Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ ba, 15/3/2016, 10:15 (GMT+7)

10 câu danh ngôn về tình yêu, cuộc sống của Albert Einstein

Là một trong những nhà bác học vĩ đại nhất và được yêu mến nhất trong lịch sử nhân loại, Albert Einstein có nhiều câu nói giản dị mà sâu sắc, đúc kết từ cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Theo International Business Times, Albert Einstein sinh ngày 14/3/1879 tại Wurttemberg, Đức. Hôm qua là kỷ niệm sinh nhật lần thứ 137 của ông. Albert Einstein được mệnh danh là cha đẻ của ngành vật lý học hiện đại khi xây dựng thành công thuyết tương đối tổng quát và công thức nổi tiếng E = mc2. Năm 1921, Einstein được trao giải Nobel Vật lý về hiệu ứng quang điện và những đóng góp cho vật lý lý thuyết.

Đầu tháng 2, các nhà khoa học đã sử dụng Trạm quan sát Sóng hấp dẫn bằng tia Laser giao thoa (LIGO) để phát hiện và chứng thực sự tồn tại của sóng hấp dẫn được Einstein tiên đoán cách đây 100 năm của.

Sự lãng mạn

"Khi bạn ngồi với một cô gái xinh đẹp trong hai giờ, bạn nghĩ rằng đó là hai phút. Nhưng khi bạn ngồi trên một bếp lò nóng trong hai phút, bạn nghĩ rằng đó là hai giờ. Đó là tính tương đối".

Sức mạnh của trí tưởng tượng

"Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức".

Sự sai lầm

"Kẻ nào chưa từng mắc phải lỗi lầm cũng là kẻ chưa bao giờ thử làm việc gì".

Sự nghiệp khoa học

"Khoa học là điều tuyệt vời nếu bạn không phải kiếm sống nhờ nó".

Giáo dục

"Thứ duy nhất cản trở việc học hành của tôi chính là nền giáo dục".

Công nghệ

"Sự tiến bộ công nghệ cũng giống như một cái rìu trong tay một tên tội phạm bệnh hoạn".

Bí quyết để thành công

"Giả sử A là sự thành công  trong cuộc sống. Vậy thì A = X+Y+Z, trong đó X = làm việc, Y = vui chơi, Z = im lặng".

Đạo đức

"Hành vi đạo đức của một người đàn ông nên dựa trên sự cảm thông, giáo dục và các mối quan hệ xã hội thay vì xuất phát từ nền tảng tôn giáo". 

Suy nghĩ về tương lai

"Tôi chẳng bao giờ nghĩ về tương lai, nó luôn tới sớm hơn tôi tưởng".

Thực tế cuộc sống

"Đôi khi người ta chi trả nhiều nhất cho những thứ mà họ chẳng hề được nhận lại".

Lê Hùng (Ảnh: Wikimedia)