Từ 4 giờ chiều ngày Đại Lễ 10/10, được người nhà thông báo đường vào sân Mỹ Đình đã đông lắm rồi, Tuân, em chồng chị Hoa, kỹ sư điện tử viễn thông cho một công ty ở quận Cầu Giấy vội vàng đến chở người yêu - đang ở ký túc xá của Đại học Thủy Lợi - tới sân để xem màn biểu diễn nghệ thuật và bắn pháo hoa.
Tuy nhiên, chen được qua biển người vào đến sân mới là màn khổ ải "tráng miệng". Khi màn pháo hoa vừa chấm dứt, cả trăm nghìn người ở sân vận động ùn ùn đổ ra các ngả đường thì anh mới thấy mình dại. Đại lễ kết thúc lúc 9h30, nhưng đến 11h30, anh và người yêu mới mò ra được bãi gửi xe và đến 2 giờ sáng, chen nhau trong dòng người đổ về trung tâm thành phố, anh mới đưa được bạn gái đến ký túc. Mất hết tiền, lại không thể vào được ký túc, Tuân đành thất thểu đèo người yêu lộn lại Mỹ Đình, bất đắc dĩ tá túc ở nhờ nhà anh chị.
"Tụi em mệt mỏi rã rời đến nỗi sáng nay bật 2 chuông điện thoại mới dậy nổi", Tuân kể.
![]() |
Các em bé mệt mỏi ngủ ngục trên vai người thân sau mấy tiếng chen trong biển người ở sân vận động Mỹ Đình tối qua, 10/10. Ảnh: Hoàng Hà. |
Còn chị Minh, ở làng bún Phú Đô, cũng thề sẽ hạn chế đi chơi vào ngày lễ lạt vì chị đã quá "thấm đòn" vụ cả nhà chen chân đi chơi hôm qua. Tối thứ bảy, thấy mọi người bàn tán Bảo tàng Hà Nội đẹp lắm, cả nhà chị ăn cơm sớm, rồi đưa cậu con trai 3 tuổi thong dong đến Bảo tàng Hà Nội.
"Cứ tưởng mỗi nhà mình đi, hóa ra ai cũng thế cả, đường đông nghịt. Cố phi xe máy tới tận cổng mới biết Bảo tàng đóng cửa, chỉ còn những người đã vào từ buổi chiều là còn được ở trong đó thôi. Thế là ngắm qua hàng rào một lúc, bị công an đuổi quầy quậy, cả nhà đành ra về, hẹn sáng mai sẽ đến".
Ai ngờ sáng chủ nhật, cảnh tượng còn "khủng" hơn. "Đi đường thấy thanh niên, người già, trẻ em nườm nượp đi bộ trên vỉa hè, dưới lòng đường xe máy, xe đạp nhích từng mét một, mình đã chột dạ khéo mà tất cả mọi người đều đến bảo tàng", chị Minh kể. Đúng như chị đoán, Bảo tàng Hà Nội là một trong những điểm tổ chức đại lễ hiếm hoi mở cửa sáng hôm qua tại khu vực quận Cầu Giấy, nên dân tình đổ đến đông nghẹt. "Từ ngoài nhìn vào, thấy dòng người đứng quanh tòa nhà đông đặc, hầu như không di chuyển, vợ chồng mình sợ quá, đổi hướng đi Thiên đường Bảo Sơn ngay, thế mà cũng lách mãi mới thoát ra khỏi chỗ đó".
10 giờ rưỡi mới tới được Thiên đường Bảo Sơn, vợ chồng chị Minh lại phát hoảng khi thấy dòng người đã đặc kín ở trước sảnh khu vui chơi giải trí này. Gần 11 giờ mới mua được vé, vào bên trong, anh chị lại thất vọng tràn trề khi ở hầu hết các điểm chơi của trẻ em, người đứng xếp hàng đông đặc vì lại phải... mua vé tiếp.
"Quá nản vì hết vé vòng ngoài, lại đến vé vòng trong, vợ chồng tôi chen lấn mãi mới cho con cưỡi chú ngựa giả được chục phút và có được chỗ trên chiếc đu quay khổng lồ, xong ra ngoài đã 12 rưỡi. Trưa nắng mệt mỏi, cả nhà lại lếch thếch kéo nhau về", chị cho biết.
