Ma túy vào Việt Nam – Những kỷ lục liên tiếp bị xô đổ

Hàng trăm kg ma túy thu được trong mỗi lần bắt giữ. Tang vật vụ án sau luôn nhiều hơn trước.

Thứ ba, 2/7/2019, 00:00 (GMT+7)

Hơn 900 kg ma túy đá bắt giữ trong đường dây của Wu Heshan (quốc tịch Trung Quốc) được Bộ Công an công bố hôm 20/3. Tám ngày sau, từ cuộc khám xét bất ngờ chiếc ôtô khả nghi, Công an TP HCM phát hiện gần 900 bánh heroin.

Kỷ lục về lượng chất cấm thu giữ tiếp tục bị xô đổ vào ngày 12/4 - hơn 1,1 tấn hàng đá bị bắt giữ từ xe tải đang vận chuyển hàng ở quận 5, TP HCM. Mới đây, chiều 11/5, lô 500 kg Ketamin ước tính giá 500 tỷ đồng (lớn nhất từ trước đến nay) được phát hiện trong kho hàng của nhóm người Đài Loan tại huyện Bình Chánh.

Lượng ma túy khổng lồ bị bắt ở khắp nơi, song đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, theo đánh giá của Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã phát hiện, thu giữ hơn 4 tấn ma tuý tổng hợp, hơn 1.000 bánh heroin - cao gấp ba lần con số của cả năm 2018. Tất cả đều được đưa từ khu Tam Giác Vàng (Myanmar) về Việt Nam rồi tiếp tục đi ra khu vực và thế giới.

Thống kê từ Bộ Công an cho thấy, tang vật bắt được liên tục tăng hơn 100% trong 3 năm qua. Số vụ án và người phạm tội cũng tăng tương ứng.

Tình trạng ma túy bị phát hiện 2016-2018

Số liệu từ VKSND Tối cao cũng chỉ ra rằng, trong 10 năm gần nhất, án ma tuý liên tiếp tăng cả về số lượng và tội phạm. Năm 2007 cả nước có hơn 10.900 vụ án với gần 15.000 người bị khởi tố. Con số này tăng lên gần gấp đôi trong mười năm sau đó với hơn 19.800 vụ và hơn 24.800 nghi phạm.

Trong hai năm 2014-2015 số tội phạm giảm nhẹ nhưng là do sự điều chỉnh của pháp luật trong việc giám định hàm lượng ma túy có trong tang vật thu giữ được. Thực tế tội phạm ở giai đoạn này vẫn có xu hướng đi lên. Ngoài ra, thống kê cũng cho thấy, trong khi số tội phạm hình sự giảm, tội phạm về ma túy lại tăng, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, đặc biệt trong 3 năm gần nhất.

Tội phạm ma túy 2007 - 2017

1.209.391

Tội phạm hình sự

192.577

Tội phạm ma tuý

Đơn vị: nghìn người

Tỷ lệ án ma túy bị khởi tố chiếm gần 20% tỷ trọng của tất cả tội phạm hình sự. Số nghi phạm bị khởi tố chiếm gần 16% tổng số bị can trên cả nước. Tỷ trọng này có xu hướng ngày càng tăng cao trong những năm gần đây.

Tỷ trọng tội phạm ma túy so với tội phạm hình sự

Trong số các loại tội phạm về ma túy, hành vi phổ biến nhất là tàng trữ, vận chuyển, mua bán có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Trong số gần 145.000 vụ và trên 184.000 bị cáo đã xét xử, các tội danh này chiếm đến 99%.

Tỷ trọng các loại tội phạm ma túy

Điều 194: Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 249, 250, 251 BLHS 2015).
Điều 195: Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 253 BLHS 2015).
Điều 196: Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 254 BLHS 2015).
Điều 197: Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255 BLHS 2015).
Điều 198: Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256 BLHS 2015).
Điều 200: Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 257, 258 BLHS 2015).
Điều 201: Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác (Điều 259 BLHS 2015).

Tình hình tội phạm ma túy tại Việt Nam ngày càng tăng được các cơ quan chức năng lý giải là do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đang trở thành thị trường tiêu thụ các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần lớn trên thế giới. Hoạt động sản xuất, mua bán ở Đông Nam Á, nhất là khu Tam Giác Vàng, đang gia tăng, ảnh hưởng đến Việt Nam. "Tội phạm hiện nay đã dùng công nghệ mới để sản xuất ma túy nên tốc độ tăng 2-4 lần so với trước", Thứ trưởng Công an, thượng tướng Nguyễn Văn Thành cho biết sau chuyến đi tới vùng Tam Giác Vàng cùng các cảnh sát Thái Lan, tháng trước.

Đại tá Vũ Văn Hậu, Cục phó Cảnh sát điều tra về tội phạm ma tuý, Bộ Công an nói “vòi bạch tuộc ma tuý đến Việt Nam” đã có trong nhận định trước đó. Gần đây, các băng nhóm chọn miền Trung, TP HCM làm điểm trung chuyển vì vị trí địa lý thuận lợi, dễ đi qua nhiều nước. Bên cạnh đó, do chính sách hải quan thông thoáng, những đường dây này mượn danh công ty uy tín hoặc lập công ty "ma" để xuất khẩu hàng hóa, giấu ma túy bên trong các container thực phẩm, nhập qua luồng xanh (miễn kiểm tra hải quan) để xuất sang nước thứ ba.

Thống kê cho thấy ma tuý từ Tam Giác Vàng vào Việt Nam có 20% là tiêu thụ, 80% là chuyển ra nước ngoài. Số người nghiện trên toàn quốc rất lớn, chiếm 0,2% dân số và gia tăng hàng năm. Nhưng đây chỉ là con số thống kê người nghiện có hồ sơ quản lý, con số thực tế được cho là lớn hơn rất nhiều.

Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) dự báo tình hình còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Cùng với sự xuất hiện của nhiều loại ma túy mới, việc sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần gia tăng ở hầu hết các quốc gia. Và xu hướng này có thể rất khó kiểm soát.

Nội dung: Hải Duyên
Kỹ thuật: Xuân Việt, Hoàng Khánh
Nguồn: VKSND Tối cao, Bộ Công an