Ảnh: Corbis.com. |
Thử làm bài trắc nghiệm sau và xem lý giải của các chuyên gia tâm lý bên dưới, bạn sẽ nằm được tình trạng hôn nhân của mình và biết cách điều chỉnh để nó được bền lâu và hạnh phúc.
1. Chuông điện thoại reo. Mẹ bạn gọi đến và hỏi vợ chồng bạn có đến ăn cơm cùng gia đình vào tối chủ nhật này được không. Bạn nói với mẹ:
a. Không. Vợ chồng bạn đã có một tuần vất vả và bạn chắc chắn, dù chưa hỏi chồng, là các bạn thích ở nhà một mình vào cuối tuần này
b. Tại sao mẹ phải gọi điện làm gì? Chắc chắn là chúng con sẽ tới rồi. Đó là truyền thống của gia đình ta và vẫn vậy từ trước khi con cưới cơ mà
c. Để con xem lại lịch và sẽ gọi lại cho mẹ sau nhé
Câu c là câu trả lời hợp lý nhất, vừa thực tế vừa lịch sự. Nếu trả lời câu b: Đồng ý ngay mà không cần hỏi ý kiến ông xã cho thấy bạn thiếu tôn trọng chồng và điều này có thể gây ra những điều không hay cho gia đình bạn.
Một cuộc hôn nhân hạnh phúc là khi cả hai đều tôn trọng lẫn nhau. Đôi khi vợ chồng có những bổn phận gia đình cần phải thảo luận để cùng đưa ra quyết định.
2. Ở trong hiệu sách, bạn thấy một cuốn mới của tác giả mà chồng bạn hay đọc trước đó. Bạn:
a. Ghi nhớ nó để nói với chồng về cuốn sách và rủ anh ấy đến mua
b. Ngay lập tức mua cuốn sách
c. Lưỡng lự nhưng cuối cùng bỏ qua. Bạn biết chồng mình yêu thích nhà văn-tác giả của cuốn sách nhưng không chắc anh ấy có thích cuốn này hay không
Câu a hợp lý nhất: Những đôi vợ chồng hạnh phúc thường quan tâm đến những điều rất nhỏ trong cuộc sống như một nhà văn "nửa kia" yêu thích, những ký ức tuổi thơ.. . Nếu bạn cùng chồng mua cuốn sách, bạn vừa chứng tỏ mình rất chú ý đến sở thích của anh ấy vừa thể hiện sự tôn trọng vì đã hỏi ý kiến chồng.
Nếu chọn câu c, bạn có vẻ không quan tâm lắm đến bạn đời của mình. Chẳng lẽ bạn lại không biết người đầu gối tay ấp với mình thích và ghét gì ư?
3. Cả tuần qua quá bận rộn và bạn không có một buổi tối thực sự nào được ở một mình với chồng. Bạn lại vừa có một cuộc hẹn quan trọng với cô bạn vào tối thứ sáu. Khi cô bạn gọi điện đến báo hoãn cuộc hẹn vào phút cuối, bạn:
a. Mừng thầm. Dù không được vui vẻ với bạn bè nhưng đây là cơ hội để bạn được ở gần chồng
b. Bực bội. Chồng bạn đã có kế hoạch khác khi biết bạn định ra ngoài, vì vậy bạn chẳng được việc gì cả
c. Bực mình với cô bạn. Dường như bạn không bao giờ có cơ hội được tụ tập với đám bạn gái, thay vào đó, tất cả mọi hoạt động trong ngày chỉ loanh quanh với ông xã
Câu a là hợp lý nhất: Vợ chồng luôn cần thời gian riêng tư để chăm sóc nhau và làm mới lại cuộc hôn nhân của mình. Nếu bạn cảm thấy bực bội hay phiền phức khi phải ở nhà với chồng sau một tuần ít được gặp nhau hay thèm khát được ở một mình hơn là với bạn đời có nghĩa là mối quan hệ của hai người không thực sự tốt.