![]() |
Từ 4 giờ chiều, hàng vạn người đã đổ về sân vận động trung tâm để chờ xem bắn pháo hoa, gây nên cảnh tắc nghẽn nghiêm trọng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Còn anh Bình, ở quận Long Biên, Hà Nội lại "buồn thiu" vì mất của vào ngày đại lễ. Đưa cả nhà đi xem lễ diễu binh tại quảng trường Ba Đình, anh ôm cô con gái nhỏ chen vào sát đến gần đường Hùng Vương. Chỉ còn cách một mét nữa thì ló mặt được ra đường xem diễu binh, anh chợt thấy có ai đó thò vào túi quần bên phải. Nhưng vì đang bế con ở tay đó, nên không kịp hạ xuống. Tích tắc sau, chiếc ví với gần chục triệu, bằng lái ôtô, và các giấy tờ tùy thân khác của anh đã "không cánh mà bay".
"Đã hết sức chú ý rồi mà vẫn không tránh khỏi trộm, tôi bực mình quá, lần sau thì biết thân tránh xa những chỗ đông người thôi", anh tâm sự.
Dẫn đầu đoàn nam phụ lão ấu từ huyện Phúc Thọ, Hà Nội, ra thủ đô dự Đại lễ, sau một ngày như bị "tra tấn", anh Thắng đã thề sẽ không bao giờ chen lấn trong những ngày lễ lạt đông người như vậy.
Từ 4 giờ sáng, vợ chồng anh Thắng đã lọ mọ dậy, rồi í ới gọi điện cho mấy gia đình trong làng, rủ nhau vượt hơn 30 km ra Hà Nội. Có người quen ở Cầu Diễn, cả đoàn gồm chục người cả già lẫn trẻ con tạt vào đó gửi xe, rồi đi bộ 3 km bắt xe buýt, định đến quảng trường Ba Đình xem diễu binh. Thế nhưng chỉ đi được đến đường Kim Mã thì gặp đường cấm, xe dừng lại, mọi người kéo nhau vào vườn thú Thủ Lệ. Chen chúc tại đây một hồi, tất cả lại dắt díu lội bộ ngược trở lại khu Mỹ Đình để "chiếm chỗ" chờ xem pháo hoa.
"Đợi chờ mấy tiếng đồng hồ, bị chen lấn, xô đẩy một hồi, người lớn thì quá mệt, bọn trẻ con thì đói, buồn ngủ nên kêu khóc om tỏi, rồi đòi bế. Khi đã quá oải, chúng tôi định đi về thì thấy màn pháo hoa nổ bùng, nên lại đứng xem. Nhưng đến màn đi về mới thực sự là khổ ải. Đám phụ nữ thì cõng, bế lũ trẻ, cánh đàn ông phải cố 'mở đường' để mọi người thoát ra khỏi biển người. Thỉnh thoảng có mấy cậu teen nghịch ngợm xô đẩy, khiến dòng người ngả nghiêng. Khổ nhất là hôm đó trong đoàn có cô bầu 4 tháng, thở hổn hển vì quá mệt, và có lúc lả đi mà anh chồng không làm sao rẽ đám đông mà đưa vợ ra ngoài được", anh Thắng kể lại.
Sau một hồi bị xô đẩy, cả đoàn anh Thắng mỗi người dạt đi một hướng, và phải tới 3 tiếng sau mới có mặt đầy đủ tại nơi gửi xe ở nhà người quen cách sân vận động 3 km. Vừa đói vừa mệt nhưng đoàn người không dám ở lại nghỉ ngơi mà lại tất tả lấy xe về quê ngay, để kịp cho lũ trẻ đi học ngày mai và những người đang đợi ở nhà đỡ sốt ruột.
"Thế mà đã xong đâu. Về quê đường nào cũng tắc, vòng vèo mãi, vừa ra đến Đại lộ Thăng Long thì xe một người trong nhóm bị thủng lốp, cả đoàn lại méo mặt dừng tìm nơi vá. May mà trong đêm tìm được một chỗ sửa xe, cách đó vài km, và bị chém 60.000 đồng một miếng vá. Đến 3 giờ sáng chúng tôi mới về được đến nhà, ai nấy thở không ra hơi", anh Thắng thổ lộ.
Thuận An - Minh Thùy