Chỉ còn một tháng tuyển Việt Nam sẽ đối đầu Campuchia lần nữa, VFF đang nhận hồ sơ để thuê huấn luyện viên. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các hồ sơ nhận được toàn là của HLV ngoại.
Trong khi người hâm mộ đang kêu gọi này nọ hướng dẫn này kia thì VFF phải đối đầu một bài toán nan giải: tiền đâu? Có người kêu gọi mời Miura trở lại, có kẻ bảo nên thuê "anh Sắc" (HLV người Thái Lan Kiatisuk) qua. Ngoài chuyện hai vị này có nhận lời hay không thì cái khoản tiền phải trả dường như ai cũng quên mất.
"Anh Sắc" được trả 58.000 USD mỗi tháng khi huấn luyện Thái Lan, người thay thế anh là Rajevac cũng nhận được một mức lương tương tự. Dù không rõ là trước thuế hay sau thuế, nhưng số tiền này mà đánh thuế xong thì chắc là hơn 20.000 USD rất nhiều.
(Xem thêm: Thắng Campuchia 2-1: 'Cần tìm gấp huấn luyện viên ngoại cho tuyển Việt Nam')
Cho nên mức lương 20.000 USD sau thuế là rất thấp so với các huấn luyện viên mà Thái đang thuê. Đấy là cái khuôn vàng thước ngọc của Đông Nam Á, đừng nói gì tới các nước khác ở châu Á với nền bóng đá cao hơn một chút. Huấn luyện viên của Nhật được trên 100.000 USD mỗi tháng, còn những vị huấn luyện các đội châu Phi có chút tiếng tăm thì khoảng 40.000 USD trở lên.
Con số mà Miura nhận được là 15.000 USD, chỉ nhỉnh hơn lương của bác sĩ ở Nhật. Vì vậy nên ở Nhật, Miura làm bình luận viên, chứ ông ấy đâu có đủ trình độ nhận lương như các huấn luyện viên khác ở Nhật. Tiền nào thì của đó, trình độ của Miura so với các huấn luyện viên mà Thái thuê về chắc cũng tương tự độ chênh lệch tiền lương.
Không phải là Miura có gì đáng chê. Với cái trình độ ấy thì vào bán kết AFF và đạt huy chương đồng SEA Games là chấp nhận được. Nhìn lại xem Hữu Thắng lương khoảng 9.000 USD một tháng, nhưng chỉ bằng khoảng 2/3 của Miura, tức là không qua được vòng loại nhưng cũng còn xếp thứ ba trong bảng.
>> Chia sẻ bài viết của bạn về bóng đá VN tại đây.
Những lời la hét về lối đá Miura xây dựng có phù hợp hay không, thể lực các cầu thủ dưới thời ông ấy thế nào, chuyện ông ấy có trọng dụng các cầu thủ HAGL hay không, đội tuyển có đá đẹp hay không, các "bác tiều phu bổ củi" nó thế nào... chẳng có ích gì hết. Đại khái trước giờ huấn luyện viên ngoại thì đắt hơn nội và thầy ngoại thì kết quả tốt hơn thầy nội.
Còn chuyện ai dẫn dắt phù hợp thì nên xem xét lối chơi mà họ xây dựng: có vừa lòng các khán giả không, biết rõ trình độ đội tuyển đang ở đâu; sau đó thì mới tính tới giá tiền. Calisto chẳng hạn, lương của ông khoảng 22.000 USD trước thuế, đó là năm 2010. Vì sao mà Miura với giá 15.000 USD và thành tích bán kết huy chương đồng mà lại bị ném đá tơi tả như vậy?
Công việc làm HLV ở Việt Nam có nhiều cái khổ không ai nghĩ ra: công việc chuyên môn thì bị can thiệp, các vị tai to mặt lớn gầm gừ đòi cho cầu thủ của họ vào, cái đội bóng vùng trũng mà đòi phải đá đẹp, thể lực yếu xìu mà cho tập thể lực thì bảo là nặng quá... Các huấn luyện viên nước ngoài còn phải xa quê, nhớ người thân, và đối mặt với những rủi ro ở Việt Nam như tai nạn giao thông, thức ăn bẩn... Họ biết hết cả đấy.
(Xem thêm: Vì sao tuyển Việt Nam mãi không vô địch SEA Games)
Nói tóm lại, các cổ động viên đừng hy vọng gì nhiều trong việc thuê huấn luyện viên. Bóng đá thời hiện đại là cuộc đua kim tiền. Cái gọi là màu cờ sắc áo chỉ có thể được bảo vệ khi các nhân vật chính được đãi ngộ đầy đủ. Ở Mỹ, tuyển nữ Mỹ nhận lương rất ít so với các cầu thủ nam, dù thành tích của họ so với nam thì một trời một vực. Thậm chí số tiền vé và tài trợ họ còn kiếm được cao hơn tuyển nam. Vậy là họ thưa kiện ra toà và đã được nhận lương cao hơn.
Đấy là các cầu thủ đá cho tuyển quốc gia. Các huấn luyện viên nước ngoài chỉ đi làm thuê, động lực của họ là tiền và những thành tích để vẻ vang cho sự nghiệp. Nhận dẫn dắt đội tuyển Việt Nam thì không có hy vọng nhiều ở điều thứ hai, chỉ còn tiền làm động lực, nên không có tiền thì hạng xoàng là phải.
>> Xem thêm: U22 Việt Nam thảm bại vì không thể 'dứt điểm lâm sàng'