4. Bạn vừa bỏ việc để ở nhà chăm con. Một hôm, khi lướt qua trang mua sắm trên mạng, bạn thấy vài món đồ rất hay và bạn thừa khả năng để mua. Bạn:
a. Không mua. Bạn không kiếm ra tiền nên không hề cảm thấy chúng là của mình
b. Mua ngay. Bạn và chồng đều cảm thấy hài lòng và nó cũng không hề quá mức cho phép trong ngân sách gia đình
c. Mua chúng nhưng mang cảm giác có lỗi. Bạn nhờ họ gửi đồ về nhà mẹ đẻ, cố tìm cách để mang chúng về nhà sau
Câu b hợp lý: Trong một gia đình, vợ chồng cần luôn biết rõ số tiền người kia kiếm được cũng như nơi để nó và các khoản nợ nần. Không có vấn đề gì khi bạn tiêu tiền và không việc gì phải rạch ròi việc ai mang tiền về nhà bởi hai người luôn cùng chia sẻ và tôn trọng những việc người kia làm.
Bí mật tài chính là một dấu hiệu nguy hiểm, nếu bạn trả lời rằng bạn mua những đồ đó nhưng cảm thấy tội lỗi. Nếu bạn trả lời không mua thì có vấn đề khác: Phải chăng chồng làm bạn cảm thấy mình không thể dùng tiền ngoài những thứ thiết yếu như thức ăn, thậm chí anh ta còn phê phán hay áp đặt bạn?
5. Bạn đang uống cà phê và tán chuyện về chồng với hai cô bạn gái. Một cô phàn nàn không ngừng về ông chồng lười biếng, thiếu trách nhiệm... của mình. Bạn
a. Im lặng, thỉnh thoảng đưa ra những ý kiến tích cực về chồng mình (bỏ qua việc anh ta thường ngồi trong toilet lâu thế nào) hy vọng sẽ làm cho bạn mình cũng nghĩ tốt về chồng cô ấy
b. Im lặng hoàn toàn
c. Chỉ đợi để phụ họa theo với những lời ca thán tương tự về chồng mình (bạn yêu chồng nhưng vẫn thích được kể xấu chàng)
Câu a hợp lý: Trong một cuộc hôn nhân vững bền, cả hai phải đánh giá cao về nhau và khi được hỏi có thể dễ dàng nghĩ nhiều thứ tốt đẹp để nói về một nửa của mình, chẳng hạn như đó là người có trách nhiệm với công việc, giỏi chăm con hay rất tinh tế.
Im lặng hoàn toàn không phải là một lựa chọn hoàn toàn tệ nhưng tại sao bạn lại không thử lái câu chuyện sang một hướng tích cực hơn?
6. Chồng bạn đi công tác hai đêm. Bạn biết một trong số đồng nghiệp cùng đi với anh ấy là một cô gái độc thân rất hấp dẫn. Bạn:
a. Chẳng lo lắng gì. Bạn đã gặp cô ta rồi. Bạn xinh đẹp và thông minh hơn hẳn cô nàng nên đó không phải là đối thủ của bạn
b. Bắt chồng hứa sẽ gọi điện về ngay khi đến nơi và cố kiếm chế sự lo lắng của mình trong suốt thời gian chồng đi
c. Hôn tạm biệt chồng mà không băn khoăn gì cả
Câu c đúng: Nếu bạn tiễn chồng mà chẳng lo lắng gì, bạn và anh ấy rõ ràng là rất hiểu và tin tưởng lẫn nhau. Một số đôi nhầm tưởng rằng cách chống lại việc ngoại tình tốt nhất là kiểm soát bạn đời của mình hay dè chừng những người có thể trở thành "đối thủ". Thực tế, trong cuộc hôn nhân bền vững, không có "đối thủ. Nếu nói là bạn chẳng bao giờ bị ai khác thu hút là nói nối. Nhưng nếu bạn có gia đình hạnh phúc, nó sẽ chiến thắng cảm giác đó.
7. Vợ chồng bạn đã không "gần gũi" nhau hơn một tuần. Bạn nghĩ:
a. Điều này từng xảy ra trước đây và bạn cảm thấy hoang mang cho đến khi mọi thứ quay lại bình thường. Thời gian đó bạn thường tự giải quyết với "đồ chơi"
b. Đó là điều bình thường trong đời sống gối chăn. Một trong hai bạn hay cả hai đang mệt mỏi, căng thẳng hay lịch làm việc không khớp nhau
c. "Ồ, như thế là lâu ư? Tôi chẳng để ý nữa"
Câu b đúng: Những đôi trong cuộc hôn nhân hạnh phúc có đời sống tình dục tốt, thậm chí rất mỹ mãn nhưng không có nghĩa là lúc nào "chuyện ấy" cũng nóng bỏng như nhau. "Chuyện ấy" cũng có lúc thăng, lúc trầm và nếu thực sự yêu và hiểu nhau, cả hai bạn sẽ nhận thức rõ điều đó và biết cách điều chỉnh.
