Đóng vở kịch hạnh phúc với chồng khi có mặt người lạ, nhưng khi về nhà, nhiều phụ nữ phải chịu cảnh đòn roi. Ảnh chỉ có tính minh họa: Hoàng Hà. |
Là bà ngoại của bốn đứa cháu, bà Trần Thị Hà, 56 tuổi, ngụ ở quận 8, TP HCM cho biết, suốt 26 năm sống chung với chồng là ngần ấy thời gian bà bị chồng hà hiếp.
"Cứ mỗi lần chồng say rượu, là mỗi lần tôi bị ông ấy lôi vào phòng chửi bới đánh đập thậm tệ", bà Hà kể trong nước mắt.
Quen nhau từ khi còn hai bàn tay trắng, lúc đầu vợ chồng rất thương yêu nhau nhưng mấy năm sau khi cưới, chồng bà Hà trở chứng cờ bạc rượu chè. Khi sinh con gái đầu, gia đình chồng cho một căn nhà riêng, cũng là lúc ông trở nên lộng quyền và thường chửi bới đánh đập vợ con.
"Khi say, ông ấy lôi cả dòng họ nhà tôi ra chửi rằng họ không giúp gì được; bảo tôi là đồ ăn bám. Phần vì đã có con cùng nhau, phần vì không dám trở về nhà cha mẹ vì sợ ông bà buồn, tôi đành phải chịu đựng", người phụ nữ với gương mặt đã rạn vết chân chim nói trong nước mắt.
Giữa tháng 6 vừa qua, sau 26 năm dài chịu đựng, bà Hà đã gửi đơn xin ly hôn trước sự ngỡ ngàng của các con.
Tại buổi tọa đàm giữa "người trong cuộc" với các chuyên gia tâm lý, luật sư về vấn đề bạo lực gia đình do Hội liên hiệp phụ nữ TP HCM tổ chức cuối tuần qua, ngoài bà Hà, rất nhiều người vợ thường xuyên bị chồng hành hạ đã tìm đến để giãi bày. Mỗi người một cảnh nhưng điểm chung nhất của các chị chính là sự cô đơn, trơ trọi khi bị chồng hành hung
Chị Thanh Xuân, nhà ở quận 1, lấy chồng được 15 năm, đã có hai mặt con, đi đâu bạn bè cũng khen "nhìn thấy gia đình hạnh phúc phát mê". Thế nhưng theo chị Xuân, không ai hiểu được nỗi khổ của chị. Nỗi khổ bạo hành chỉ xuất phát từ chuyện ghen tuông.
Chị kể: "Trước khi quen anh, tôi từng có người yêu. Sau này tôi và người yêu cũ có đôi lần gặp nhau nhưng chúng tôi chỉ là bạn bè, vả lại mỗi lần gặp anh ấy thì chồng tôi cũng có mặt. Thế nhưng ông xã tôi cho rằng "qua ánh mắt thấy tôi còn yêu", từ đó kiếm chuyện có bồ nhí, rồi chửi bới và đánh đập vợ. Tôi phản kháng thì anh ấy đánh như kẻ thù. Lần nào cũng vậy, tôi chỉ biết ôm đầu chịu đựng".
Không dám kể cho bố mẹ nghe vì sợ ông bà buồn, nhiều lần trao đổi cùng các chuyên gia tâm lý nhưng không giải quyết được vấn đề, một lần chị Xuân đánh bạo gọi điện tâm sự với cô bạn thân, nào ngờ chồng chị nghe thấy. Lấy lý do vợ lại nói xấu chồng, Xuân bị đánh bầm tím cả thân thể phải nhập viện cấp cứu.
Sau lần ấy, bạn bè khuyên nên ly dị nhưng vì nghĩ đến con cái nên chị Xuân không nỡ đâm đơn. Song để tìm một giải pháp cho tương lai thì chị gần như mờ mịt. Mỗi lần chồng lên tiếng, chị Xuân chọn cách ngồi yên lặng. Chị quyết định ly thân.
