From: Than Den
Sent: Tuesday, June 24, 2008 11:58 AM
Subject: Hãy có quyet dinh dung de song thanh than
Đầu tiên, tôi xin gửi lời cảm ơn đến ban biên tập VnExpress đã đăng tải đầy đủ nội dung bài viết chia sẻ của tôi đến chị Trúc (vị trí xã hội cao nhưng có thể vị trí gia đình của Trúc thấp). Mặc dù tôi rất bận rộn về công việc ngoài xã hội và gia đình, nhưng tâm sự của chị Trúc cũng như những chia sẻ của các độc giả dành cho chị, và cả những suy nghĩ của cá nhân tôi cứ vây quanh lấy tôi, làm tôi cứ phải suy nghĩ nhiều.
Tôi cũng tin rằng tâm sự của chị được rất nhiều người quan tâm và nghiền ngẫm, bởi vì nó “sốc” quá. Chị viết ra tâm sự của mình thật quá, và là một vấn đề rất nhạy cảm mà của hai giới đều rất quan tâm trong xã hội hiện nay. Dù chị không viết tâm sự này lên báo để mọi người cùng chia sẻ thì nó đã vẫn hiển hiện trong lòng mỗi người, vì ai cũng có thể được nghe, được thấy về những câu chuyện thực tương tự. Và chị là người dũng cảm đưa đề tài này ra, để tất cả mọi người có cơ hội để bày tỏ suy nghĩ và quan điểm của mình.
Tôi thấy có rất nhiều quan điểm, có người thông cảm, có người phẫn nộ, có người bênh vực (vì thấy chị bị áp đảo quá), nhưng không một ai đồng tình. Theo tôi nghĩ, hãy cứ để mọi người viết ra những suy nghĩ thật của mình về chị Trúc, bởi vì chị Trúc cần biết một cách thực tế rằng, nếu chuyện của chị vỡ lở thì chị sẽ như thế nào trong con mắt của người khác, của những người thân.
Tôi nghĩ chị Trúc đã rất tỉnh táo khi đưa câu chuyện thật, và cách viết cũng rất thật, không chêm thêm để tội lỗi của chị có thể giảm nhẹ (và nó đã làm cho hầu hết các độc giả phẫn nộ), để chị có thể biết được phản ứng của người khác như thế nào. Riêng điều này, tôi ngưỡng mộ chị Trúc, điều mà không phải ai cũng sáng suốt và dũng cảm làm được.
Trong xã hội này, những câu chuyện tương tự như chị Trúc đầy ra đấy, nhiều, rất nhiều. Và cũng chắc chắn rằng không một ai dám khẳng định rằng suốt đời tôi không bao giờ như vậy. Tôi cũng không dám khẳng định như thế, mặc dù đối với tôi, điều đó thực sự nhơ nhuốc, dơ bẩn… Tất cả những ngôn từ tồi tệ nhất đều có thể đặt tên cho nó. Bởi vì là con người, luôn luôn có chữ “con” ở đầu. Nếu không có chiến tranh thì cũng dễ gì có anh hùng. Vì vậy làm người là luôn luôn phải rèn luyện mình, luôn luôn tỉnh táo để bớt đi sai lầm. Và quan trọng là chúng ta suy nghĩ gì và hành động như thế nào khi mắc sai lầm.
Và tại sao chị Trúc lại đưa ra tâm sự của mình để mọi người góp ý? Theo tôi nghĩ, sự đánh giá của mọi người xung quanh là một phần rất quan trọng đối với chị Trúc. Sự ngưỡng mộ của người khác về kiến thức sâu rộng và tài năng của chị Trúc đã làm cho chị kiêu hãnh và tự hào. Và khi chị mắc sai lầm, chị muốn mọi người cho chị một lời khuyên rằng chị phải làm như thế nào, đó cũng là điều hướng thiện.
