From: T.N.
Sent: Thursday, December 13, 2007 12:56 PM
Subject: Gui toa soan - RE: Co nen ket hon voi ban gai da song thu
Anh Cường và chị Thy Mai thân mến,
Đọc bài của anh Cường, chị Thy Mai và theo dõi chuyên mục, tôi nhận thấy chủ đề về trinh tiết của người phụ nữ trước hôn nhân trước đây đã là một vấn đề rất nhạy cảm, luôn đáng được quan tâm thì trong môi trường kinh tế và xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi như hiện nay, vấn đề này lại càng rất đáng được quan tâm. Do đó, tôi mong được chia sẻ một vài suy nghĩ của mình với anh Cường, chị Thy Mai và bạn đọc VnExpress.
Tôi là một sinh viên hiện vẫn sống, học tập, và làm việc ở nước ngoài, đã xa Việt Nam hơn 5 năm. Tuy nhiên, vì gắn bó thân với gia đình và luôn chia sẻ được với mẹ nên tôi tự nhận thấy mình vẫn khá truyền thống và tôn trọng các giá trị đạo đức về hôn nhân, gia đình của người châu Á. Mặt khác, vì tôi mới 24 tuổi, vẫn còn trẻ và sống ở nước ngoài, nên tôi ủng hộ tư tưởng sống có kỷ luật, nhưng cởi mở để dễ tiếp thu, học hỏi, hiểu thêm được nhiều “sự đời”.
Trước tiên là tôi rất muốn chia sẻ với chị Thy Mai. Đọc bài của chị xong mà tôi rơi nước mắt. Một phần chắc vì tôi cũng khá dễ xúc động, nhưng chủ yếu vì tôi thấy cảm phục sự thẳng thắn, chân thành, rộng lượng và dám “đứng trên sự thật” của chị. Tôi thấy chị không chỉ là một người thực tế, mà hơn hết chị rất can đảm.
Tôi hoàn toàn (100%) ủng hộ quan điểm chị chia sẻ với anh Cường: “Nếu không đủ lòng vị tha để coi như những gì đã qua là của quá khứ thì thôi anh ạ.” (Thy Mai) Quyết định đặt ra không trên sự thật thì không thể bền và rất khó đến được hạnh phúc.
Tuy nhiên, tôi không “khuyên” anh Cường nên quyết định thế nào vì tôi cảm thấy quyết định phải là do tự mỗi người làm lấy cho chính cuộc đời mình. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh và nhắc nhở anh Cường vài điểm:
1. Tinh thần “đứng trên sự thật” rất cần thiết để chính mình công bằng và thành thật với bản thân, để nhìn nhận vấn đề. Khi bản thân anh cảm nhận được và “tự tin” được mình đã hiểu, thấu suốt được vấn đề, quyết định sẽ tự nhiên đến thôi.
2. “Sống thử” cũng có nhiều mức độ và lý do. Tôi đặt ra một vài câu hỏi thế này: cô ấy (bạn gái anh Cường) đã sống thử nhưng vì sao cô ấy lại chấp nhận sống thử? Vì ngày xưa mối tình giữa cố ấy và anh bạn cùng lớp quá thắm thiết và cả hai người đều rất nghiêm túc về mối tình này (mặc dù sau đó họ đã chia tay, nhưng tại thời điểm đó họ có thể rất không tin rằng về sau mối tình của họ lại không đến được bến bờ).
Hoàn cảnh lúc đó của 2 người thế nào, có thuyết phục lắm không? Sống thử khác với “ăn cơm trước kẻng”, ít nhất mức độ là cao hơn. Và vì vậy thường đòi hỏi 2 bên “phải” có mức độ tình cảm đậm đà nhất định (trên lập trường của những người có “bản chất” nghiêm túc). Nếu muốn lý giải vì sao sống thử thì cũng nên có nhiều lý do để ủng hộ hơn (hiển nhiên để thực sự giải thích thì rất nên tự hiểu vì sao mình lại làm như thế trước đã).
