Tại tọa đàm về quản lý xe hợp đồng để góp ý sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật Đường bộ được tổ chức ngày 21/8, nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng quy định hiện hành còn bất cập khiến doanh nghiệp xe hợp đồng không muốn vào bến. Xe khách tuyến cố định thường phải đăng ký biểu đồ, được phân slot (lượt xe chạy), thời gian hoạt động và được chấp thuận của cơ quan nhà nước hai đầu bến, trong khi đó xe hợp đồng (limousine) không phải đăng ký thủ tục trên.
Là đơn vị vận hành cả xe khách tuyến cố định và xe hợp đồng, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH và Dịch vụ Minh Thành Phát, cho biết công ty có 21 xe hoạt động tại bến Mỹ Đình. Đơn vị muốn tăng lên 41 xe để đáp ứng nhu cầu khách hàng, nhưng không dễ thực hiện vì liên quan đến quy hoạch, slot xe tại bến. Trong khi đó, tăng thêm xe hợp đồng chỉ phải thực hiện quy định về giấy phép kinh doanh, hợp đồng khách.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc nhà xe Vân Anh, cũng cho hay đơn vị từng chạy xe khách tuyến cố định, rồi chạy hợp đồng, rồi quay lại bến để hoạt động theo tuyến cố định. Ông thấy việc xin slot trong bến xe khó khăn trong khi với xe hợp đồng, nhà xe chỉ cần mua xe, xin phù hiệu, chờ khách gọi.
Theo ông Dũng, vận hành xe hợp đồng hiệu quả hơn vì không phụ thuộc giờ giấc, không hạn chế khách hợp đồng với doanh nghiệp nên xe có thể chạy quay vòng nhiều lần trong ngày. Trong khi xe tuyến cố định phải chờ đến giờ mới được khởi hành, chạy giới hạn theo slot. Xe vào bến còn tốn nhiều loại thuế phí như phí bến, VAT vé, thuế thu nhập doanh nghiệp, khó giảm giá để cạnh tranh với xe hợp đồng.
Do đó, ông Dũng đề nghị cơ quan quản lý thay đổi quy định cho xe khách tuyến cố định, đảm bảo hoạt động linh hoạt và cạnh tranh được với loại hình mới. "Phải có hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ hấp dẫn cho doanh nghiệp kinh doanh tuyến cố định và hợp đồng để hai loại hình này đồng hành. Nếu bến xe dư thừa chỗ có thể cho xe hợp đồng hoạt động để tăng thu nhập cho bến", ông Dũng nói.
Ông Lê Ngọc Nam, Chủ tịch HĐTV Công ty X.E Việt Nam, nhận định lợi ích của xe hợp đồng là chất lượng dịch vụ vận tải được nâng lên, phục vụ được đa dạng nhu cầu của hành khách. Các doanh nghiệp đi đầu ứng dụng công nghệ, giám sát an toàn giao thông tốt. Song loại hình này thiếu điểm đón trả vì thiếu quỹ đất. "Nhà nước cần ban hành quy chuẩn điểm đón trả khách cho các loại xe, có thể là văn phòng nằm trên tuyến phố có đủ điều kiện phục vụ hành khách", ông Nam đề xuất.
Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm, cũng cho rằng các quy định tại bến xe cần sửa đổi cho phù hợp. Ví dụ xe khách trong bến đang xuất phát theo giờ cố định, có thể cho phép đi khi đủ khách. Bến xe không nên chỉ dành cho xe tuyến cố định mà còn có thể các xe chở khách hợp pháp khác vào để hài hòa lợi ích với các phương tiện khác và cơ quan thuế cũng dễ quản lý. Xe hợp đồng chỉ cần đỗ 10-15 phút là ra khỏi bến.
"Bến xe cũng cần đổi mới thu hút khách, như bến xe Nước Ngầm đang làm nhà chờ như nhà chờ sân bay để nâng cao chất lượng phục vụ", ông Lập nói.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, cho biết sau thời gian thực hiện, Bộ Giao thông Vận tải nhận thấy bất cập và sửa đổi Nghị định 10, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 41 sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý hoạt động vận tải bằng ôtô, dịch vụ đào tạo lái ôtô và dịch vụ sát hạch lái xe. Trong Nghị định 41 có nhiều nội dung sửa đổi liên quan xe hợp đồng.
Từ ý kiến đại biểu, Vụ Vận tải sẽ rà soát, cụ thể hóa khi xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, các xe hợp đồng "trá hình xe tuyến cố định" đang tập trung tại Hà Nội và TP HCM đi các tỉnh trong bán kính dưới 500 km, tổ chức vận chuyển liên tục giữa hai địa phương. Danh sách hành khách chiều đi và về không giống nhau, như Hà Nội - Thái Bình, Hà Nội - Quảng Ninh, Hà Nội - Ninh Bình. Riêng Hà Nội có trên 37.000 xe hợp đồng, trong đó có 18.000 xe dưới 9 chỗ, nhưng xe khách tuyến cố định chỉ có 3.300. Những xe này đón, trả khách tại một số địa điểm cố định trong nội thành mà không có rào cản do quy định hiện hành chưa có chế tài triệt để.