Minh Long vừa được vinh danh tại cuộc thi dành cho các đơn vị thiết kế nổi tiếng thế giới - Red Dot Design Award 2019 với giải thưởng “Ý tưởng thiết kế sản phẩm xuất sắc nhất” cho bộ sản phẩm Gastroline gồm 25 món dùng trong nhà hàng khách sạn với đĩa, tô, phụ kiện bàn ăn, bộ trà… màu sứ trắng.

Gastroline đặc biệt, vì đây là cái bắt tay giữa nhà thiết kế người Đức - Hans Wilhelm Seitz với Minh Long, một bên đưa ý tưởng và bên còn lại sản xuất. Ngôn ngữ thiết kế tối giản, phẳng dựng cũng lần đầu tiên được áp dụng và nhận được sự trầm trồ của Ban giám khảo, theo lời kể của những người có mặt, vì độ khó khi thiết kế.

Vượt qua trăm thử thách, cũng là lúc hãng gốm sứ Việt nâng tầm cho thương hiệu của mình - bắt tay làm sản phẩm chuyên dụng cho nhà hàng 5-6 sao.

Minh Long vừa được vinh danh tại cuộc thi dành cho các đơn vị thiết kế nổi tiếng thế giới - Red Dot Design Award 2019 với giải thưởng “Ý tưởng thiết kế sản phẩm xuất sắc nhất” cho bộ sản phẩm Gastroline gồm 25 món dùng trong nhà hàng khách sạn với đĩa, tô, phụ kiện bàn ăn, bộ trà… màu sứ trắng.

Gastroline đặc biệt, vì đây là cái bắt tay giữa nhà thiết kế người Đức - Hans Wilhelm Seitz với Minh Long, một bên đưa ý tưởng và bên còn lại sản xuất. Ngôn ngữ thiết kế tối giản, phẳng dựng cũng lần đầu tiên được áp dụng và nhận được sự trầm trồ của Ban giám khảo, theo lời kể của những người có mặt, vì độ khó khi thiết kế.

Vượt qua trăm thử thách, cũng là lúc hãng gốm sứ Việt nâng tầm cho thương hiệu của mình - bắt tay làm sản phẩm chuyên dụng cho nhà hàng 5-6 sao.

Từ năm 1995, nhà thiết kế Hans Wilhelm Seitz đã hợp tác cùng Minh Long qua nhiều tác phẩm. Cái duyên giữa những người nghệ nhân cùng tâm huyết với gốm sứ, một lần nữa trở thành sợi dây kết nối để cùng bắt tay thực hiện Gastroline. Hans Wilhelm Seitz có một yêu cầu duy nhất, là Minh Long không được chỉnh sửa bất cứ chi tiết nào của bản thiết kế, phải ra sản phẩm đúng như bản ông vẽ.

Năm 2015, nhìn bản thiết kế, ông Lý Ngọc Minh thấy 2 điều: vẻ ngoài đẳng cấp nhưng kỹ thuật thực hiện sẽ khó vô cùng. Nhưng ông vẫn gật đầu vì tin tưởng kỹ năng, óc thẩm mỹ Hans Wilhelm Seitz. Đây cũng là cách Minh Long hoàn thành tâm nguyện của nhà thiết kế gắn bó với mình từ rất lâu, hiện thực hóa tác phẩm cuối cùng mà ông Hans tạo nên từ kinh nghiệm cả một đời góp nhặt, sưu tầm.

Riêng Minh Long, với triết lý “làm cho bằng được”, càng thách thức lại càng muốn chinh phục, bởi phần thưởng nhận được sẽ lớn hơn gấp nhiều lần. Ngoài ra, dù sở hữu nhất nhiều sản phẩm nhưng Minh Long chưa có cho mình một dòng đẳng cấp, thiết kế ở tầm cao hơn cho khách sạn siêu sang, nhìn vào thấy được trí tuệ của bậc thầy chế tác.