3. Anh Cường không nhắc đến thời gian anh quen bạn gái là bao lâu nên tôi không biết anh có thể thực sự hiểu về bạn gái của mình đến mức nào. Để thực sự hiểu về một con người, tôi cho rằng có rất nhiều yếu tố: ngoài quá khứ (thường là có rất nhiều lỗi lầm), để thật công bằng và sáng suốt, phải quan tâm đến nền tảng gia đình, thái độ sống và làm việc, nhân cách qua công việc, quan hệ với bạn bè, quan hệ với người thân... Nếu nói theo một cách “lý trí” và có phần hơi công thức (nhưng có khi cũng nên làm) như người phương Tây, anh cũng có thể tự đặt ra một thang điểm rồi cho điểm theo từng tiêu chí để thực sự đáng giá được một mức độ nào đó về “sự hiểu” và “khả năng yêu và bao dung” của anh với bạn gái. Chị ấy có xứng đáng để được bao dung không? Vì sao có? Vì sao không?
4. Nếu hai người vẫn còn trẻ, tôi tin là nên dành cho nhau thêm thời gian để “hiểu thêm vấn đề” và nhất là hiểu thêm chính mình nữa. Hãy xem như cả hai đang cùng xây dựng một project lớn và bây giờ nảy sinh một trục trặc khá nghiêm trọng, thì cũng không nên quá vội bỏ cuộc (nếu cả hai đều đã khá nghiêm túc đến dự án này) mà nên dành thêm thời gian để hiếu vấn đề.
Bên cạnh vài chia sẻ cùng anh Cường, tôi cũng rất muốn có vài hàng chia sẻ với chị Thy Mai, một người tôi chưa quen, nhưng thấy rất quý.
Chị Thy thân, em cảm thấy chị thật rất hay, chị có thể hiểu và rộng lượng, thông cảm với cả người bạn trai đã bỏ rơi và không cảm thông cùng chị. Tuy nhiên, em lại thấy chị thật không rộng lượng và cảm thông được với chính mình. Thiết nghĩ cuộc sống ngoài trách nhiệm, kiến thức, kỷ luật, lối sống nghiêm túc, tích cực, hơn hết là sự trưởng thành của chính bản thân mình. Sự trưởng thành thường đi kèm với kinh nghiệm và sai sót. Nhưng sự trưởng thành thực sự phải là nhìn ra được vấn đề.
Em có một cảm giác chị chấp nhận vấn đề, sai lầm ngày xưa để rồi chấp nhận cuộc sống một mình hiện tại để được bình an, nhưng chị vẫn chưa thực sự thông suốt với “lỗi lầm” ngày xưa. Bằng chứng là chị đã viết đến bây giờ chị vẫn không hiểu vì sao chị lại làm như vậy. Em nghĩ chính điểm này có thể làm chị không thuyết phục anh bạn trai ngày xưa.
Thật ra từ VnExpress, em đã thấy có nhiều người lý giải vấn đề “ăn cơm trước kẻng” này theo kiểu là một sự phát triển tự nhiên của giới tính. Em thấy điều đó cũng chỉ là một phần nhưng vẫn không thuyết phục lắm. Do đó, em nghĩ phải xem đến hoàn cảnh và gia đoạn nữa.
Một vài chia sẻ cùng chị và bạn đọc thế này: Có rất nhiều người cho rằng người phương Tây rất dễ dàng và cởi mở trong vấn đề quan hệ và hôn nhân. Qua quan sát và học hỏi của cá nhân, em nhận thấy điều này có đúng trên một phần trăm tương đối mà thôi. Chủ yếu chúng ta nhận xét tương tự nhau về điều này vì tin tức của các ngôi sao, tinh minh quá nhiều, rối bù. Nhưng cần phải nhìn thấy những người này thường có cuộc sống quá phức tạp và tâm lý thường cũng phức tạp (và đa số họ cũng thích lối sống “phức tạp” này, coi cái tôi rất nặng, nên thiếu ổn định thế).
Trong thực tế ở xã hội bên này, em thấy có sự phân cấp khá rõ, và do đó vẫn có rất nhiều cặp có được hôn nhân rất bền chặt và yêu nhau nghiêm túc. Những người như thế (em đã gặp) thì em cũng có nhận xét rằng đa số họ thường có nhiều kinh nghiệm sống và nhiều bao dung. Họ thường cũng đạt được mức độ nào đó của sự trưởng thành rồi nên mới vượt qua được nhiều “cám dỗ” và rút tỉa kinh nghiệm, tích lũy được những quan điểm sống lành mạnh. Nên chính bản thân em cũng hình thành quan điểm rằng: một người trưởng thành hay không là dựa vào có đủ nhiều trải nghiệm hay không, hiểu ra được cuộc đời không dễ dàng và nhiều điều không hoàn thiện lý tưởng như mình muốn, nhưng vẫn luôn giữ gìn được một thiện chí, ý chí hoàn thiện cho chính mình.