Còn chị Trần Thị Thúy, ngụ ở quận Tân Phú, TP HCM, mang thai 5 tháng nhưng vẫn bị chồng đánh đập hằng ngày với lý do chị không thể đi làm kiếm tiền. Nhiều hôm bị chồng vác dao đòi chém, chị đã phải cầu cứu đến những người hàng xóm. "Tôi cảm thấy thực sự cô đơn vì cha mẹ ở tỉnh xa", chị Thúy nói.
Luật sư Lê Nguyễn Thuyền Quyên, Trưởng văn phòng Luật sư Sài Gòn - Gia Định khẳng định, pháp luật đã có sẵn và là công cụ để bảo vệ, thế nhưng những người phụ nữ bị bạo hành có muốn được bảo vệ hay không lại là chuyện khác.
"Trong quá trình tư vấn miễn phí, tôi đã gặp nhiều trường hợp vợ bị chồng hành hung gây hậu quả nghiêm trọng nhưng khi luật sư đưa ra phương án xử lý theo đúng luật thì lại từ chối", luật sư Quyên nói.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người trong cuộc, vấn đề không hề đơn giản vì còn rất nhiều lý do khác nữa khiến người vợ ngần ngại nhờ đến pháp luật như: con cái, kinh tế, sĩ diện. Trong đó có cả tình thương theo kiểu "hết tình còn nghĩa, lúc bị đánh thì đau thật nhưng khi đưa ảnh ra cho công an xử lý lại thấy tội tội". Chính vì thế, người chồng thường ỷ lại và nạn bạo hành cứ ngấm ngầm diễn ra.
Để hạn chế nạn bạo lực gia đình, nhiều ý kiến được đưa ra. Bà Trần Thị Nhiễu, chuyên gia dự án phòng chống bạo lực gia đình quận Gò Vấp, TP HCM thì cho rằng, xuất phát điểm của bạo lực gia đình là suy nghĩ trọng nam khinh nữ. Do đó phải "phòng bệnh hơn chữa bệnh".
"Theo tôi, cần phải xóa tan định kiến phụ nữ là phái yếu, là dở, là dốt bằng cách giáo dục cho bé gái những điều này từ khi còn ở trường tiểu học", bà Nhiễu bức xúc.
Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai cũng tán đồng quan điểm này. Tuy nhiên theo bà Mai, cũng cần giáo dục cho bé trai phải biết nâng niu và trân trọng phái nữ, trước hết là đối với chị em gái, sau đó với bạn bè xung quanh, để tạo cho các em nếp nghĩ bình đẳng giới.
Nhà giáo Nguyễn Hữu Hy, ngụ ở quận 5 thì cho rằng, để người đàn ông không dám lộng quyền đánh đập phụ nữ, dư luận cần lên án gay gắt hành vi trên. "Cần cho họ thấy, họ thật đáng khinh khi đánh đập chị em", ông Hy nói.
Còn theo nhiều "phụ nữ trong cuộc", Hội Liên hiệp phụ nữ và chính quyền địa phương cần hỗ trợ nhiều hơn để chị em trót rơi vào cảnh bạo lực thoát cảnh chạy đi khắp nơi cầu cứu mà vẫn không có nơi nào chịu can thiệp "vì đó là chuyện gia đình, khi nào có đổ máu mới xử lý".
Chuyên gia tư vấn tâm lý Lý Thị Mai đúc kết: "Mâu thuẫn gia đình nhà nào cũng có, nhưng làm sao để nó đừng phát triển thành bạo lực là cả một nghệ thuật".
"Khi chồng đang nổi nóng dù vô cớ, người phụ nữ nên "cơm sôi bớt lửa" - một cách để hạn chế cơn thịnh nộ của đấng mày râu", bà Mai nói.
Thiên Chương