Người gửi: Do quoc Viet
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Ùn tắc và an toàn giao thông
Ý kiến của Giám đốc Công an Hà Nội về việc cấm các phương tiện giao thông cá nhân (Xe máy và ôtô con) đi trong một số tuyến phố của Hà Nội trong giờ cao điểm. Tôi thấy ý định này khó khả thi trong điều kiện hiện nay. Điều kiện để cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, tàu điện ngầm) là:
- Các tuyến phố phải có vỉa hè đủ rộng để cho mọi người đi cả hai chiều, còn vỉa hè Hà Nội có độ rộng là bao nhiêu?
- Vỉa hè phải có chất lượng tốt, đủ độ bằng phẳng không mấp mô dễ vấp ngã và không bị mỏi. Độ phẳng của vỉa hè có an toàn cho người đi bộ không?
- Phải có chỗ trú mưa khi có cơn mưa bất chợt (ở nước ngoài chỗ trú mưa của người dân là các đường hầm, ga tàu điện ngầm và các trung tâm thương mại)
Tôi thấy ý kiến của Ông giám đốc Công an Hà Nội là khó khả thi vì phải giải quyết được các vấn đề sau trong đời sống xã hội:
- Hà Nội có bao nhiêu diện tích đất để xây dựng bãi đỗ xe dành để đỗ xe cho phương tiện cá nhân không được lưu thông vào thời gian đó và vị trí tuyến phố đó.
- Ở Hà Nội có rất nhiều học sinh phải được phụ huynh đưa, đón tại trường. Vậy nếu tuyến phố đó bị cấm thì lưu lượng xe sẽ ùn tắc ngay tại điểm cấm vào. Vậy giải quyết vấn đề này thế nào?
- Những gia đình nằm tại các khu phố bị cấm sẽ đi lại bằng phương tiện gì?
Kiến nghị: Bài toán về ùn tắc và tai nạn giao thông không thể do một ngành có thể xoay chuyển được mà phải do Chính phủ điều tiết và Bộ Giao thông chủ trì, cùng Ủy ban nhân dân các tỉnh thực hiện nghiêm.
Tiêu chuẩn đường: Bộ giao thông phải đưa ra được tiêu chuẩn cho các loại đường bộ. Đặc biệt lưu ý đến các tuyến đường ra và vào các vùng kinh tế trọng điểm (Ví dụ: đường quốc lộ đặc biệt là các tuyến đường từ hải cảng và sân bay đến các trung tâm đô thị hoặc các trung tâm công nghiệp và thương mại, quốc lộ 1, quốc 5. Tuyến quốc lộ 51, đường từ sân bay Nội Bài về Hà Nội
Không cấp phép cho xây dựng dân dụng cũng như nhà máy dọc tuyến quốc lộ sẽ làm cho tai nạn giao thông giảm đáng kể. Đồng thời nhà nước không tốn kinh phí cho việc vài năm lại phải làm đường tránh qua các khu thị trấn (Vừa qua Chính phủ đã đầu tư để làm đường tránh qua các thị xã Long An, Thành phố Phan Thiết, Thị xã Ninh Bình, Thị xã Hải Dương). Nhưng đến bây giờ các đoạn đường tránh đó lại mọc lên các đô thị mới lại sầm uất và vài năm nữa chúng ta lại phải làm đường tránh tiếp. Điều này sẽ làm cho lãng phí ngân sách và quy hoạch không đẹp và dẫn đến các tiền lệ xấu cho nền kinh tế.
Chiều rộng vỉa hè (đường nội đô) cũng phải có quy chuẩn. Các thiết bị phụ trợ cho đường như giải phân cách, cột điện, cây xanh, đưa ra 1 loại giải phân cách, cột đèn chiếu sáng dùng cho tất cả các loại đường trên phạm vi toàn quốc. Điều này sẽ làm cho cảm giác có một sự quản lý đồng nhất trên toàn quốc, đồng thời khi sản xuất hàng loạt sẽ làm cho giá thành giảm đi nhiều.
Biện pháp xử lý:
- Tăng mức độ xử phạt
- Xử phạt bằng hình ảnh (như TP HCM đã làm)
- Các công dân là học sinh và sinh viên và viên chức sẽ phạt nặng hơn nếu vi phạm.
- Xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về quy hoạch xây dựng.
Tôi chỉ mong muốn chúng ta tự hào là người Việt Nam. Để làm được điều này thì toàn dân phải góp sức nhỏ bé của mình để làm cho giao thông Việt Nam không trở thành nỗi kinh hoàng của mọi người, nhất là khách quốc tế.