Bộ bát đĩa sứ dành cho khách sạn siêu sang của Minh Long
 
 

Gastroline hội tụ những điều chưa từng có ở Minh Long với đường nét được đánh giá là dung hòa, cứng cáp lẫn mềm mại, uyển chuyển. Ngôn ngữ thiết kế tập trung vào 3 điều: tinh tế, đơn giản, hữu dụng. Ở từng vật dụng đều hội tụ các đường cơ bản như thẳng đứng, tròn, vuông góc… kết hợp theo tỷ lệ hợp lý. Đi theo xu hướng tối giản nên thoạt nhìn, với người không rành về gốm sứ, dường như Gastroline không tạo được hiệu ứng mạnh mẽ về thị giác. Nhưng với người trong nghề, bộ sản phẩm là một niềm ao ước, khi nó đạt được sự cân bằng ở tính mỹ thuật lẫn ứng dụng.

Leonardo Davinci từng nói: “Đơn giản là đỉnh cao của sự phức tạp”. Thật vậy, ở ngành sứ với lịch sử hàng nghìn năm, gần như mọi ý tưởng thiết kế đều đã được phô diễn, khai thác triệt để. Hình dáng cơ bản của sản phẩm sứ nếu không tròn thì vuông, oval, tam giác… Vậy nên nếu bảo làm một mẫu mới, chỉ dùng nét cơ bản là thẳng, tròn mà nhìn vào thấy được sự khác biệt là thách thức lớn vô cùng. “Thông thường người ta không đi theo xu hướng tối giản vì phải hạn chế tất cả đường nét. Để tạo nét mới lạ, có thể biến đổi thành lượn, cong, thêm chỗ này chỗ kia… như một cách ăn gian”, anh Lý Huy Sáng - Phó tổng giám đốc Công ty gốm sứ Minh Long chia sẻ.

Gastroline khác biệt với những mẫu sẵn có, chứ không chỉ khác ở các chi tiết phụ họa. Điều này cần đến bề dày kinh nghiệm, óc sáng tạo cao, cá tính riêng để tìm một kẽ hở mới giữa bao la mẫu mã gốm sứ trên toàn thế giới. Với tiêu chí “chỉ đủ không thừa”, mỗi vật dụng trong bộ sưu tập đều được trau chuốt tỉ mỉ ở từng chi tiết. Vẽ ra bản thiết kế, ông Hans không làm gì tiếp mà để đó ngắm nghía, một tuần sau quay lại xem có thể thay đổi gì nữa không, điểm nào nên chỉnh sửa để hợp lý hơn, chỗ nào cần cắt bỏ để dễ sử dụng… Cứ thử đi thử lại như vậy, mất đến 3 năm mới có bản thiết kế hoàn chỉnh trao cho đơn vị sản xuất.

Ngoài thiết kế tối giản, văn hóa châu Á còn được lồng ghép khéo léo qua hình ảnh gáo múc nước thường thấy ở đồng bằng sông Cửu Long biến tấu thành chén ăn. Phần tay cầm không làm dạng que tròn vì khi khi chứa nặng có thể nghiêng, đổ thức ăn. Thay vào đó, nhà thiết kế chỉnh sửa để nó lõm xuống, vừa khít với ngón tay cái, tăng cảm giác chắc chắn cho người dùng, đề cao tính ứng dụng thực tế.

Dù đạt giải thưởng tầm quốc tế, nhưng lúc giới thiệu với công chúng, vị tổng công trình sư Lý Ngọc Minh vẫn thể hiện một chút e ngại. Bởi theo ông, người Việt chưa quen với lối thiết kế này. Các đường nét quá lạ lẫm khiến mọi người không hiểu, cái không hiểu ấy đôi khi dẫn đến những đánh giá “kỳ cục”. Cũng như một bản nhạc mới trỗi lên lạ tai, chưa kịp thẩm thấu nên không thích nghe. Nhưng khi nó phát lại nhiều lần, hiểu được ý nghĩa ca từ, người ta mới thấm cái đẹp của nó. Bộ sản phẩm này cũng thế, có dùng qua, ngắm nhiều lần mới thấy được bên trong đó là sự kỳ diệu đáng khâm phục.

