Chiều 18/9, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020.
Theo ông Hà, mục đích xây dựng nghị quyết nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phục hồi sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong năm 2020. Việc này sẽ gián tiếp tác động đến đời sống xã hội như giảm nguy cơ mất việc làm đối với doanh nghiệp đình trệ sản xuất; duy trì lao động, việc làm cho người dân khi tổ chức, doanh nghiệp ổn định sản xuất. Khi ổn định việc làm, tệ nạn xã hội sẽ được hạn chế.
Theo kê khai của khoảng 4.000 công trình khai thác từ các doanh nghiệp đã có giấy phép khai thác sử dụng tài nguyên nước (trong đó, dự kiến Bộ Tài nguyên Môi trường cấp khoảng 700 công trình, địa phương khoảng 3.300 công trình), ước tính số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước năm 2020 khoảng 1.400 tỷ đồng. Trong đó, số tiền đã thu nộp đến tháng 6 khoảng 600 tỷ đồng.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nguyễn Đức Hải cho biết, năm 2020 là năm nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhóm bị ảnh hưởng. Trong đó, các doanh nghiệp gặp khó đã được hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp, người dân thì được điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, thuế thu nhập cá nhân.
"Chính sách miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cũng là chính sách hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phục vụ sản xuất, kinh doanh. Nhóm hỗ trợ đã có phần trùng lặp với các chính sách trước đó", ông Hải nói.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách, việc đề nghị miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho cả ba nhóm được quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Tài nguyên nước gồm tổ chức, cá nhân khai thác nước để phát điện có mục đích thương mại; khai thác nước để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp; khai thác nước dưới đất để trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản tập trung với quy mô lớn là quá rộng và dàn trải.
Hơn nữa, thực tế các lĩnh vực sản xuất điện, nước sạch... khai thác nguồn tài nguyên nước lớn nhất, không chịu ảnh hưởng và thiệt hại nhiều của đại dịch Covid-19. Việc sản xuất, kinh doanh vẫn có lãi do các đơn vị sản xuất điện (nhà máy thủy điện), cấp nước (nhà máy cấp nước) không do Nhà nước định giá hoặc quyết định giá bán.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện, nước trong thời gian dịch bệnh không giảm nhiều và đây là các hàng hóa thiết yếu sử dụng tài nguyên Quốc gia cần được sử dụng tiết kiệm, tránh lãng phí.
Do vậy, Uỷ ban đánh giá, việc miễn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước sẽ không thực sự tác động đến người dân mà chủ yếu có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang làm ăn, kinh doanh có lãi. Hơn nữa, nguồn thu từ cấp quyền khai thác tài nguyên nước là nguồn thu quan trọng, có liên quan đến công tác bảo vệ rừng, an ninh nguồn nước, có ảnh hưởng lớn đến nguồn thu quan trọng của một số địa phương miền núi đang nhận trợ cấp của ngân sách trung ương.
Ông Hải nhấn mạnh, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là một khoản thu thuộc ngân sách nhà nước được quy định tại Điều 65 của Luật Tài nguyên nước. Luật Tài nguyên nước cũng không quy định về miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Do vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước năm 2020 thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Trước báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định "chưa trình nghị quyết này ra Quốc hội, để tính toán sau".
"Năm nay thu ngân sách nhà nước khó khăn lắm, mà đây là nguồn thu ổn định của một số địa phương, nên chưa tính đến việc miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước", Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.