![]() |
Ảnh: Corbis.com. |
Trước ngày cưới, khi bạn bè thắc mắc: "Ai sẽ về nhà ai? Đưa dâu hay ở rể?", cả hai thường cười xòa: "Tháng ở nhà này, tháng ở nhà kia, có gì đâu mà bàn tính cho mệt, còn trẻ mà".
Nhưng đến nay, chuyện "gia đình di động" thế này không còn đơn giản như họ nghĩ, nhất là khi Hoa sinh con. Nhà bên vợ không muốn cô con gái duy nhất phải vất vả nên cương quyết bắt Tuấn phải ở rể. Gia đình Tuấn rất thương con dâu, không bao giờ có cảnh "khắc khẩu" nhưng đối với việc cho con trai sang ở nhà vợ thì giống như chuyện "mặt trời không thể mọc hướng tây". Gia đình hai bên làm mặt lạnh với nhau. Chỉ tội cho Tuấn, đang có vợ, có con lại trở nên bơ vơ.
Tuy không đến nỗi nhức đầu như gia đình Tuấn - Hoa, cặp Phúc và Tâm cũng lâm vào tình cảnh "đi không đặng, ở không xong" vì sự lôi kéo của hai bên cha mẹ. Và họ cũng như nhiều cặp con một khác, thường cảm thấy lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan khi không biết phải xử sự thế nào cho đẹp lòng đôi bên.
Bảo là con trai út nên cả nhà mong đợi có dâu con ở nhà để ra vào vui vẻ, việc cúng giỗ có người chăm lo. Do đó, khi chọn được người con dâu ngoan hiền gia đình Bảo ai cũng mừng thầm. Nhưng họ khá bất ngờ khi biết Thủy là con gái duy nhất của anh chị thông gia. Bài toán "ở đâu" được Thủy và Bảo đưa ra lời giải nhanh chóng là xin phép hai bên cha mẹ cho được... ở riêng.
Họ sắp xếp thăm hai gia đình vào những ngày cuối tuần. May thay, hai nhà đều là những người hiểu biết, không câu nệ chuyện "ở nhà anh hay nhà tôi" nên cũng đồng tình. Thay vì tranh cãi, giành phần thắng cho mình, hai sui gia bắt tay nhau góp tiền làm của hồi môn cho các con, bên lo đất, bên cất nhà, còn nội thất thì giao cho đôi vợ chồng trẻ chăm chút.
Còn Tuấn và Hoa sau thời gian căng thẳng, anh cũng tìm được cách thuyết phục cha mẹ cho phép mình sang chăm sóc vợ trong thời gian này với lý do vợ mới sinh... còn yếu. Phần Hoa cũng ngày đêm thủ thỉ cùng bên nhà không nên quá ép buộc chàng rể. Đợi đứa con cứng cáp, hai vợ chồng liền ngỏ ý xin ra ở riêng.
Nhiều chuyên gia tâm lý nhận xét: chuyện "ở nhà tôi hay nhà anh" chỉ là tâm lý thông thường của các bậc cha mẹ có một con, hay có con trai út. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ không nên dùng đó làm áp lực đối với con cái đã trưởng thành. Trong lúc này, những người trẻ nên thuyết phục một cách nhẹ nhàng và có lý giúp người lớn nhận ra "ở nhà nào cũng được, miễn là có hạnh phúc". Trong điều kiện không thể dung hòa giữa hai gia đình thì phương án tốt nhất là nhẹ nhàng xin phép người lớn "ra ở riêng".
(Theo Tuổi Trẻ)