![]() |
Một công nhân làm việc tại một trạm nén gas của Belarus. Ảnh: AFP. |
Vì đường dẫn khí đốt của Nga tới Ba Lan và Tây Âu phải qua Belarus, việc Matxcơva ngừng cấp gas tới quốc gia láng giềng sẽ ảnh hưởng đến nhiều nước tại châu Âu, tương tự như vụ xảy ra với Ukraina một năm trước. Nguồn gốc của hai vụ tranh cãi cũng giống nhau: Nga yêu cầu các nước láng giềng phải chấp nhận mức giá tăng vọt và trao thêm quyền kiểm soát đường ống dẫn khí tới châu Âu.
Belarus sẽ trả 100 USD/1.000 m3 khí, tăng 122% so với mức 45 USD khi trước. Cũng theo hợp đồng, mức tăng đối với quốc gia này sẽ tăng dần và đến năm 2011 là bằng giá thị trường thế giới: hơn 200 USD.
Xét về một phương diện, Belarus không hề thua thiệt so với những nước khác thuộc liên Xô cũ. Ukraina phải trả cho Nga 135 USD, trong khi Gruzia chấp mức giá gas tăng gấp đôi là 235 USD từ 110 USD trước đó.
Nhưng việc tăng giá sẽ có những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế của Belarus. Một tờ báo của Nga nhận xét rằng nước này sẽ mất hơn 10% trong ngân sách 15 tỷ USD hằng năm chỉ riêng vì chuyện tăng giá khí đốt.
Mechislav Grib, cựu chủ tịch Quốc hội Belarus bình luận: “Sau quyết định mới nhất của Matxcơva, cái gọi là phép màu kinh tế của Belarus sẽ tan vỡ”.
Denis Maslov, một nhà phân tích tại Eurasia Group lại có nhận định khác: “Việc Nga dần xóa bỏ trợ cấp năng lượng có thể khiến giới lãnh đạo Belarus đưa ra thêm các ý tưởng mới để cải cách nền kinh tế”.
Vấn đề là hiện nay Belarus chưa có những cơ chế kinh tế thích ứng với những thay đổi trên thị trường. Nhà bình luận Andrew Neff dự đoán chính phủ nước này sẽ tăng hoạt động tuyên truyền nhằm tránh bất ổn trong xã hội và miêu tả mình là nạn nhân của sự đàn áp từ Nga.
“Suốt những cuộc thương thuyết với Gazprom, các quan chức và giới báo chí luôn đổ trách nhiệm về những khó khăn kinh tế trong nước cho Nga”, Neff nhận xét. “Cũng giống như việc họ khép mình với phương Tây, Minsk giờ đây cũng sẽ xa cách dần với Matxcơva”.
Trong khi đó, Gazprom tiến dần tới mục tiêu sở hữu toàn bộ hệ thống đường ống dẫn khí của Belarus. Theo thỏa thuận mới, hãng khí độc quyền của Nga sẽ nắm 50% cổ phần, trị giá 2,5 tỷ USD, trong hệ thống dẫn khí của nước này là Beltransgaz.
M.C. (theo Washington Post, Forbes)