Thứ ba, 23/4/2024
Thứ tư, 9/9/2015, 17:37 (GMT+7)

7 bí ẩn cổ đại có thể được giải mã trong thế kỷ 21

Nhà khảo cổ học Fredrik Hiebert dự đoán công nghệ mới của thế kỷ 21 có thể giúp con người giải mã những bí ẩn khảo cổ thú vị.

Phát hiện những nền văn minh chưa từng được biết đến ở Trung và Nam Mỹ

"Các nhà khảo cổ học đang sử dụng công nghệ quét laser mang tên LiDAR để 'nhìn xuyên' qua tán cây ở những cánh rừng rậm tại Honduras và Belize nhằm tìm kiếm những nền văn minh chúng ta chưa biết tới," Hiebert cho biết. Ảnh: Dave Yoder/National Geographic.

Tìm thấy lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn hoặc Alexander Đại đế

Theo Hiebert, công nghệ radar xuyên đất (GPR) cho phép các nhà khảo cổ học "nhìn" dưới nền đất mà không cần đào bới. Trong dự án Valley of the Khans của National Geographic, Hiebert và đồng nghiệp sử dụng ảnh chụp vệ tinh để xác định những địa điểm có thể là nơi chôn cất Thành Cát Tư Hãn, sau đó sử dụng công nghệ GPR để dò tìm lăng mộ dưới mặt đất. Ảnh: Aristidis Vafeiadakis/Zuma Press/Corbis.

Tiến vào lăng mộ hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc

Các nhà khảo cổ học biết vị trí nơi chôn cất hoàng đế Tần Thủy Hoàng - bao quanh bởi các chiến binh đất sét ở Tây An, Trung Quốc - nhưng nguy cơ gây tổn hại các vật dụng lưu giữ trong mộ hơn 2.000 năm qua khiến họ e ngại việc mở cửa ngôi mộ. "Những công cụ cảm biến từ xa như GPR và cảm biến từ kế có thể giúp chúng ta hình dung cấu trúc bên trong mộ. Chúng ta cũng sử dụng những thiết bị robot tí hon có thể tiến vào mộ và thu thập dữ liệu mà không gây ra tổn thất lớn," Hiebert nói. Ảnh: O. Louis Mazztenta/National Geographic Creative. 

Giải mã ngôn ngữ bí ẩn của người Minoan cổ đại

Đã hơn một thế kỷ kể từ khi nền văn minh của người Minoan ở Địa Trung Hải được khám phá, nhưng các học giả vẫn chưa thể giải mã ngôn ngữ mang tên Linear A mà họ sử dụng. "Chúng ta đã thu thập hơn 1.400 mẫu chữ Linear A để nghiên cứu và chúng ta có thể giải mã ngôn ngữ này bằng cách sử dụng phần mềm trí thông minh nhân tạo Watson của IBM," Hiebert cho biết. Ảnh: Gordon Gahan, National Geographic Creative.

Hiểu rõ mục đích những hình vẽ kỳ lạ trên cao nguyên Nasca

Các nhà nghiên cứu vẫn đang đặt ra nhiều giả thuyết về sự ra đời của những hình vẽ kỳ lạ trên cao nguyên Nasca ở Peru. Chúng có thể biểu trưng cho các chòm sao hoặc gắn liền với nguồn nước. "Việc phân tích bằng máy tính để xử lý dữ liệu địa chất và khảo cổ có vai trò thực sự quan trọng", Hiebert nhận định. Ảnh: Robert Clark, National Geographic Creative.

Tìm thấy xác người nguyên thủy Neanderthal 

Khi các khối băng tan do sự ấm lên toàn cầu, nhiều khả năng các nhà khoa học sẽ tìm thấy xác người nguyên Neanderthal được bảo quản tốt, giống như xác voi ma mút con có niên đại 40.000 năm ở Siberia. Ảnh: Francis Latreille, National Geographic Creative.

Xác nhận sự tồn tại của người Viking ở Bắc Mỹ

Hiebert dự đoán, khi nhiệt độ làm băng tan, những nơi cư ngụ của người Viking sẽ lộ ra ở các khu vực ven biển thuộc Canada, buộc chúng ta phải viết lại lịch sử về việc phát hiện ra châu Mỹ. "Chúng ta đã xác định được hai khu vực thuộc về người Viking ở châu Mỹ. Khi hiểu rõ hơn về những nơi định cư này, chúng ta có thể tìm thấy dấu vết của họ dọc bờ biển Đại Tây Dương," Hiebert nói. Ảnh: David Coventry/National Geographic Creative.

Phương Hoa (theo National Geographic)