![]() |
Một lớp học thuộc chương trình phổ cập tiểu học ở Gia Lai. |
Khảo sát tại năm tỉnh thuộc các vùng kinh tế khó khăn, gồm đồng bằng sông Cửu Long, Tây nguyên, duyên hải miền Trung, Đông Bắc, Tây Bắc, kết quả cho thấy:
Cao Bằng có 17,6% giáo viên chưa đạt chuẩn. Lai Châu thiếu gần 2.000 giáo viên, tương đương 25% số giáo viên hiện có, thiếu 50 trường THCS, tỷ lệ học sinh bỏ học ở bậc THCS là 36,7%, số có bằng tốt nghiệp THCS trong độ tuổi 15-18 chỉ có 20%. Nếu như mục tiêu phổ cập THCS đối với Lai Châu còn xa vời thì Trà Vinh cũng tương tự vì mới chỉ có 2,1% số xã đạt chuẩn, thiếu khoảng 25% giáo viên THCS...
Tại các địa phương này chất lượng, hiệu quả giáo dục có dấu hiệu thụt lùi. Tại Trà Vinh, tỷ lệ học sinh bỏ học, lưu ban đều tăng 2-2,5 lần so với năm 1997. Ở Kon Tum, chỉ riêng bậc THCS, số học sinh tốt nghiệp cuối cấp chỉ đạt 36,7%, có những nơi đạt 2,8%, tỷ lệ thanh niên mù chữ trong độ tuổi 15-25 là 5,3%, 25-35 tuổi là 7,5%. Mặc dù đã được công nhận đạt chuẩn nhưng hiện Kon Tum có đến 20 xã (trong tổng số 82 xã) đã mất chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ.
Theo GS Phạm Minh Hạc, chuyên viên cao cấp của Ban Khoa giáo, mục tiêu và lộ trình hoàn thành phổ cập đang được ngành giáo dục hoạch định dựa trên những cơ sở không thực tế, giống như một người lái xe cứ nhấn ga mà không biết xe đang không có xăng. Tuy mục tiêu phổ cập đã khởi đầu khá thuận lợi với 15 tỉnh đã hoàn thành nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể lạc quan. Vì căn cứ vào các điều kiện kinh tế - xã hội, nguồn lực, điều kiện phát triển giáo dục... sự thuận lợi đó chỉ diễn ra ở 30 tỉnh.
Trong đó, 15 tỉnh đã đạt chuẩn, theo ông Hạc, ngành giáo dục “được ăn sẵn” vì đây là những địa bàn quá thuận lợi. Sẽ có 31 tỉnh trong cả nước thuộc diện khó hoàn thành phổ cập THCS vào thời điểm 2010. Trong đó có 5-12 tỉnh cực kỳ khó hoàn thành như Cao Bằng, Lai Châu, Trà Vinh, Kontum, Quảng Nam... Theo ông Hạc, với tiến độ như hiện nay phải 50 năm mới đạt chuẩn thay vì 10 năm như kế hoạch
Khi đánh giá về tình hình và triển vọng thực hiện PCTHCS, theo ông Hạc, cần tính đến 10 yếu tố: số người mù chữ giảm chậm, số xã mất chuẩn phổ cậơ GDTH và xóa mù chữ, số xã đạt chuẩn phổ cập đúng độ tuổi, tỷ lệ phần trăm số người 11-18 tuổi ở ngoài nhà trường, số xã có trường THCS, tỷ lệ lưu ban và bỏ học THCS, thiếu GV, tỷ lệ xã đạt chuẩn, hiệu quả giáo dục ở bậc tiểu học và cơ sở vật chất. Nhưng bất ngờ là khi Ban Khoa giáo trung ương đi thu thập dữ liệu mới nhận ra rằng trong tay Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có hai số liệu thống kê về tỷ lệ giảm người mù chữ của cả nước và số tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập. Còn những chỉ tiêu khác đều không có số liệu thống kê xác thực và cập nhật.
(Theo Tuổi Trẻ)