Thứ bảy, 16/2/2019, 20:03 (GMT+7)

Khách Tây ở Triều Tiên chỉ biết đi bar uống bia buổi tối

Suốt 3 ngày tại Triều Tiên, cô gái Anh không thể rời khách sạn vào buổi tối và chỉ biết vào quán bar uống bia, trò chuyện tới khuya.

Nyima Pratten, phóng viên người Anh, đang sống tại Trung Quốc. Năm 2015, Nyima tới Triều Tiên tham gia cuộc thi bán marathon Bình Nhưỡng. Tới đầu năm 2019, cô mới tiết lộ về trải nghiệm hẹn hò hiếm có của mình tại đất nước bí ẩn nhất thế giới. Dưới đây là chia sẻ của Nyima trên Vice.

Năm 2015, tôi tình cờ lướt Tinder tại Thượng Hải (Trung Quốc), bỏ qua những chàng trai tôi đã biết, từng hẹn hò hay vài anh phi công thường nghỉ lại thành phố này một đêm. Hẹn hò với người nước ngoài tại Thượng Hải giống như đi trên bãi mìn - tạm bợ và ít lựa chọn tiềm năng, mà không ai thực sự có ý định ở lại thành phố này mãi mãi.

Và tôi hoàn toàn ngạc nhiên khi kết bạn với Robert (*), một chàng trai Anh vừa chuyển đến Thượng Hải. Trò chuyện một lúc, chúng tôi hẹn gặp tại một quán bar cocktail. Chúng tôi nhận ra mình có nhiều điểm chung, quan trọng nhất là cả hai đều muốn thử sức ở cuộc đua bán marathon Bình Nhưỡng sắp diễn ra. Nếu đi cùng ai đó sẽ vui hơn, tôi nghĩ bụng - không chỉ có người chụp ảnh, mà chi phí cũng rẻ hơn rất nhiều.

Vậy là sau cuộc hẹn đầu tiên, chúng tôi cùng đặt tour Triều Tiên 3 ngày tới Bình Nhưỡng. Ngay từ ngày khởi hành, tôi phải chạy để tới check-in kịp chuyến bay của hãng hàng không Air Koryo, vừa đi vừa nhắn tin với Robert để cập nhật tình hình. Anh khăng khăng cửa lên máy bay đã đóng, và sẽ rời đi mà không có tôi.

Khi tôi đến nơi, Robert vẫn chưa check-in. Khoảnh khắc ấy khiến tôi sững người khi nhận ra mình sẽ đến đất nước bí ẩn nhất trên trái đất cùng một người lạ, và không có Internet để kể chuyện với các bạn thân. May mắn thay, mọi lo lắng ban đầu tan biến vì anh ấy thực sự là một quý ông tuyệt vời để đồng hành trong chuyến đi này.

Nyima và Robert trên tàu tại Triều Tiên. Ảnh: Nyima Pratten.

Nyima và Robert trên tàu tại Triều Tiên. Ảnh: Nyima Pratten.

Dàn tiếp viên trên máy bay không phải những người Triều Tiên đầu tiên tôi gặp. Tôi từng sống trong tòa nhà với các sinh viên Triều Tiên cùng theo học một chương trình học bổng chính phủ như mình tại Thượng Hải. Họ thường đeo phù hiệu in hình lãnh đạo Kim Jong-il và nấu ăn trong bếp chung.

Khi tôi quyết đi Triều Tiên, ký ức về những bạn học cũ mạnh hơn mọi định kiến mà báo chí phương Tây vẫn viết về đất nước này. Tôi nhận thức rõ rằng những người Triều Tiên bình thường không tác động đến tình hình chính trị tại quốc gia tách biệt với thế giới này, và gặp gỡ khách nước ngoài có thể là khung cửa sổ duy nhất của họ để nhìn ra thế giới. Dĩ nhiên, đó không phải điều thôi thúc tôi lên đường.

Tôi có một cảm giác lạ kỳ rằng chính phủ Triều Tiên luôn theo dõi nhất cử nhất động của chúng tôi - với những hướng dẫn viên được chỉ định đi kèm, người quay phim bí mật hay những chiếc camera giấu kín có thể tồn tại trong phòng...

Tối đến, đoàn tour của chúng tôi phải trở về khách sạn và không được phép đi đâu cho tới sáng hôm sau. Chúng tôi chỉ biết đi bar trong khách sạn, uống bia say sưa, mổ xẻ mọi chuyện xảy ra trong ngày hôm đó. Tới khi biết tin Otto Warmbier, chàng trai Mỹ, bị bắt ở Triều Tiên vào năm 2016 tôi mới nhận ra mình đã vô tư ra sao, tự đặt mình vào nguy hiểm không cần thiết thế nào.

Warmbier được cho là đang say khi lấy trộm một tấm biểu ngữ chính trị trong khách sạn Yanggakdo ở thủ đô Bình Nhưỡng. Sinh viên này được đưa về Mỹ trong tình trạng hôn mê và tử vong 6 ngày sau đó. Những cuộc vui của chúng tôi có thể dẫn đến một tai nạn tương tự.

Nyima Pratten chụp ảnh lưu niệm trước tượng của cố lãnh đạo Triều Tiên. Ảnh: Nyima Pratten.

Nyima Pratten chụp ảnh lưu niệm trước tượng của cố lãnh đạo Triều Tiên. Ảnh: Nyima Pratten.

Hiện có rất ít thông tin chính xác về điều kiện sống thường nhật tại Triều Tiên, thậm chí tôi không thể chắc chắn những điều mắt thấy tai nghe ở quốc gia này đều là thật. Trong cuộc đua bán marathon ở Bình Nhưỡng, tôi nhìn thấy một người ra dáng cán bộ mặc áo phản quang nói gì đó với đám đông trầm lặng đứng dài ven phố, sau đó tất cả bỗng hò reo ầm ĩ, hào hứng vỗ tay.

Chuyến đi Triều Tiên của tôi trải qua những phút thăng hoa trên đường chạy trong sân vận động quốc gia với khán đài kín chỗ. Nhưng cũng có lúc tôi căng thẳng vì bỏ dở chuyến đi chơi để ôm bụng trong toilet suốt buổi... và lỡ cơ hội hẹn hò riêng với một người tiềm năng như Robert.

Hai du khách Anh tham gia cuộc thi Marathon ở Bình Nhưỡng. Ảnh: Nyima Pratten.

Hai du khách Anh tham gia cuộc thi marathon ở Bình Nhưỡng. Ảnh: Nyima Pratten.

Cuộc hẹn của chúng tôi khép lại với ký ức về vài tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc Kim Jong-un nhìn ngắm mọi thứ, khách sạn theo phong cách những năm 1970 và hàng tá thắc mắc chúng tôi muốn tìm câu trả lời. Ngẫm lại, có lẽ nơi chúng tôi chọn không phải một đất nước lý tưởng để hẹn hò lãng mạn, và thực tế mọi người đều nghĩ cả hai là anh em. Dù sao, Robert và tôi vẫn là bạn thân tới giờ.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Nyima Pratten

 

Chia sẻ bài viết qua email