Dương Tử Thành -
Hoạt động mở đầu cho Liên hoan thơ quốc tế đầu tiên của Việt Nam là lễ kéo cờ in hình biểu trưng chim lạc cùng cờ của 28 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự tại sân Khách sạn Công đoàn Quảng Ninh. Sau đó các đại biểu lên xe di chuyển đến chân núi Bài Thơ làm lễ dâng hương và thả thơ.
![]() |
Các đại biểu chuẩn bị thả thơ trên núi Bài Thơ. |
Nội dung của buổi sáng thiên về lễ nghi hơn khiến một số đại biểu Việt Nam sốt ruột bởi tâm lý kỳ vọng về một liên hoan thơ mang tính… quốc tế. Việc chọn chân núi Bài Thơ để làm lễ dâng hương vua Lê Thánh Tông và thả thơ của các bậc tiền nhân có vẻ hơi thiếu cân nhắc khi đường vào hẹp và gập ghềnh, nơi tổ chức lại là một hiện trường giải phóng mặt bằng lổn nhổn gạch đá. Trong khi đó, tên núi Bài Thơ nhiều ý nghĩa cũng chưa được phiên dịch đầy đủ để đại biểu nước ngoài nắm được một cách trọn vẹn.
Bù lại, hội thảo “Thơ ca châu Á vì một nền hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển” diễn ra vào 14 giờ chiều cùng ngày là một hoạt động đậm tính chuyên môn. Bài phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, có tên “Vẻ đẹp của thơ ca và hơi ấm của tình hữu nghị” nhấn mạnh: “Thế giới đổ dồn về châu Á không chỉ để tìm kiếm các cơ hội đầu tư, mà còn để khám phá các giá trị văn hoá, hy vọng tìm thấy sự thanh thản tâm hồn và coi sự thanh thản tâm hồn là bóng mát của lý trí sáng suốt”. Và đó chính là thứ mà người ta có thể tìm thấy ở thơ ca. Cũng chính vì thế, liên hoan lần này với mong muốn tìm kiếm vẻ đẹp của thi ca, tôn vinh cái đẹp cũng là để hướng đến một nền hòa bình cho châu Á và thế giới.
![]() |
Giáo sư Chúc Ngưỡng Tu người Trung Quốc nói tiếng Việt thành thạo. |
Mở đầu tham luận của các đại biểu nước ngoài tham dự hội thảo, GS Chúc Ngưỡng Tu, nhà thơ, dịch giả đến từ Trung Quốc gây bất ngờ khi trình bày tham luận “Vài ý nghĩ về thơ và việc dịch thơ” của ông bằng tiếng Việt rõ ràng và khúc triết. Tỏ ra am hiểu về sinh hoạt thơ ca tại Việt Nam, Chúc Ngưỡng Tu khiến nhiều người ngạc nhiên khi nói: “Trong tiếng Việt, thơ không những là một danh từ, mà còn chuyển nghĩa sang một tính từ, nó chỉ một cái gì đó rất đẹp, ví dụ “nên thơ”, “thơ mộng”. Tại miền Trung Việt Nam, có cả nón bài thơ hoặc nón thơ chỉ loại nón mỏng, trắng, soi thấy các hình trang trí ở bên trong, trông rất đẹp. Miền Nam Việt Nam thậm chí có cả tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ”.
Nhà thơ, nhà phê bình Nikolai Preiaxlov - Thư ký Ban lãnh đạo Hội các nhà văn Nga - trình bày tham luận “Thơ và toàn cầu hóa”. “Đầu tiên và khủng khiếp nhất mà toàn cầu hóa làm, đó là nó tiêu diệt trong con người cái khái niệm chủ nghĩa yêu nước từ đầu đã có ở họ", Nikolai Preiaxlov nói. Ông ví toàn cầu hóa như thảm họa dịch hạch và để chống lại nó “chúng ta phải đẩy mạnh sự sáng tạo của chính dân tộc mình, và đặc biệt, đẩy mạnh thể loại có một hiệu quả đặc biệt tác động tới tinh thần người đọc, đó là thơ ca”.
![]() |
Đoàn nhà văn Nga tặng sách cho các đại biểu. |
Nhà thơ, nữ giáo sư Holly Thompson người Mỹ hiện làm việc tại Đại học Saga Nhật Bản cho biết, bà đã phải sống giữa những lằn ranh, giữa những sự đối lập, mâu thuẫn về văn hóa. Nhưng bà cũng khẳng định, cả sự đối nghịch và hòa đồng văn hóa đều tạo ra cảm hứng sáng tạo cho bà. Bà cũng phát hiện ra rằng, các đối cực văn hóa luôn có sự chuyển dịch, tạo ra một vùng giao thoa mà bà gọi là vùng xám. Trong quan niệm của Holly Thompson, “thơ cũng nằm ở vùng xám, giữa các thái cực, nằm ở giữa những cái bên này, bên kia…”.
Theo chương trình, tối 2/2, những vần thơ sẽ được cất lên tại Hội trường Khách sạn Grand trong chương trình dạ hội. Sáng 3/2, các đại biểu tiếp tục Hội thảo, chiều 3/2 sẽ tham quan Vịnh Hạ Long trước khi về Hà Nội tham dự các chương trình tiếp theo trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10.