Cho đến bây giờ, những ý kiến chia sẻ của mọi người trên khắp cả nước dành cho chị Trúc rất nhiều, mà trong đó chia sẻ thì ít, phẫn nộ thì nhiều (trong đó tôi cũng có một phiếu). Điều đó cũng rất tốt. Chị Trúc hãy đọc nó mà hình dung ra rằng nếu câu chuyện của chị bị vỡ lở, thì mọi người xung quanh cũng sẽ có những phản ứng như thế. Và chị có đủ dũng cảm để gạt bỏ những lời xầm xì khinh bỉ của mọi người dành cho mình, gạt bỏ sự thất vọng của mọi người và một hình tượng đẹp chắc chắn sẽ sụp đổ, để đổi lấy một người tình như chị đang có không?
Tôi thấy cũng nhiều ý kiến lên tiếng rằng tại sao đối với đàn ông, chuyện ngoại tình có thể chấp nhận được, mà đối với phụ nữ thì xã hội lại lên án. Điều đó là không công bằng! Nhưng lấy ai để đứng ra phân xử cho công bằng? Chúng ta vẫn phải sống trong xã hội với những định kiến ấy. Đừng bảo ai thông cảm cho những gì phạm phải thuần phong mỹ tục, mà hãy hỏi chính cha mẹ, anh em của mình, hỏi chồng (vợ) mình, hỏi con mình xem. Tại sao có những người hãnh diện khi người ta được tôn vinh, rồi chính những người được tôn vinh lại đi lên án nó.
Người ta gọi là “nhập gia tùy tục”. Chúng ta đang sống trong xã hội nào thì sẽ được hưởng những lợi thế, hoặc thất thế trong xã hội ấy. Làm gì cùng một lúc mà được “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật” đâu, đó chỉ là ước mơ thôi, hoặc nói đúng hơn đó là tham lam. Cái gì cũng có cái giá của nó. Và muốn thay đổi một điều gì thì đều cần phải có thời gian, không thể một sớm một chiều, huống gì chuyện thay đổi định kiến xã hội.
Tôi nghĩ rằng rất có thể chị Trúc cũng bị “sốc” khi nhận được quá nhiều lời lẽ không đẹp, sự phẫn nộ và khinh bỉ của mọi người dành cho chị. Nhưng rõ ràng rằng không ai biết chị. Mọi người thoải mái buông lời theo đúng tâm trạng của họ đối với chị, mà không ai biết chị là ai. Và chị hãy nhập vai thử xem, chị có còn cảm thấy tự hào không, chị có còn hãnh diện không, niềm kiêu hãnh của chị có còn không?
Tôi dám chắc rằng những điều đó bây giờ đã mất hết trong chị, và chị hoảng loạn không muốn ai biết Trúc trong “cuộc tình tội lỗi” lại là mình, và cũng rất có thể rằng, khi ngồi với một ai đó bất chợt đưa ra đề tài này, chị cũng lại lên tiếng chê bai. Điều đó bình thường thôi. Hầu hết chúng ta điều hãnh diện khi ai đó khen mình, hạnh phúc hơn khi thấy nhiều người cho rằng mình là người hạnh phúc. Ai cũng muốn được khẳng định mình với người khác và được người khác công nhận (thuyết Maslow).
Mặc khác, khi nhiều người cho rằng mình mặc một bộ cánh quá xấu, thì dần dần bản thân cũng sẽ nhìn thấy đúng là nó xấu. Vậy nên chị sẽ không đủ nghị lực để vượt qua giai đoạn từ một người được nhiều người ngưỡng mộ đến việc nhiều người xem thường và khinh bỉ chị. Cũng có nhiều người vượt qua nó an toàn, nhưng với điều kiện họ có gia đình ủng hộ và khích lệ vượt qua.
Còn chị? Chị sẽ thấy rằng chị đúng là một người đàn bà xấu xa, mất hết tự tin, mất hết sự động viên từ những người thân. Nó sẽ làm cho chị không thể vượt qua và tiếp tục đi một cách tốt hơn. Có rất nhiều người thành công rực rỡ nhờ dư luận (tiếng tăm), và cũng rất nhiều người thất bại cũng vì dự luận (tăm tiếng). Cho dù có lên án nó, thì rõ ràng nó vẫn giữ nguyên uy lực. Có mặt trái, có mặt phải mới làm nên một tấm huy chương. Tự hào về mặt phải, thì phải chấp nhận mặt trái của nó.