Hoang mang về tình huống này cho thấy bạn đang bị ám ảnh, lo lắng. Còn nếu bạn không chú ý đến khoảng thời gian hai người đã không gần gũi nhau, đó là một dấu hiệu nguy hiểm. Tình dục không phải là tất cả trong quan hệ vợ chồng nhưng nó vẫn là một phần rất quan trọng.
8. Bạn vừa được đề đạt thăng chức. Vấn đề là: Vị trí công việc mới yêu cầu bạn phải chuyển đến một thành phố khác. Bạn sẽ nói với sếp:
a. Trước hết tôi phải hỏi ý kiến chồng đã - dù đây không phải là một điều bất ngờ lớn nhưng chúng tôi luôn bàn bạc mọi việc với nhau từ khi kết hôn.
b. Được chứ, danh tiếng, không nhất thiết gắn liền với tiền bạc, là cái bạn đã mong đợi nhiều năm rồi
c. Không. Làm sao bạn có thể đề nghị chồng cùng chuyển đi vì bạn được
Câu a đúng. Có thể sự thăng tiến là điều cả hai bạn cần nhất bay giờ. Nhưng nếu bạn nói với sếp rằng "được" ngay lập tức thì có vẻ như hai người không chia sẻ mục tiêu trong cuộc sống với nhau. Trong khi bạn không thể phớt lờ tham vọng nghề nghiệp, bạn cũng không muốn xa chồng. Hai bạn nên thảo luận về mục tiêu và những ước mơ trong cuộc sống với nhau suốt cuộc đời.
9. Một đêm, gần đến giờ ngủ, chồng bạn kêu ca rằng anh ấy không còn một chiếc áo sơ mi sạch sẽ nào cho ngày mai. Anh ấy cằn nhằn bạn: "Sao hôm nay em không giặt?". Bạn:
a. Vặc lại rằng anh ta có nhiều thời gian để giặt giũ hơn bạn. Cả hai đều quá bận mà
b. Nhẹ nhàng hỏi xem có phải hôm nay anh ấy có chuyện không vui không và nói rằng bạn có thể đề đi giặt chiếc áo ngay bây giờ
c. Phớt lờ. Anh ta đôi khi vẫn thế mà.
Câu b đúng: Không chỉ bởi vì bạn đề nghị giặt chiếc áo cho anh ấy, phản ứng lại một lời phàn nàn tiêu cực bằng một câu trả lời tích cực sẽ giúp xoa dịu tình huống và thúc đẩy giao tiếp vợ chồng tốt hơn.
Nói lại chồng với một thái độ gắt gỏng chỉ làm cho vòng luẩn quẩn "phàn nàn-phàn nàn" lặp lại. Và phớt lờ anh ta không bao giờ là một điều tốt trong một cuộc hôn nhân.
10. Bạn đang cãi nhau với chồng về việc nên hay không nên để cho cô con gái tuổi teen đi chơi về muộn (anh ấy nói được, bạn nói không). Sau một hồi, nản quá, bạn:
a. Bảo anh ấy rằng bạn mệt vì tranh cãi và không muốn nói về điều này nữa
b. Nói với anh ấy rằng có thể hai bạn nên thư giãn một chút và nói lại vấn đề này sau, khi cả hai bình tĩnh hơn
c. Nói với chồng rằng bạn không muốn trở thành một người mẹ dễ dãi, giống như bố mẹ của anh ấy
Câu b đúng: Chiến thuật đúng ở đây là ngừng tranh cãi cho đến khi bạn bình tĩnh lại. Bất đồng quan điểm là thực tế tất yếu trong đời sống hôn nhân nhưng có cách đúng và cách sai để giải quyết nó. Bạn không bao giờ nên đưa một vấn đề khác ra khi đang cãi vã. Thay vào đó, hãy lắng nghe bạn đời và thử tập trung giải quyết vấn đề sau.
Minh Thùy (theo LHJ)