Ngành dệt may nhiều năm qua luôn nằm trong tốp đứng đầu xuất khẩu của Việt Nam. Sản phẩm dệt may xuất xứ từ Việt Nam đang được tiêu thụ mạnh tại nhiều nước và khu vực trên thế giới. Kể cả thời điểm khó khăn như hiện nay, xuất khẩu dệt may vẫn duy trì nhịp độ phát triển cả về tổng giá trị cũng như hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, xuất khẩu lớn, nhập khẩu cao, đó là "đặc trưng” đã tồn tại hàng chục năm của ngành dệt may. Riêng nhập khẩu nguyên liệu, dệt may liên tục chiếm ngôi "vô địch” trong tất cả các ngành sản xuất. Đến thời điểm này, sau hàng chục năm phát triển, ngành dệt may vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu bông xơ đến hơn 95%.
Là nước nông nghiệp, cây bông có từ lâu đời ở Việt Nam, vậy mà phần nguyên liệu bông nội địa chỉ đáp ứng được hơn 2%. Chính phủ, các địa phương, các ngành liên quan đều "thuộc lòng” chỉ số nói trên. Gần như toàn bộ nguyên liệu bông phải nhập khẩu, số lượng nhập khẩu tăng lên qua từng năm. Dùng tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm dệt may trừ đi tổng giá trị nhập khẩu nguyên liệu, phần còn lại của ngành hàng này chỉ là con số nhỏ nhoi.
Cách đây 3 năm, Chính phủ ban hành Quyết định 29 về việc phê duyệt chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam. Ngành công thương, nhất là Tập đoàn dệt may Việt Nam tràn trề hy vọng đón nhận chương trình này.
Theo chương trình đã công bố, đến năm 2015, cả nước thực hiện chỉ tiêu trồng mới 9.000 ha bông vải. Tính bình quân (từ 2010 - 2015) mỗi năm phải trồng mới 1.500 ha bông. Trên thực tế, trong 2 năm vừa qua (từ 2010 - 2011) diện tích trồng mới chỉ có vỏn vẹn 74 ha. Năm 2012 cũng chẳng có gì sáng sủa hơn 2 năm trước đó. Tính gộp 2 năm vừa qua, kết quả thực hiện chưa được 5% chỉ tiêu kế hoạch. Với tiến độ "rùa bò” như vậy, ngay từ bây giờ đã có thể khẳng định: đến 2015 không thể hoàn thành chỉ tiêu trồng mới 9.000 ha bông.
Trong 3 năm còn lại, muốn đạt được chỉ tiêu do Chính phủ đề ra, bình quân mỗi năm phải trồng mới hơn 2.900 ha bông. Hai năm trước đó, bình quân mỗi năm chỉ trồng được 37 ha. Từ 37 ha/năm, làm thế nào để "thần tốc” tăng lên 2.900 ha/năm, đó là điều không thể. Đó là căn cứ để đưa ra kết luận: chỉ tiêu trồng mới diện tích bông (giai đoạn 2010 - 2015) có nguy cơ thất bại.
Về mặt chủ trương, các cấp và các địa phương "nhiệt liệt” đồng tình hưởng ứng mở rộng diện tích trồng bông. Bắt tay thực hiện, nhất là khâu giao đất ở các địa phương, trở nên cực kỳ nan giải. Bàn bạc trong hội họp thì nhất trí cao, đến khi thực hiện, nhiều địa phương sau 2 năm chưa làm xong thủ tục giao đất cho doanh nghiệp trồng bông.
Địa bàn trồng bông thuộc vùng đất rừng nghèo, giá trị sinh lời từ cây trồng không lớn, thậm chí có nơi bỏ không. Thế nhưng khi cần chuyển đổi trồng bông theo chương trình của Chính phủ, việc giao đất trở nên sự đánh đố với doanh nghiệp. Chủ trương của Chính phủ là hoàn toàn đúng, tiếc rằng quá trình thực hiện gặp nhiều trắc trở do chủ quan gây ra. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng trên đây, chương trình phát triển cây bông (theo Quyết định 29 của Chính phủ) hoặc là sẽ bị thất bại hoặc là chỉ được thực hiện ở mức vô cùng thấp.
Theo Đại đoàn kết