Tối 23/9, vở kịch Tả quân Lê Văn Duyệt có buổi diễn phúc khảo trước hội đồng nghệ thuật. Dù vậy, rất nhiều khán giả tìm đến xem trước khi tác phẩm công diễn. Họ nóng lòng muốn biết một vở kịch được đầu tư với số tiền khá lớn về một nhân vật lịch sử quá nổi tiếng như Lê Văn Duyệt sẽ như thế nào.
Tả quân Lê Văn Duyệt (Quyền Linh) được tạo hình và thể hiện còn khá non trẻ, thậm chí phục sức khá giống vua. |
Đây là lần đầu tiên sân khấu TP HCM có một tác phẩm về vị công thần trụ cột của nhà Nguyễn. Ông là vị quan hai lần giữ chức Tổng trấn thành Gia Định (đất Sài Gòn xưa) dưới triều vua Gia Long và sang cả đời vua Minh Mạng. Trong cuộc đời đầy ly kỳ và nhiều công trạng của Lê Văn Duyệt, đạo diễn Doãn Hoàng Giang chọn kịch bản xoay quanh vụ Tả quân xử tử hình phó tổng trấn thành Gia Định Huỳnh Công Lý vì tội tham tàn, nhũng nhiễu dân để trục lợi cho bản thân.
Huỳnh Công Lý là quốc trượng, là cha của Huệ Phi, một giai nhân được vua rất sủng ái. Thế nhưng, Lê Văn Duyệt với tấm lòng yêu nước, thương dân và cương trực vẹn ngời đã dám vượt quyền một ông vua để xử tử kẻ bạo tàn, hống hách.
Trong khi đó vua Minh Mạng (NSND Thế Anh) mặc toàn màu đen và xám, nhìn rất già cỗi. |
Tình tiết lịch sử gay cấn và độc đáo như thế nhưng khi được chuyển lên sân khấu kịch, dường như độ nóng đã giảm đi. Câu chuyện được kể lại dàn trải. Những cảnh khán giả mong chờ như Tả quân cùng binh lính vượt thuyền về thành Gia Định cứu dân lành, Tả quân vi hành tìm hiểu lòng dân, Tả quân tìm kế trừng trị Huỳnh Công Lý... diễn ra không như mong đợi khi diễn viên Quyền Linh, người thủ vai chính, nhiều lần quên và vấp lời thoại.
Lê Văn Duyệt vừa được lòng dân vì đức độ và tài năng, vừa khiến cả bọn đầu trộm đuôi cướp nể sợ về chầu dưới trướng. Thời Lê Văn Duyệt làm Tổng Trấn thành Gia Định, người người kính phục, còn các nước lân bang gọi là ông "Cọp gấm Đồng Nai". Với một nhân vật như vậy, khi người diễn viên thể hiện, từ vóc dáng, giọng nói, hành vi cử chỉ rất cần toát lên uy lực và sức hút. Đó là điều mà Quyền Linh còn chưa lột tả hết được, dù trong vài đoạn anh đã cố gắng nhập tâm vào vai diễn.
Trong một vài cảnh, diễn viên Quyền Linh đã thể hiện được thần thái của một vị quan yêu nước, thương dân bằng cả trái tim. Tuy nhiên, nhìn chung, vai Tả quân Lê Văn Duyệt dường như quá sức anh. |
Ngoài ra, việc chọn diễn viên để thể hiện hai nhân vật vốn nhiều hiềm khích với nhau là Lê Văn Duyệt và vua Minh Mạng khiến nhiều khán giả thấy khó hiểu. Xét theo lịch sử, Lê Văn Duyệt dưới thời vua Minh Mạng đã vào tầm 56 tuổi. Còn vị vua lúc này chỉ khoảng 29 tuổi. Nhưng, tạo hình của đạo diễn trên sân khấu thì hoàn toàn ngược lại: Minh Mạng do NSND Thế Anh thủ vai già cỗi và chậm chạp, không bộc lộ hết nét đa tình của một vị vua trẻ vì chiều theo nhan sắc khuynh thành mà vô tình dung túng gian thần. Còn Lê Văn Duyệt (Quyền Linh) thì khá non nớt trong phong cách khiến người xem cảm thấy lấn cấn.
Ngay từ đầu, đạo diễn Doãn Hoàng Giang khẳng định: "Tôi sợ kiểu làm kịch về lịch sử rồi nơm nớp bị 'soi' là có giống với sử thật hay không". Nhưng có những tình tiết nếu "phăng" quá sẽ thành vô lý. Ví dụ, cách xử lý phục trang của nhân vật chia làm hai "phe". Một bên là triều thần vua quan, quý phi, quốc trượng vận toàn màu đen, xám... đến cả lính và người hầu của "phe" này cũng mặc tuyền một màu đen. Ngược lại, những nhân vật thuộc phía về tả quân Lê Văn Duyệt thì rực rỡ màu vàng, màu đỏ. Với cách xử lý trên, có vẻ đạo diễn muốn ngụ ý phân chia chính nghĩa - gian tà làm thành hai trục. Nhưng điều này là không thể vì dù cho Lê Văn Duyệt có "lấn" vua đến đâu chắc chắn cũng không thể nào dám mặc màu áo mà ngàn đời vốn được quy định chỉ dành cho hoàng tộc.
Một cảnh tả quân cùng binh lính vượt thuyền về thành Gia Định cứu dân lành. |
Sân khấu của vở Tả quân Lê Văn Duyệt được dựng đơn giản với 9 chiếc cột cao to nửa màu đen, nửa màu đỏ đã gây hiệu ứng khá tốt với khán giả trong việc tạo cảm giác về chính nghĩa thắng cường quyền. Số 9 biểu trưng cho 9 án xử tử mà vua Minh Mạng đã áp đặt lên Tả quân, nhưng rốt cuộc vị quan cương trực vẫn sống mãi trong lòng dân vì tấm lòng của mình.
Xem xong vở Tả quân Lê Văn Duyệt, nhiều khán giả cảm thấy tiếc. Giá như việc đầu tư cho trang phục, bối cảnh của vở, diễn xuất của diễn viên được chăm chút hơn, tình tiết được dồn nén hơn thì kịch chắc sẽ hấp dẫn hơn. Bởi bản thân lịch sử đã đầy đủ kịch tính, những nút thắt mở có thể khiến người ta nghẹt thở hoặc vỡ òa vì xúc động.
Bài, ảnh Anh Vân
Bạn đã xem phúc khảo vở "Tả quân Lê Văn Duyệt"? Bạn có đóng góp gì cho êkíp thực hiện, hãy chia sẻ tại đây.