TP HCM có 41 bến đò ngang được cấp phép và hàng chục bến cóc, bến dù trên hơn 1.000 km đường sông, kênh rạch. Song theo đánh giá của Khu đường sông thành phố, hầu hết bến đò đều không đảm bảo lưu thông, hoạt động chưa đúng nội quy an toàn đường thủy, nên hiểm họa lật chìm đang hằng ngày đe dọa khách đi đò.
Đơn cử như bến đò An Lợi Đông, nối liền hai bờ sông Sài Gòn từ quận 2 qua quận 7 với 54 chiếc ghe nhỏ được xem là bến dễ xảy ra tai nạn nhất. Nhiều năm nay, các chuyên gia đường thủy đã liên tục cảnh báo, khu vực này là luồng thủy thường xuyên có tàu lớn lưu thông nên sẽ rất nguy hiểm cho những chiếc ghe nhỏ.
Tuy nhiên trên thực tế, hằng ngày những chiếc ghe chở khách vẫn "cõng" một số lượng lớn người và phương tiện qua sông Sài Gòn từ bến đò này.
Đưa khách băng ngang sông Sài Gòn bằng con đò cũ kỹ và không ai mặc áo phao trừ chủ ghe. Ảnh: Kiên Cường |
Tình trạng quá nát của các con đò ngang sông cũng được các cơ quan chức năng cảnh báo là có thể gây nên những tai nạn chìm ghe. Bà Lê Thị Hoa, chủ một con đò ở bến An Lợi Đông khẳng định, bà chưa thay mới phương tiện mưu sinh một lần nào từ 20 năm nay, chỉ sửa chữa theo định kỳ 6 tháng một lần như dặm vá và sơn phết lại một vài chỗ.
Một yếu tố nữa làm cho tình trạng mất an toàn của các bến đò ngang ngày càng tăng là người dân chủ quan với chính tính mạng của mình khi không tự giác mặc áo phao.
Theo ghi nhận của VnExpress, sáng 29/5 người đi đò tấp nập tại các bến An Lợi Đông, Bình Mỹ (nối huyện Củ Chi với thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) nhưng hầu hết trong số đó coi chuyện mặc áo phao là chiếu lệ.
Các chủ đò phân bua, vì không có quy định bắt buộc đi đò phải mặc áo phao nên nhiều khách thẳng thừng từ chối khi được yêu cầu mặc áo cứu hộ.
Trong khi nguy hiểm lật chìm luôn tiềm ẩn trên những chuyến đò ngang Sài Gòn thì các cơ quan chức năng vẫn chưa nghiêm khắc trong việc buộc những bến đò đảm bảo an toàn lưu thông cho khách.
Ông Phan Hoàng Trí, Phó giám đốc Khu đường sông TP HCM cho rằng, hiện nay cách tốt nhất để đảm bảo an toàn là tùy thuộc ý thức người đi đò. "Phải tuyên truyền, cổ động người dân tự bảo vệ mình bằng cách mặc áo phao đề phòng nguy hiểm", ông Trí nói.
Cùng quan điểm, ông Ngô Đặng Quá Hải, chuyên viên phòng quản lý giao thông thủy Sở Giao thông công chính phân tích, quản lý việc hành khách đi đò mặc áo phao là rất phức tạp. Trên thực tế các bến đò tuân thủ khá tốt việc trang bị đầy đủ áo phao và để chỗ dễ thấy dễ lấy, trong khi khách không chịu mặc. Do đó không thể xử phạt chủ đò.
Ông Hải thông tin thêm, hiện Sở đang tổng hợp các báo cáo của các bến đò để kiến nghị với UBND TP HCM về việc bắt buộc tất cả người đi đò mặc áo phao giống như buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy, chứ không theo kiểu tự nguyện như hiện nay.
Kiên Cường