Thứ tư, 24/4/2024
Thứ tư, 18/11/2015, 06:00 (GMT+7)

Những tàn tích chìm nổi theo dòng nước

Trong khi nhiều công trình cổ đại trồi lên khỏi mặt nước sau hàng trăm hay hàng nghìn năm, những tàn tích khác vẫn ẩn mình dưới nước và chỉ lộ diện khi con người tình cờ phát hiện.

Vào cuối tháng 10, một nhà thờ ra đời từ thế kỷ 16 ở Chiapas, Mexico, bất ngờ nhô lên giữa hồ nước. Hạn hán kéo dài khiến mực nước hồ hạ thấp, hé lộ công trình nhà thờ có niên đại gần 500 trăm tuổi. Bị bỏ hoang vào thế kỷ 18 sau khi một đại dịch tấn công khu vực, nhà thờ Santiago chìm sâu 30 m dưới mặt nước do hoạt động xây dựng hồ dự trữ Nezahualcoyotl năm 1966. Ảnh: Inside Edition.

Theo BBC, một trong những công trình chìm dưới nước bí ẩn nhất thế giới là tượng đài Yonaguni, nằm gần cực nam của quần đảo Ryukyu, Nhật Bản. Vào thập niên 1980, thợ lặn địa phương tên Kihachiro Aratake phát hiện khu vực trông giống như một kim tự tháp làm từ đá nguyên khối, với những góc nhọn, bậc thang khổng lồ và cột thẳng. Nhiều cấu trúc kỳ lạ hơn cũng được tìm thấy trong khu vực những năm sau đó. Một số người tin rằng đây là tàn tích chìm dưới nước của nền văn minh Mu ở Thái Bình Dương, bị sóng thần quét sạch cách đây hàng nghìn năm. Ý kiến khác lại cho rằng công trình hình thành tự nhiên do hoạt động kiến tạo địa chất. Ảnh: Reddit.

Năm 2014, những cư dân ở Cumbria, Anh, phát hiện một ngôi làng nhỏ nhô lên giữa hồ dự trữ Haweswater. Mardale Green, một trong những ngôi làng đẹp nhất vùng, chìm dưới nước vào thập niên 1930 trong quá trình xây hồ trữ nước cho thành phố Manchester ở gần đó. Hàng trăm người dân bị buộc phải rời bỏ nhà cửa, nông trại, quán rượu và nhà thờ bị phá bỏ. Trong thời kỳ hạn hán, tàn tích của thị trấn ma, bao gồm những cánh cổng nông trại đã hư hỏng và gốc cây, thường nổi lên khỏi mặt nước. Ảnh: FLPA/Alamy Stock Photo.

Nằm sâu vài mét dưới nước ở phía nam vùng Peloponnese, Hy Lạp, Pavlopetri được coi là thành phố chìm lâu đời nhất thế giới. Thành phố này đã phát triển thịnh vượng trong khoảng 2.000 năm trước khi bị chìm vào năm 1000 trước Công nguyên. Được thiết kế tốt, thành phố cảng thời đồ đồng bao gồm những con đường, những ngôi nhà hai tầng tách riêng dọc theo sân vườn nhỏ cùng với hệ thống quản lý nước phức tạp. Ảnh: BBC.

Công trình Sea Henge ở Norfolk, Anh, phản ánh cách người cổ đại thờ kính người chết. Công trình tiền sử này là một phần trong quần thể tượng đài gắn liền với các nghi thức chôn cất, gồm một gốc cây khổng lồ bao quanh bởi những cọc gỗ nhô lên giữa sóng biển. Có niên đại vào năm 2049 trước Công nguyên, công trình lần đầu được phát hiện vào thập niên 1990 do nằm trên một trong những vùng bờ biển bị xói mòn nhanh nhất ở Anh. Ảnh: Edward Parker/Alamy Stock Photo.

Theo truyền thuyết, Shore Temple không phải là đền thờ duy nhất nằm trên bờ biển Tamil Nadu từ thế kỷ 8. Ngoài nó còn có 8 ngôi đền khác tạo thành một phần của thành phố cổ đại bị nước lụt làm ngập. Năm 2004, một trận sóng thần làm xáo trộn vùng bờ biển Ấn Độ và hé lộ những tàn tích do con người tạo ra như tượng sư tử làm từ đá granite. Công tác thám hiểm dưới nước chỉ ra một quần thể đền thờ lớn từng tồn tại ở đây. Ảnh: Britannica.

Cuối những năm 1990, một đội khảo cổ học Pháp - Ai Cập phát hiện cung điện đồ sộ của vị nữ hoàng Ai Cập quyền lực, Cleopatra, ở ngoài khơi Alexandria, dưới lớp nước bùn của vịnh Aboukir. Cung điện ẩn mình suốt 1.600 năm dưới mặt nước này chứa hàng nghìn đồ tạo tác, bao gồm hình nhân sư, các bức tượng, tiền xu và bùa hộ mệnh. Ảnh: messagetoeagle.

Phương Hoa