Chưa phải bàn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, tôi cho rằng điều đầu tiên cần thiết hiện nay cho nền kinh tế “sống lại” là khơi thông dòng tiền đang bị bế tắc trên thị trường tài chính. Một trong những nguyên nhân lớn gây ra sự bế tắc trên là vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp.
Để giải quyết được vấn đề nợ xấu hiện nay, gần đây chính phủ cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế đã thảo luận liên tục. Giải pháp nổi bật vẫn là thành lập đơn vị trực thuộc Nhà nước mua lại các nợ xấu của hệ thống ngân hàng, vấn đề là lấy tiền ở đâu: 100.000 tỷ đồng hay nhiều hơn nữa!!
So sánh tỷ lệ nợ xấu tại 3 thời điểm: Đầu năm, cuối quý I và cuối quý II năm 2012. Số liệu: BCTC.
Vay tiền quốc tế hay thu xếp nguồn vốn từ ngân sách đều rất khó khăn và có thể càng gây khó khăn cho đất nước ta.
Giải pháp không cần đến tiền
Dòng tiền đang bị ngưng lại chứ chưa phải là thiếu hụt. Các ngân hàng đang rất khó khăn để giải ngân ra, dẫn đến dư thừa vốn khả dụng, trong khi doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được tín dụng do hoạt động sản xuất kinh doanh chưa thể có hiệu quả.
Vậy mục tiêu trước mắt vẫn là khơi thông dòng tiền, chưa cần thiết bổ sung các nguồn lực khác như sử dụng vốn ngân sách hoặc vay quốc tế.
Theo đó Chính phủ sẽ thành lập ra công ty mua bán nợ (MBN) xấu của ngân hàng, hình thức hoạt động theo mô hình nào thì chính phủ xem xét, nhưng công ty MBN sẽ thực hiện các nhiệm vụ như sau:
- Chính phủ phát hành trái phiếu cho các ngân hàng, trái phiếu này sẽ là một cam kết thanh toán trong tương lai.
- Ngân hàng sẽ chuyển toàn bộ nợ xấu đang có cho công ty MBN của Chính phủ. Nói như vậy có nghĩa Chính phủ đang mua nợ (chưa thanh toán) cho các khoản nợ xấu của ngân hàng.
- Ngân hàng vẫn phải có trách nhiệm thu hồi các khoản nợ xấu này trong tương lai. Số tiền thu hồi được từ nợ xấu ngân hàng sẽ nhận lại nợ xấu từ công ty MBN, đồng thời công ty MBN thu hồi lại tương ứng trái phiếu cam kết. Số tiền còn lại cho phần nợ xấu sau khi xử lý làm mất vốn ngân hàng thì ngân hàng phải có trách nhiệm trích lợi nhuận kinh doanh của mình để bù lại cho tổn thất kinh doanh của mình gây ra.
- Với biện pháp này chúng ta đảm bảo hệ thống tài chính sẽ được khơi thông, bản chất các tài sản đảm bảo sẽ được khai thác hiệu quả và việc thanh lý tài sản của ngân hàng sẽ dễ dàng và được giá hơn rất nhiều so với điều kiện “đóng băng hiện nay”.
Hoàng Lê Minh
Chia sẻ bài viết của bạn về kinh doanh tại đây.