Theo các doanh nghiệp bán lẻ thiết bị số ở Hà Nội và TP HCM, một thực tế đang ngày càng phổ biến là các sản phẩm giải trí như máy nghe nhạc, TV bỏ túi, máy ghi âm... đã hết thời gian bảo hành mà bị hỏng thì chủ nhân muốn tìm chỗ uy tín để sửa cũng chịu.
"Nếu là hàng chính hãng, dù hết bảo hành, nhưng gặp trục trặc đơn giản thì còn có sự hỗ trợ nào đó từ phía nhà sản xuất. Trường hợp thiết bị hỏng nặng hoặc là hàng trôi nổi, không rõ xuất xứ, hàng 'Tàu' thì kết cục thường là... vứt đi", giám đốc một doanh nghiệp tin học trên phố Thái Hà (Hà Nội) cho biết.
![]() |
Nhiều thiết bị giải trí số khi gặp trục trặc chỉ còn giải pháp... vứt đi. |
Theo số liệu của hãng nghiên cứu GfK, thị trường bán lẻ hàng công nghệ cao của Việt Nam có tổng giá trị ước tính năm 2007 lên tới 3 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình 27% mỗi năm. Trong số này, các thiết bị như máy nghe nhạc, ghi âm, máy thu hình bỏ túi, USB TV... chiếm số lượng không nhỏ. Hơn nữa, các thiết bị này ngày càng có xu hướng giảm giá nên sức tiêu thụ cũng theo đó mà tăng cao. Điều đó đồng nghĩa với việc nhu cầu xử lý các sự cố với chúng cũng rất lớn.
Ông Lê Quang Vũ, Giám đốc Công ty CDC, đơn vị phân phối đa dạng các thiết bị giải trí kỹ thuật số của Hàn Quốc, nhận định: "Hiện tại ở VN, các trung tâm sửa chữa điện tử chưa làm được việc này. Một phần vì sản phẩm công nghệ thường có trục trặc ở phần mềm, nguyên nhân chủ yếu do virus nên cần phải có sự hỗ trợ phần mềm từ chính hãng để xử lý".
"Sản phẩm trôi nổi thì không nói làm gì rồi, chất lượng rất kém nên hỏng là chuyện cơm bữa. Nhưng ngay cả sở hữu thiết bị chính hãng còn trong thời hạn bảo hành, người dùng cũng có nhu cầu tìm một trung tâm sửa chuyên nghiệp vì việc bảo hành đôi khi gây rất nhiều phiền toái, đặc biệt với những người đang cần sử dụng gấp", ông Trần Hùng Cường, Giám đốc Trung tâm cứu hộ máy tính 911, cho biết. "Chỗ chúng tôi nhận được rất nhiều yêu cầu kiểu này. Nhưng 911 không chuyên về các loại thiết bị số mà chỉ làm về máy tính, mạng... nên những 'ca' như thế chúng tôi không nhận và cũng không biết một địa chỉ nào tin cậy để tư vấn cho khách hàng".
Theo các chuyên gia trong giới, không phải là chưa có ai nghĩ đến việc cho ra đời một trung tâm xử lý sự cố cho các thiết bị giải trí số. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi một sự đầu tư lớn, phức tạp cả về năng lực, trình độ kỹ thuật cũng như thiết bị chuyên dụng.
"Các loại thiết bị số đa dạng về chủng loại và nơi sản xuất nên việc triển khai kỹ thuật, tiếp nhận công nghệ mới nhất do nhà cung cấp chuyển giao là rất khó", một chuyên gia trong ngành IT ở TP HCM, phân tích. "Ai cũng biết là nhu cầu thì lớn và nếu trung tâm chuyên nghiệp mở ra sẽ đông khách. Nhưng để tìm được kỹ thuật viên đủ trình độ hoặc dân điện tử chuyên nghiệp cũng như đầu tư cho quy mô lớn với đầy đủ linh kiện, thiết bị xử lý là vấn đề không hề đơn giản. Trong khi đó, nhiều thiết bị lại rẻ. So với chi phí để sửa chữa thì thà... vứt đi mua mới lại có lý hơn".
Nguyễn Hằng