Tính từ tháng 2, thị trường bất động sản liên tục rớt giá trong hai quý liền. Đà giảm giá chỉ tạm dừng lại cách đây hai tháng. Thống kê của các sàn địa ốc, giao dịch nhà đất mảng dự án có mãi lực hầu như bằng không. Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và khách hàng là thiếu vốn. |
Sáng 30/10, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và Hiệp Hội bất động sản TP HCM đã có buổi họp mặt các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và ngân hàng để tìm giải pháp khôi phục, ổn định thị trường bất động sản. Ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng tới dự.
Tại cuộc họp, gần 20 ý kiến, giải pháp cứu thị trường được doanh nghiệp đưa ra tranh luận sôi nổi. Tuy nhiên, nổi cộm nhất là đề xuất chính sách cụ thể cho tín dụng bất động sản, hướng hỗ trợ xử lý nợ quá hạn và kêu gọi doanh nghiệp địa ốc tiếp cận thị trường tài chính để tự cứu mình.
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank Đặng Văn Thành phân tích rằng hiện nay doanh nghiệp bất động sản chưa tự tin tiếp cận các quỹ tài chính, còn hiếm hoi những cuộc mua bán sát nhập doanh nghiệp để tạo tiềm lực dồi dào về vốn. Điều này dẫn đến hệ lụy là hầu như doanh nghiệp nào cũng bế tắc và lúng túng khi phải đối mặt với tình huống khó khăn.
Khu ngoại quan của đô thị Phú Mỹ Hưng là một trong số ít công trình hoàn thành đúng tiến độ. Ảnh: L.D. |
Theo ông Thành, trong tương lai, các doanh nghiệp bất động sản nếu chỉ dựa vào nguồn vốn vay của ngân hàng thì rất khó đứng vững. Bởi lẽ, vai trò cơ bản của ngân hàng là cho vay ngắn hạn trong khi đầu tư kinh doanh bất động sản lại cần nguồn vốn trung và dài hạn.
Tương tự, Tổng giám đốc ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Trương Văn Phước kiến nghị, Chính phủ nhanh chóng đưa ra chính sách vĩ mô, tạo điều kiện cân đối vốn bất động sản, đảm bảo cung cầu, cân đối quy hoạch cho thị trường này. Ông Phước cho rằng, Chính phủ phải phát huy vai trò là trọng tài đắc lực hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho thị trường nhà đất bằng giải pháp hợp lý chứ không nên siết chặt. Chuyên gia tài chính này nhận định rằng, nếu không có chính sách cân đối vĩ mô kịp thời thì mâm cỗ bất động sản đang được doanh nghiệp Việt Nam dọn dở dang trên bàn tiệc sẽ dễ dàng bị doanh nghiệp nước ngoài nuốt chửng.
Trong khi đó, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Đỗ Thị Loan nhận xét rằng, thị trường địa ốc đang bị suy thoái như hiện nay là do chính sách vĩ mô yếu kém. Bà Loan cho rằng Bộ Xây dựng không tham mưu tốt cho Chính phủ việc quy hoạch và phát triển xây dựng, doanh nghiệp vốn ít nhưng lao vào hàng loạt dự án không khả thi. Bà đề nghị rà soát lại các dự án giao, cấp đất và chú trọng tính hiệu quả trong đầu tư để tránh lãng phí.
Nguyên thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Đức Thúy cho biết, trọng tâm của buổi gặp mặt này là tìm hiểu xem thị trường bất động sản hiện đang đi đến đâu và các chiều hướng này sẽ gây ra những hậu quả gì cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Tin liên quan: | |
|
Ông Thúy cho rằng, phản ảnh của doanh nghiệp về sự sút giảm, trầm lắng, đóng băng và có nguy cơ sút giảm nếu không có chính sách vĩ mô kịp thời can thiệp là hoàn toàn có cơ sở. Theo đó, tín hiệu xấu của thị trường này có thể để lại hệ quả xấu nếu cứ buông lơi theo đà này. Bởi lẽ, nợ xấu sẽ tiếp tục tăng lên và việc giải chấp tài sản càng khó khăn.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Thúy, để có được giải pháp cơ bản cho thị trường bất động sản cần phải có những phiên học chuyên sâu để chọn lựa, biểu quyết và đúc kết nhiều giải pháp khả thi hơn. Điều cần đặt vấn đề là trong tương lai ngân hàng sẽ xử lý nợ bất động sản thế nào, siết nợ ra sao. Nếu làm không khéo thì tất cả đều bế tắc.
Nguyên thống đốc Ngân hàng nhà nước hứa sẽ chuyển những kiến nghị của doanh nghiệp đến các cơ quan có thẩm quyền để làm cơ sở tìm ra giải pháp hiệu quả cho thị trường bất động sản.
Vũ Lê