Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ tư, 13/4/2016, 09:14 (GMT+7)

10 nguồn nguyên liệu chế tạo kháng sinh kỳ lạ nhất

Loài gián, dịch nhầy từ cá da trơn, trầm tích đại dương là ba trong số các nguồn nguyên liệu kỳ lạ nhất để chế tạo thuốc kháng sinh chữa bệnh cho con người.

Theo How Stuff Works Science, gián là loài sinh vật nhỏ bé, khó chịu nhưng có thể giúp chúng ta chống lại một số căn bệnh. Trong nghiên cứu công bố năm 2010, các nhà khoa học thuộc Đại học Nottingham, Anh, sử dụng dịch chiết từ gián và bộ não châu chấu nghiền nát để tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn khác nhau, bao gồm chủng Escherichia coli (E.coli) gây viêm màng não và tụ cầu khuẩn Staphylococcus Aureus kháng Methicillin (MRSA).

Naveed Khan, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết ý tưởng dùng gián làm thuốc kháng sinh bắt nguồn từ việc chúng có khả năng chống chọi với hầu hết vi khuẩn và ký sinh trùng có trong môi trường sống ở cống dẫn nước thải. Ảnh: Thinkstock.

Cá da trơn là sinh vật kiếm ăn ở tầng bùn đáy, tiếp xúc với nhiều loại vi sinh vật gây bệnh, nhưng dường như chúng không bị tổn hại gì. Giới khoa học sau đó phát hiện chất nhầy do cá da trơn tiết trên da giúp chúng chống lại tác nhân gây bệnh.

Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí World Applied Sciences năm 2011, các nhà khoa học Ấn Độ thu thập chất nhầy lớp biểu bì của cá da trơn đánh bắt ở khu vực ngoài khơi Parangipettai, Ấn Độ. Sau đó, họ thử nghiệm chất nhầy chống lại 10 loại vi khuẩn và 10 loại nấm gây bệnh khác nhau.

Kết quả cho thấy, chất nhầy có hiệu quả ức chế tăng trưởng nhiều loại vi sinh vật nguy hiểm, bao gồm cả E. coli và Klebsiella pneumoniae gây viêm phổi. Ảnh: 4FR/Vetta.

Cá sấu phục hồi vết cắn nhanh chóng sau các cuộc chiến, do chúng có hệ thống miễn dịch mạnh mẽ. Năm 2008, nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học McNeese State và Đại học Louisiana State, Mỹ, phát hiện protein chiết xuất từ tế bào bạch cầu cá sấu có thể giết chết nhiều vi khuẩn gây hại cho con người, bao gồm MRSA kháng thuốc kháng sinh. Ảnh: Fuse/Thinkstock.

Bệnh than có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh hiện có như ciprofloxacin, nhưng không thể loại trừ khả năng vi khuẩn gây bệnh than Bacillus anthracis kháng thuốc.

Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Y sinh học và Công nghệ sinh học Biển (CMBB), Mỹ hợp tác với công ty dược Trius Therapeutics có trụ sở tại San Diego, California, Mỹ, phát hiện hợp chất mới anthracimycin có thể tiêu diệt nhanh chóng vi khuẩn gây bệnh than và MRSA. Điều đặc biệt là anthracimycin được tạo ra bởi vi sinh vật sống trong trầm tích đại dương, ngoài bờ biển Santa Barbara, California, Mỹ. Ảnh: Thinkstock.

Tại cuộc họp của Hiệp hội Hóa học Mỹ vào năm 2010, các nhà khoa học thuộc Đại học UAE cho biết, sau khi nghiên cứu 6.000 loài ếch khác nhau, họ xác định được hơn 100 chất hóa học có khả năng tiêu diệt vi khuẩn.

Phát triển thuốc kháng sinh từ chất hóa học trên da ếch là công việc rất khó khăn, do một số chất gây độc cho tế bào người. Nhóm nghiên cứu đang cố gắng làm thay đổi cấu trúc phân tử của các chất hóa học này, khiến nó ít nguy hiểm hơn đối với con người, nhưng vẫn duy trì được đặc tính tiêu diệt vi khuẩn. Ảnh: Lawrie Willians.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Nông nghiệp Nam Kinh, Trung Quốc, tiến hành nghiên cứu ADN của gấu trúc và phát hiện trong máu của chúng chứa một hợp chất kháng sinh mạnh gọi là cathelicidin-AM, giúp chống lại vi khuẩn và nấm. Cathelicidin-AM có thể tiêu diệt vi khuẩn trong vòng chưa đầy một giờ, nhanh hơn khoảng 6 lần so với thuốc kháng sinh thông thường.

Gấu trúc là loài động vật đang bị đe dọa nghiêm trọng, chỉ còn khoảng 1.600 cá thể trong tự nhiên. Các nhà khoa học không cần thiết phải chiết xuất cathelicidin-AM từ máu của gấu trúc để làm thuốc chữa bệnh, mà chỉ cần tổng hợp nó trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Thinkstock.

Trong các khu rừng nhiệt đới, kiến cắt lá Nam Mỹ vận chuyển những chiếc lá lớn gấp đôi cơ thể chúng xuống dưới mặt đất. Những chiếc lá phân hủy tạo thành "khu vườn nấm", cung cấp thức ăn, chất dinh dưỡng cho ấu trùng và kiến chúa.

Nhằm bảo vệ thức ăn khỏi vi sinh vật và ký sinh trùng không mong muốn, những con kiến phát triển một loại vi khuẩn sống cộng sinh trên cơ thể để tạo ra kháng sinh. Các nhà khoa học Anh phát hiện thấy kiến sản xuất và sử dụng nhiều loại kháng sinh, tương tự như cách bác sĩ dùng phương pháp đa hóa trị liệu chữa bệnh ở người. Ảnh: Thinkstock.

Năm 2010, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học York, Anh, tìm ra cách chuyển đổi một hợp chất hóa học sử dụng để chế tạo màn hình tinh thể lỏng (LCD) thành chất kháng khuẩn. Chất hóa học polyvinyl-alcohol hay PVA có thể tiêu diệt các vi khuẩn như E.coli và một số chủng staphylococcus aureus.

Để chuyển đổi chất thải hóa học thành kháng sinh, các nhà nghiên cứu làm nóng và làm lạnh PVA, sau đó khử nước của hợp chất này bằng ethanol. Tiếp theo, nhóm nghiên cứu bổ sung thêm các hạt nano bạc để tăng cường tính kháng khuẩn của nó. Ảnh: Thinkstock.

Việc trồng cần sa được hợp pháp hóa tại nhiều bang của Mỹ để phục vụ mục đích y tế, chẳng hạn như giảm buồn nôn và điều trị tình trạng lo âu. Năm 2008, các nhà nghiên cứu ở Italy và Anh phát hiện 5 hóa chất khác nhau chiết xuất từ cần sa có hiệu quả trong việc tiêu diệt MRSA. Ảnh: Craig F.Walker.

Hang động Lechuguilla là một phần của công viên quốc gia Carlsbad Caverns, bang New Mexico, Mỹ. Đây là hang động đá vôi sâu nhất tại Mỹ, với độ sâu 489 m và trải dài 220 km.

Hang Lechuguilla là nơi sinh sống của một số loại vi khuẩn "ăn" lưu huỳnh, sắt và mangan có trong đá. Các nhà khoa học thu thập nhiều mẫu vi sinh vật trong hang để tìm kiếm kháng sinh tiềm năng mới. Ảnh: Thinkstock.

Lê Hùng