Kết quả khai quật tháp Chăm Đại Hữu ở xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, được công bố ngày 31/7. Đây là cuộc khai quật lần hai, kéo dài từ tháng 5 đến nay, do Viện Khảo cổ và Sở Văn hóa Thể thao Bình Định thực hiện.
Tháp Đại Hữu được đánh giá có quy mô lớn so với các tháp Chăm khác, nằm ở vị trí cao nhất trên đỉnh núi Đất. Thân tháp mỗi cạnh 9 m; lòng tháp cạnh 3,8 m; nền móng chân đế hình chữ nhật gần vuông, cạnh 12,7 m x 13 m.
Lần khai quật này, các chuyên gia tiến hành ở toàn bộ phần thân tháp, nền móng tiền sảnh phía đông, nền móng chân đế phía bắc và một phần nền móng chân đế phía nam và tây.
Các nhà khảo cổ phát hiện 156 hiện vật đá (đá cát kết, hoa cương, ong) được người xưa dùng làm bệ thờ, mảnh minh văn, lá nhĩ đá, đá trang trí điểm góc, phù điêu trang trí hình người, tượng hình động vật, phù điêu trang trí hình cánh sen... Ngoài ra, còn có 522 hiện vật chất liệu đất nung (chưa tính gạch).
Theo TS Phạm Văn Triệu, Phó phòng Khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ), từ những di tích và di vật, so sánh với kiến trúc tháp Chăm Pa đã được khai quật nghiên cứu, kết hợp các minh văn, phế tích tháp Đại Hữu có niên đại khoảng giữa thế kỷ 13. Sau đó khả năng phế tích được nhà Tây Sơn dùng làm căn cứ quân sự vào thế kỷ 18.
Trước đó, đầu năm 2023, phế tích được hai đơn vị nói trên khai quật đợt đầu, phát lộ một phần tường tháp phía bắc, nam và đông, thu được nhiều hiện vật như: mảnh đài thờ bằng đá sa thạch, các mảnh bia ký, đầu tượng Siva, hiện vật trang trí tháp...
Hiện ngành văn hóa tỉnh Bình Định cùng Viện Khảo cổ hoàn thiện hồ sơ để đề xuất giải pháp bảo vệ phế tích.
Bình Định là nơi có nhiều di tích Chăm trong đó 14 tháp được công nhận là di tích cấp quốc gia.
Phạm Linh