Dottino, Suzanne
- Trong vai trò là phó chủ tịch Hội văn bút Mỹ (PEN), chị hướng tới mục tiêu gì?
- Tôi luôn ngưỡng mộ sáng tác của người trong Hội. Tôi lấy làm vinh dự khi trở thành hội viên của PEN và càng hạnh phúc hơn nữa khi có chân trong "ban lãnh đạo". Ở cương vị là phó chủ tịch Hội, tôi sẽ có cơ hội theo dõi sát sao hơn quy mô cũng như sự cần thiết của các chương trình do PEN triển khai. Tôi hy vọng, bằng cách nào đó, tôi sẽ góp phần khẳng định nhiệm vụ và những hoạt động tích cực của tổ chức này trên toàn thế giới.
- Salman Rushdie và những tác giả khác có ảnh hưởng như thế nào trong việc khuyến khích chị đảm nhận một vai trò khá nổi và ít nhiều mang tính chính trị này?
- Tôi không nghĩ là mình đang đóng vai trò chính trị ở vị trí này, nhưng tôi cho rằng, rất cần thiết phải xây dựng được một môi trường có đầy đủ sự hiểu biết về tự do ngôn luận cũng như quá trình giao lưu văn hóa, đặc biệt là trong bối cảnh những giá trị này đang chịu nhiều đe dọa như hiện nay.
![]() |
Nhà văn Jhumpa Lahiri. |
- "The Namesake", tiểu thuyết của chị đã được chuyển thể thành phim do Mira Nair đạo diễn. Chị cũng tham gia một vai trong đó. Chị cảm giác thế nào khi thấy tác phẩm của mình được chuyển thể thành một loại hình nghệ thuật khác?
- Tôi chỉ đóng một vai rất nhỏ trong đó thôi. Tôi không coi đó là diễn xuất. Cả gia đình tôi và một số người họ hàng xa của tôi tại Ấn Độ cũng xuất hiện thoáng qua trên màn hình. Trước đây tôi chưa từng tiếp xúc với công việc của đoàn làm phim nên bị họ mê hoặc hoàn toàn. Kể từ đó, mỗi khi xem bất cứ bộ phim nào, tôi cũng thường hình dung ra khối lượng công việc đồ sộ mà họ đã phải thực hiện để có được "thành phẩm" như thế. Mira hiểu thấu đáo tác phẩm của tôi, nhưng cô đồng thời cũng tạo ra được một tác phẩm điện ảnh độc đáo mang dấu ấn của riêng mình.
- Những trang viết của chị thường tập trung khai thác trải nghiệm cuộc sống nhập cư của lớp trẻ Ấn Độ, đặc biệt là sự khác biệt giữa các nền văn hóa và cảm giác chông chênh giữa hai thế giới. Bây giờ, chị đã là mẹ của hai đứa trẻ. Chị hình dung, sau này, con chị sẽ viết về chủ đề gì và viết khác mẹ như thế nào?
- Câu hỏi này được đặt ra cứ như là con tôi lớn lên sẽ trở thành nhà văn vậy. Nhưng trong trường hợp nào đi nữa thì những trải nghiệm về cuộc sống nhập cư và sự giao lưu văn hóa của chúng cũng khác biệt so với tôi một bước. Chúng có thể quan tâm đến cội nguồn tha hương của mình hoặc không. Điều này rất khó đoán. Bản thân tôi thường nghĩ về cội nguồn rất nhiều, nhưng tôi cũng biết nhiều người ở hoàn cảnh như tôi lại chẳng nghĩ ngợi gì hết. Các nhà văn thường có xu hướng đào sâu vào cội rễ cũng như can đảm đương đầu với những lộn xộn của cuộc sống hiện tại. Tôi đoán và tôi hy vọng là các con mình sẽ biết quan tâm đến cả tương lai cũng như quá khứ của gia đình, đồng thời chúng biết chấp nhận và tôn trọng những giá trị truyền thống. Nhưng những vấn đề mà chúng phải đối diện sẽ không giống tôi. Khi tôi còn nhỏ, bố mẹ tôi không bao giờ coi đây là nhà nhưng tôi và chồng tôi coi nước Mỹ chính là quê hương mình.
- Tên sách của chị thường tưởng như là đơn giản nhưng rất dễ gợi nên các liên tưởng. Chị đặt tên tác phẩm vào thời điểm nào?
- Những thời điểm bật ra tên sách rất phong phú: trước khi viết, trong khi viết, thậm chí là rất lâu sau khi tác phẩm đã hoàn thành. Thường thì tên sách được lấy từ một cụm từ trong tác phẩm. Tôi rất khoái với đầu đề Interpreter of Maladies bởi đây là cái tên tôi đã nghĩ hàng năm trời trước khi viết, khi tôi chưa biết câu chuyện sẽ đề cập đến điều gì. Đó là một ví dụ cho thấy đường đi nước bước của trí tưởng tượng, đôi khi chậm như rùa vậy.
- Chị chịu ảnh hưởng của những nhà văn nào?
- Tolstoy, Chekhov, Virginia Woolf, William Trevor và Mavis Gallant là những nhà văn tôi đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần. Hiện tại, tôi đang viết một tập truyện ngắn.
Suzanne Dottino thực hiện
Thanh Huyền dịch
(Nguồn: kgbbarlit)