho từng đầu quân cho Hãng máy tính Dell, Công ty kiểm toán Ersn & Young. Hiện ông  Ho còn đảm nhiệm vị trí Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát.

Sofitel Plaza

Khách sạn nằm sát Hồ Tây, tiền thân là Meritus Westlake Hanoi, được khai trương vào năm 1998.

Chủ sở hữu của khách sạn là Công ty Quốc tế Hồ Tây, liên doanh giữa UOL Group và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội. Trong đó, phía OUL chiếm đa số vốn. Sofitel Plaza Hà Nội đang được Tập đoàn Accor của Pháp quản lý.

UOL Group là tập đoàn của Singapore, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, đầu tư, khách sạn và dịch vụ quản lý. Tập đoàn được thành lập vào năm 1963 như một công ty con của Faber Union (HK) Ltd. Đến năm 1973, ngân hàng United Overseas mua lại quyền kiểm soát và đổi tên công ty thành United Overseas Land Limited  vào năm 1975. Năm 2006, công ty tiếp tục đổi tên thành OUL Gruop Limited.

Tổng tài sản năm 2012 của UOL Group là khoảng 9,6 tỷ USD. Tại Việt Nam, năm 2012, tập đoàn có tổng tài sản đầu tư gần 50 triệu USD, doanh thu đạt khoảng 29 triệu USD và EBITA (lợi nhuận trước thuế, lãi và khấu hao) hơn 11,5 triệu USD.

Deawoo

Khai trương vào năm 1996, Deawoo là một trong những khách sạn 5 sao nổi tiếng tại Hà Nội. Chủ đầu tư của khách sạn là Công ty Daewoo E&C Hàn Quốc và Công ty TNHH Một thành viên Hanel của Việt Nam. Trong đó, phía Hàn Quốc nắm 70% vốn.

Sau khoảng 16 năm hợp tác, tháng 3 năm ngoái, Hanel bất ngờ công bố mua thành công 70% vốn của doanh nghiệp Hàn Quốc và trở thành chủ sở hữu khách sạn Deawoo với tỷ lệ nắm giữ 100%.

Thời điểm đó, Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc cũng cho biết sẽ chi tiền để mua lại 70% vốn tại khách sạn Deawoo. Tuy nhiên, do những điều kiện ràng buộc ưu tiên trong hợp đồng trước đó, Hanel đã thành công trong thương vụ này. Số tiền bỏ ra tổng cộng bao nhiêu hiện vẫn chưa được các bên xác nhận cụ thể.

Hanel ra đời cách đây 28 năm, hoạt động đa ngành, gồm điện tử, tin học, viễn thông, bất động sản, logistic, đầu tư tài chính, xuất khẩu lao động...

Hilton Opera

Hilton Opera nằm cạnh Nhà hát lớn Hà Nội, đi vào hoạt động từ năm 1999. Chủ nhân thực sự của khách sạn này hiện chỉ được biết qua những lời đồn đoán. Theo giấy phép kinh doanh, chủ đầu tư Khách sạn Hilton Hanoi Opera là Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thăng Long GTC (30% vốn điều lệ) và Công ty cổ phần Phát triển TN (70% vốn điều lệ).

Qua vài thương vụ mua đi bán lại, Hilton ngày nay được cho đã thuộc về chủ sở hữu Việt Nam. Dư luận rộ lên thông tin khách sạn này do Tập đoàn BRG của vợ chồng bà Nguyễn Thị Nga sở hữu. Bà Nga hiện là Chủ tịch HĐQT Seabank. Các bên liên quan đều không đưa ra xác nhận hay bình luận chính thức.

Melia

Vị trí hiện nay của khách sạn Melia Hanoi trước đây là trụ sở của Công ty Chế tạo điện cơ. Năm 1994, công ty liên doanh với SAS Trading Ltd (Thái Lan) lập ra đơn vị mang tên SAS - CTAMAD để làm chủ đầu tư khách sạn. Đứng sau SAS Trading Ltd là Tập đoàn TTC Land do một tỷ phú người Thái Lan có tên Charoen Sirivadhanabhakdi điều hành. Tỷ lệ sở hữu của đối tác Thái Lan tại Melia Hanoi không được khách sạn tiết lộ.

Theo Wikipedia, vị tỷ phú này sinh năm 1944, gốc Trung Quốc, từng có cuộc sống vô cùng nghèo khổ và phải bỏ học để tìm việc làm khi mới lên 9 tuổi. Hiện ông còn là chủ tịch của Fraser & Neave Ltd, tập đoàn đồ uống hùng mạnh tại Singapore. Ngoài ra, Charoen Sirivadhanabhakdi cũng sở hữu hàng loạt bất động sản, trung tâm thương mại tại các khu đất vàng của nhiều quốc gia khác trên thế giới như Mỹ, Australia, Singapore.

Fraser & Neave Ltd còn là cổ đông lớn tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, Mã CK: VNM) với gần 80 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 9,53%, theo báo cáo quản trị 2012 của Vinamilk.

Crowne Plaza

Crowne complex khai trương cuối năm 2010, là tổ hợp gồm khách sạn, căn hộ cao cấp , văn phòng cho thuê trên tổng diện tích 13.000 m2 với hơn 9.000m2 tầng hầm. Tổ hợp nằm phía Tây Hà Nội, gần nhiều toà nhà của các công ty như Keangnam, Vinaconex, FPT, CMC, The Manor, toà nhà Sông Đà, Trung tâm hội nghị Quốc gia; Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, siêu thị Big C, Metro.

Theo giới thiệu, Khách sạn Crowne Plaza West Hanoi và khu căn hộ cao cấp Crowne Plaza West Hanoi Residences là một phần trong tổ hợp Crown Complex do Công ty TNHH Thương mại Trần Hồng Quân là chủ đầu tư, với tổng giá trị theo công bố khoảng 70 triệu USD.

Khu căn hộ cao cấp và khách sạn Trần Hồng Quân đang thuê tập đoàn InterContinental Hotels Group quản lý.

Grand Plaza

Grand Plaza là tổ hợp gồm trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng cho thuê... đi vào hoạt động hoàn toàn vào nửa cuối năm 2010. Chủ đầu tư của Grand Plaza là Tập đoàn Charm Vit, Hàn Quốc, với tổng mức vốn trên 120 triệu USD. Hiện, tập đoàn Hàn Quốc vẫn nắm phần khách sạn, còn trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê đã bán lại cho Tập đoàn IDJ Việt Nam.

CharmVit là tập đoàn đa ngành gồm các lĩnh vực kinh doanh khách sạn, sân golf, bất động sản, xây dựng...

Hanoi De l’opera

De l’opera Hanoi là một trong những gương mặt mới của danh sách khách sạn 5 sao tại Hà Nội, chỉ vừa khai trương vào tháng 6/2011. Đơn vị sở hữu của De l’opera Hanoi hiện là Công ty cổ phần Thương mại Du lịch Dân Chủ, trực thuộc Tổng công ty Du lịch Hà Nội, nắm 100% vốn. Trong đó, đơn vị quản lý là Tập đoàn Quản lý khách sạn Accor.

Hanoi Tourist được thành lập từ năm 1963, hiện có 12 đơn vị trực thuộc, chi nhánh tại TP HCM, Đà Nẵng, văn phòng đại diện tại Mỹ, Hungary, Đức, Thái Lan… Còn Tập đoàn Accor thành lập từ năm 1967, trụ sở chính tại Paris. Năm 2011, doanh thu của đơn vị này lên tới 6,1 tỷ euro.

Hàn Phi - Tường Vi