Tôi thấy các nước phương Tây, phụ nữ tài giỏi thì cũng giống như đàn ông tài giỏi. Riêng vấn đề quan tâm đến phụ nữ thì là chung chung chứ không dành riêng cho phụ nữ thành đạt. Phụ nữ được chiều chuộng nhiều, nhưng tôi cũng có thấy người ta tôn vinh những người phụ nữ “đảm việc nhà giỏi việc nước” như ở Việt Nam đâu. Là người Việt, vì trách nhiệm đối với gia đình đè nặng lên vai người phụ nữ, bất kể là người như thế nào, vậy nên nếu họ làm tốt công việc xã hội thì rất đáng được tôn vinh.
Tại sao khi được tôn vinh thì chúng ta hãnh diện, còn khi phải chịu gánh nặng thì lại lên án chứ. Tôi thấy quan hệ về giới trong xã hội người Việt còn tốt hơn xã hội Nhật nhiều. Phụ nữ Nhật khi đã lập gia đình thì không còn được tôn trọng nhiều trong công việc. Chúng ta vẫn còn sung sướng đấy chứ, nếu không muốn nói rằng rất hạnh phúc, vì chúng ta vừa thực hiện thiên chức của người phụ nữ mà còn có cơ hội ngang như nam giới trong việc thể hiện năng lực trong xã hội, được xã hội tôn vinh. Chắc chắn cũng có mặt trái của nó. Nhưng liệu có cái gì là toàn diện không? Dù những người đã được đi nhiều nơi, đưa quan điểm của Tây ra để làm ví dụ, nhưng có muốn làm người già ở các nước phương Tây để vào viện dưỡng lão không?
Sự tham lam của con người là vô giới hạn. Nhưng sẽ có cái được và cái mất. Để so đo giữa được và mất thì phải xét đến cái thực tế của hoàn cảnh. Tôi cũng là phụ nữ, dù bản thân tôi cũng phẫn nộ về suy nghĩ của chị đối với sai lầm của mình (chứ không phải đối với sai lầm của chị - vì ai cũng có sai lầm), nhưng tôi cũng có vài lời phân tích, chỉ mong chị tỉnh táo mà có quyết định đúng.
Quyết định đúng là gì? Theo tôi cũng không phải là chị phải về với chồng con, hay chị cứ đi theo tiếng gọi của con tim. Mà quyết định đúng là quyết định mà từ đó mình sẽ thấy thanh thản về lâu dài. Cái chúng ta cảm thấy chỉ là ảo tưởng, hôm nay đó là mốt, nhưng ngày mai đó đã là lỗi thời, vậy nên mới nói rằng cảm tính thì không bền. Trạng thái thanh thản rất dễ nhận biết ở mỗi người. Và chỉ có những con người thanh thản, an bình mới có thể mang lại cho người khác sự an bình.
Chị không cần và cũng không thể sống vì chồng, bù đắp cho chồng, bù đắp cho con. Nếu có thì chỉ có thể bù đắp cho những lỗi lầm của chị để chị được thanh thản hơn khi nghĩ về tội lỗi của mình. Còn họ, người chồng và những đứa con không hề day dứt hay hối hận về mình, chỉ là cảm thấy bất hạnh vì sai lầm của người khác, nên cảm giác ấy rồi cũng sẽ qua đi và họ cũng sẽ có hạnh phúc. Chỉ những người sống trong tội lỗi, ân hận và day dứt mới là người đau khổ nhất.
Tôi hy vọng rằng, rồi chị cũng vượt qua được sóng gió. Nó sẽ làm cho chị mạnh mẽ hơn, hoặc là yếu đuối đi.
“Chiến thắng vinh quang nhất là chiến thắng bản thân mình” hoặc “kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”. Và “Đáng khâm phục nhất của đời người là vươn lên sau khi ngã”.
Chị sẽ nhận được những ân huệ của cuộc đời nếu chị là người xứng đáng để nhận nó.
Thân ái.