Em đặc biệt coi trọng ý chí hướng thiện, hoàn thiện của một người vì điều đó như là “giữ lửa”, điều kiện tiên quyết để có thể có được hạnh phúc. Có rất nhiều người tuổi đời nhiều, học thức cao, nhưng họ vẫn thiếu trải nghiệm (cuộc đời của họ thường suôn sẻ và nhiều may mắn hơn (mình) thì thường rất khó biết rộng lượng, tha thứ và cũng rất khó hiểu được yêu thương (nhưng cũng vì vậy, về sau này họ cũng sẽ được cuộc đời cho thêm vài “hương vị” thôi.
Do đó, em tin rằng chị chỉ là vẫn thiếu một chút may mắn để gặp một người có đủ sự trưởng thành và cả lòng can đảm (như chị) để thực sự yêu thương chị. Và hơn hết, em rất mong chị cũng tha thứ và yêu thương mình nhiều hơn. Dù sẽ sống độc thân hay sẽ “bất ngờ” gặp được một may mắn để được yêu chân thành trở lại, em mong chị giữ gìn được hy vọng và sự tích cực, lạc quan trong cuộc sống, và nhất là ý chí hoàn thiện, hướng thiện nữa chị nhé.
Có một điểm nữa tôi cũng muốn chia sẻ cùng bạn đọc VnExpress: xã hội Việt Nam đang dần dần phức tạp lên cùng với sự phát triển kinh tế. Do đó những vấn đề (phức tạp) đã và đang nảy sinh ở các nước phương Tây cũng sẽ đến với nước mình thôi. Và khi xã hội càng phức tạp, hy vọng sẽ có nhiều người có thể hiểu thêm về “cuộc sống nhiều khó khăn” để rộng lượng cởi mở hơn, biết trân trọng nhau bằng giá trị nhiều hơn là nguyên tắc.
Xã hội phương Tây bên này thật ra rất phức tạp, lộn xộn ở giai đoạn đầu và nhất là đối với tầng lớp “hơi bị thấp bên dưới”, nhưng khi vượt qua được hết họ thường khá vững vàng (giống như một giai đoạn chọn lọc, sàng lọc vậy), nhưng cũng vì vậy mà đã có nhiều trầy trụa nên biết cảm thông, cởi mở hơn, đồng thời cũng có đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để vẫn coi trọng và giữ gìn những giá trị nghiêm túc (vì nghiêm túc thì thường bền và đẹp hơn).
Rất nhiều bạn trẻ ở Việt Nam bây giờ đang ở trạng thái bị ngộ nhận: họ không hiểu được bản chất thật sự của việc đến giai đoạn nào của quan hệ tình cảm mới là đến tình dục, do đó việc “sống thử” bị giới hạn nhìn nhận trong phạm vi rất tiêu cực. Do đó lại dẫn đến một nhận định thiếu tính xây dựng khác là không thể tha thứ cho bạn gái vì không còn trinh tiết, hoặc là phải tha thứ được mới là sống phóng khoáng, cởi mở, bao dung và “đúng trào lưu”.
Có bao giờ chúng ta thực sự đặt cho chính mình câu hỏi: Ở đâu mới thực sự là bản chất của vấn đề đây? Ở đâu mới là xuất phát từ chính mình? Vì sao lại “ăn cơm trước kẻng”? Việc đó như thế nào thì mới tích cực và lành mạnh? Vì sao cần phải cởi mở và bao dung với chính mình và người yêu? Việc đó có được làm trên tiêu chí chân thành và tích cực không?
Vượt qua hết nhiều suy tư lập trường của “thiên hạ” ảnh hưởng lên chính mình để thực sự thành thật và công tâm mới là tinh thần tích cực, đúng đắn và mới giúp mình không bỏ lỡ cơ hội để được hạnh phúc (việc này hiển nhiên không dễ làm!). Nhưng, khi chính mình thành thật với bản thân, có hiểu biết và tự đưa ra quyết định cho cuộc đời mình thì mình mới có thái độ sống trách nhiệm, vững vàng và ít gây ra bi kịch hay ân hận to tát về sau (nhất là đối với người khác).
Rất mong bài viết khá dài của tôi chia sẻ được nhiều điều với anh Cường, chị Thy Mai và các bạn đọc khác về chủ đề “có nên kết hôn với cô gái đã sống thử”.
Thân,
T.N.