![]() |
Ông Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: VTC |
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận xét Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng ra đời trong kỳ vọng của người dân. Thời gian tới, Cục sẽ làm gì để đáp ứng kỳ vọng ấy?
- Cục sẽ đẩy mạnh tiến độ điều tra các vụ án đã được mở ra, như vụ Thiên Lợi Hòa. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức điều tra một số án liên quan đến việc xà xẻo tiền cứu trợ nhân đạo của dân trong các cơn bão; các vụ án liên quan đến việc triển khai dịch vụ công, chương trình trọng điểm quốc gia…
- Chuyên án đầu tiên của Cục là vụ Thiên Lợi Hòa. Lý do gì cục lại chọn vụ án có nhiều cán bộ, quan chức bao che, thao túng để "mở hàng"?
- Vụ án này đến nay cơ quan điều tra đã bắt và khởi tố gần 20 người trong đó có ông Nguyễn Ngọc Kim (Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh); Đinh Bá An (Cục trưởng Cục Hải quan)... Con số bị can sẽ không dừng lại ở đây.
Quy luật của tội phạm là khi bị điều tra thì bao giờ cũng đối phó, chạy án, nếu không được thì vu khống. Đáng tiếc là trong Tổng cục Cảnh sát cũng có cán bộ tham gia vào việc này đó là Tạ Mạnh Dũng và Đinh Văn Minh (đã bị bắt).
- Làm án tham nhũng, điều khó tránh khỏi là liên quan đến người có chức quyền, ông đã chuẩn bị tinh thần cho mình và thuộc cấp ra sao?
- Tôi đã làm công tác đấu tranh chống tham nhũng hơn 20 năm, chưa thấy có vụ nào vì áp lực, hay can thiệp mà phải dừng lại. Nhân dân bức xúc về tình trạng tham nhũng, nhưng còn bức xúc hơn về hiệu quả công tác đấu tranh chống tham nhũng. Nếu không vượt qua được cản trở thì niềm tin của người dân vào cuộc chiến chống tham nhũng sẽ suy giảm. Vì vậy, sẽ không có trở ngại nào làm lệch hướng công tác điều tra.
- Trong một số vụ án vừa qua, đã có dấu hiệu của việc lợi dụng cuộc chiến chống tham nhũng gây ảnh hưởng đến uy tín cán bộ. Theo ông, cần áp dụng bổ sung những biện pháp gì nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người từng bị nghi ngờ nhưng sau được minh oan, ví dụ trường hợp thiếu tướng Cao Ngọc Oánh trong vụ PMU 18?
- Tôi không đề cập đến các trường hợp cụ thể, nhưng đúng là có tình trạng này. Với cơ quan điều tra thì chỗ dựa vững chắc nhất là pháp luật. Có nói có, không nói không. Sai mức nào là phải chỉ rõ và phải có chứng cứ. Làm điều tra không được suy luận.
Nhân đây tôi cũng đề nghị công luận khi phán xét sự việc cũng phải dựa trên chứng cứ chứ không thể chủ quan. Căn cứ vào pháp luật, dựa vào chứng cứ thì những người lợi dụng công tác chống tham nhũng để đấu đá nội bộ, làm oan sai cho cán bộ dẫu có muốn cũng không thực hiện được.
(Theo VTC)