Được tổ chức với chủ đề hướng ngoại là "Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam" nhưng nội dung chủ yếu được các chuyên gia đề cập tại Hội thảo do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và Ngân hàng thế giới tổ chức ngày 18/10 lại xoay quanh các bất ổn nội tại của kinh tế Việt Nam.
Nói như cách của nguyên Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Trần Xuân Giá, “khủng hoảng bên ngoài chỉ là cơ hội để những khó khăn trong nước bộc lộ rõ ràng hơn, nhanh hơn và mạnh hơn”.
![]() |
Ông Trần Xuân Giá cho rằng bất ổn lớn của kinh tế Việt Nam vẫn là những vấn đề nội tại. Ảnh: Nhật Minh |
Rất nhiều vấn đề đã được đề cập tại hội thảo nhưng câu chuyện trung tâm vẫn xoay quanh những đường đi, nước bước của kinh tế Việt Nam trong năm 2012 cũng như giai đoạn từ nay đến 2015.
Hội thảo trở nên sôi nổi sau khi Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh hé lộ phần nào bản kế hoạch sẽ được Chính phủ trình lên Quốc hội kỳ tới. Theo đó, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ lấy ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát làm nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2012 - 2015. Đi đôi với đó là tăng trưởng hợp lý gắn với tái cơ cấu nền kinh tế. Riêng trong năm 2012, tăng trưởng GDP sẽ cố gắng ở mức 6%.
Tuy nhiên, trao đổi tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng đặt mục tiêu tăng trưởng như vậy, ở một khía cạnh nào đó, vẫn tương đối cao. Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, GDP năm tới chỉ nên đặt chỉ tiêu tăng 3 - 4%. “Thực tâm tôi thì chẳng muốn đặt chỉ tiêu này. Nhưng nếu phải đặt thì tôi chỉ chọn 3-4%”, ông Thiên nói.
Theo luận giải của ông Thiên, tăng trưởng thực tế là động lực tự thân. Nếu môi trường kinh tế ổn định thì tăng trưởng sẽ có. Chuyên gia này cho rằng để hình dung bối cảnh 2012 ra sao, trước hết cần xác định thực lực của kinh tế Việt Nam trong năm 2011: “GDP tăng chậm lại, lạm phát tăng. Niềm tin vào đồng tiền - yếu tố quan trọng nhất lúc khó khăn thì suy giảm. Quan trọng nhất là những bất ổn này đã kéo dài nhiều năm”, ông Thiên nhận định.
Những bất cập của tư duy tăng trưởng cũng được chuyên gia này chỉ ra khi phân tích một số yếu tố khá cơ bản. Cơ quan điều hành đặt mục tiêu giảm đầu tư nhưng lại kỳ vọng mức tăng trưởng ngang ngửa 2011. Như vậy, hiệu quả đầu tư sẽ phải cao hơn nhưng điều này khó xảy ra một sớm một chiều.
Một yếu tố khác là tăng trưởng xuất khẩu năm 2012 dự kiến ở mức 12% (năm nay khoảng 30%) nhưng nhập siêu cũng đặt mục tiêu giảm. Như vậy, nhập khẩu cũng phải giảm theo. “Ở một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập nguyên vật liệu, thiết bị như Việt Nam, giảm nhập khẩu liệu có ảnh hưởng đến tăng trưởng?”, ông Thiên đặt câu hỏi.
Cũng theo vị chuyên gia này, biến số cần đặt mục tiêu điều hành cụ thể nhất trong năm tới là lạm phát. Ông Thiên đề xuất đưa lạm phát xuống mức “vừa đủ” để doanh nghiệp và nền kinh tế có thể chịu đựng và quyết tâm thực hiện cho bằng được. Con số này ở vào khoảng khoảng 6 - 7%.
![]() |
Ông Trần Đình Thiên nhận định con số tăng trưởng 6% cho năm 2012 vẫn là quá cao. Ảnh: Nhật Minh |
Một vấn đề khác cũng được bàn thảo khá sôi nổi tại hội thảo là câu chuyện tái cơ cấu nền kinh tế - bao gồm tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp và hệ thống tài chính - ngân hàng.
Về tái cơ cấu đầu tư, một nhận định được nhiều ý kiến thống nhất là căn bệnh “nghiện đầu tư” đã tồn tại dai dẳng từ nhiều năm qua tại Việt Nam. Căn bệnh này xuất phát từ sự ôm đồm của khu vực công. Do đó, theo Tiến sĩ Lê Xuân Bá - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), xác định lại vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế là việc làm cần ưu tiên nhất hiện nay. “Việc xác định này cần theo hướng, việc gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm”, ông Bá hiến kế.
Một vấn đề khác cũng được các chuyên gia xác định là cần giải quyết cấp bách là câu chuyện quản lý nợ công - hệ lụy tất yếu của tình trạng đầu tư dàn trải thời gian qua. Theo cảnh báo của Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright, nợ công của Việt Nam đang có xu hướng tăng lên và có thể tăng lên mức 60 - 70% GDP trong giai đoạn 2012 - 2013.
Theo ông Thành, xu hướng này là khó tránh trong điều kiện kinh tế khó khăn (tăng trưởng thấp khiến tỷ lệ nợ /GDP tăng) nhưng cơ quan quản lý cần có biện pháp quản lý nợ thật sự hiệu quả ở cả góc độ vĩ mô (các chỉ tiêu quản lý nợ công) và vi mô (hiệu quả kinh tế, khả năng trả nợ của từng dự án.
Đối với nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp và các ngân hàng. Các chuyên gia cho rằng giai đoạn khó khăn hiện nay là cơ hội không thể bỏ qua để thanh lọc các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng yếu kém. Tuy nhiên, quá trình này cần được tiến hành thận trọng, tránh những đổ vỡ mang tính hệ thống.
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó viện trưởng CIEM, riêng đối với quá trình tái cấu trúc ngân hàng, cần giải quyết 3 vấn đề là đảm bảo hệ thống hoạt động bình thường trong quá trình tái cấu trúc, xác định rõ ai là người phải chịu chi phí giải quyết các tài sản xấu và thực hiện theo một lộ trình thích hợp: “Tái cơ cấu ngân hàng không phải là chuyện có thể làm trong một đêm, nhưng trong bối cảnh hiện nay, cũng không thể kéo dài đến 6 tháng, một năm”, Tiến sĩ Thành lưu ý.
Nhật Minh