Cách đây vài năm, thợ lặn khám phá vùng ven biển Na Uy bắt gặp vật thể mà họ không thể giải thích. Đó là một khối cầu khổng lồ giống thạch rộng hơn một mét, trôi lơ lửng giữa đáy biển và mặt nước. Một sợi màu đen chạy qua chính giữa khôi cầu, nhưng vật thể này trong suốt và hoàn toàn không có điểm đặc biệt.
Gần 100 khối cầu tương tự xuất hiện ở Na Uy và biển Địa Trung Hải từ năm 1985, nhưng khối bí ẩn dạng thạch chưa được nhận dạng. Hiện nay, thông qua phân tích ADN, các nhà nghiên cứu xác định đó là bọc trứng hiếm gặp của một loại mực phổ biến mang tên Illex coindetii.
Theo nghiên cứu công bố hôm 30/3 trên tạp chí Scientific Reports, mỗi khối cầu có thể chứa hàng trăm nghìn quả trứng mực, bọc trong chất nhầy chậm tan rã. Dù giới nghiên cứu đã biết về mực I. coindetii trong hơn 180 năm và từng quan sát chúng ở biển Địa Trung Hải cũng như hai đầu Đại Tây Dương, đây là lần đầu tiên họ nhận dạng bọc trứng mực trong tự nhiên.
"Chúng tôi cũng xem xét những gì ở bên trong khối cầu và thấy phôi thai mực ở 4 giai đoạn khác nhau", trưởng nhóm nghiên cứu Halldis Ringvold, quản lý tổ chức động vật học hải dương Sea Snack Norway, cho biết. "Ngoài ra, chúng tôi có thể theo dõi khối cầu thay đổi độ đồng nhất như thế nào, từ hình dáng trong suốt và săn chắc tới trong mờ và nứt nẻ, khi phôi thai phát triển".
Mực I. coindetii thuộc nhóm mực phổ biến có tên gọi Ommastrephid. Trong thời kỳ sinh sản, mực cái đẻ những bọc cầu trứng lớn tạo thành từ chất nhầy của chính chúng để giữ cho phôi thai trôi nổi và an toàn trước động vật săn mồi. Tuy nhiên, bọc trứng mực rất hiếm gặp. Nhưng do không thể phân tích ADN mô khối cầu, họ không có cách nào xác nhận loài mực.
Vì vậy, Ringvold và đồng nghiệp thực hiện một chiến dịch khoa học trong cộng đồng, khuyến khích thợ lặn thu thập mẫu vật mô nhỏ của bất kỳ khối cầu nào mà họ gặp ở vùng biển gần Na Uy. Năm 2019, các thợ lặn mang tới mẫu mô thừ 4 khối cầu riêng biệt, được thu thập trong những chai nhựa và lưu trữ trong tủ lạnh gia đình. Mẫu vật bao gồm chất nhầy của khối cầu và phôi thai ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Phân tích ADN lớp mô giúp xác nhận cả 4 khối cầu đều chứa mực I. coindetii.
Tuy nhiên, bí ẩn mới chỉ được khám phá một phần. Do không có mẫu mô từ mọi khối cầu, các nhà nghiên cứu không biết chắc tất cả gần 100 khối cầu đã quan sát có phải đều thuộc cùng một loài hay không. Tuy nhiên, do mọi khối cầu đều có hình dạng và kích thước tương đồng, chắc chắn phần nhiều đều thuộc loài mực I. coindetii.
Theo nhóm nghiên cứu, sợi sẫm màu chạy xuyên qua khối cầu có thể là mực phun ra khi trứng được thụ tinh. Khối cầu không có mực có thể là kết quả do chúng ở giai đoạn phát triển khác, khi mực đã tiêu tán. Sau khi phôi thai bắt đầu phát triển, cả khối cầu bao gồm sợi mực sẽ bắt đầu tan rã. Sợi sẫm màu cũng có thể là cơ chế ngụy trang mô phỏng loài cá lớn và dọa động vật săn mồi.
An Khang (Theo Live Science)