Khi được hỏi vì sao từ lòng đĩa lại có đường vách thẳng dựng lên? Ông lý giải để khoang chứa thức ăn rộng hơn, dù đĩa cạn nhưng đồ ăn không tràn, không đổ trong quá trình bưng bê, mặt dưới có các gờ để khi đĩa chồng lên nhau thì phần đáy không chạm vào lòng đĩa gây trầy xước. Phần lá đĩa (vành đĩa) rộng, lòng đĩa nhiều không gian còn giúp việc trang trí dễ dàng, tôn lên vẻ đẹp cho đồ ăn. Ấm trà có tính kết nối cao, chỉ cần dùng một tay có thể giữ ấm và nắp, nắp khó rơi. Từng nét thiết kế đều có dụng ý, mang đến tính năng ưu việt cho bộ sản phẩm khi đưa vào sử dụng trong nhà hàng.

Khi trao bản thiết kế cho Minh Long, ông Hans Wilhelm Seitz chia sẻ không muốn hy sinh vẻ đẹp mỹ thuật. Thông thường, để bản vẽ được đưa vào sản xuất, hãng gốm sứ thường ngồi lại với nhà thiết kế để cắt bớt một vài chi tiết không hợp lý, phù hợp với máy móc và dây chuyền hiện tại. Tuy nhiên với yêu cầu từ phía ông Hans, Minh Long đã phải đảo ngược quy trình: thay đổi công nghệ sản xuất để bảo toàn thiết kế.

Trong gốm sứ có 2 khâu thiết kế là: mỹ thuật và kỹ thuật. Yếu tố mỹ thuật được thực hiện bởi ông Hans. Còn Minh Long đảm nhận hoàn toàn khâu thiết kế kỹ thuật, thực hiện một số tinh chỉnh mà người dùng không nhìn thấy được để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ví như quai bình trà tròn nhiều hay ít, bén hay không thì người dùng không nhìn thấy được sự khác biệt, nhưng tạo nên thay đổi ở chất lượng. Nếu cạnh bén quá khi đem nhúng men, men sẽ không bao trùm toàn bộ bề mặt, đất ló ra ngoài; khi tạo dáng cũng dễ bị xì, hỏng…

Gastroline gồm 25 vật dụng với mỗi sản phẩm sở hữu kiểu dáng khác biệt và những cái khó riêng, phải tìm cách xử lý phù hợp, đòi hỏi nhiều kỹ thuật mới ra được đúng tính năng mong muốn. Mà sản phẩm khó sản xuất nhất là đĩa ăn.

Đĩa có kích thước lớn, lá đĩa và lòng đĩa là 2 mặt phẳng song song với nhau, lệch một chút cũng không được. Một chiếc đĩa khó nhìn thấy khiếm khuyết nhưng ở nhà hàng, khách sạn đĩa xếp thành từng chồng, nếu đĩa không thẳng, có sai khác sẽ lập tức lộ ra, thậm chí độ lệch cao thì công năng chống trầy không đạt.

Phần lá đĩa rộng và thẳng nên khi nung dễ cong xuống. Vách đĩa dựng đứng, dễ nứt, khó tạo hình. Với đầu vào là chất liệu thiên nhiên, phải khống chế độ sai lệch vô cùng chuẩn để sau khi đi qua nhiệt độ 1.380 độ C, sản phẩm chính xác tuyệt đối, cái nào như cái nấy.

Điều khó nhất ở thiết kế các đường thẳng này là nó không có khả năng chịu lực tốt như đường cong thường thấy. Vậy nên thách thức của Minh Long là phải làm sao để sản phẩm có khả năng giữ được hình dáng chính xác sau khi ra khỏi khuôn, tránh việc đất quá mềm và bị sụp xuống, hạn chế việc biến dạng trong lúc nung.

Những câu đố ấy được giải đáp bằng việc nghiên cứu ra công thức đất chịu lực, chưa nung vẫn cứng chắc; quy trình có sự tham gia của máy móc đến 95% để giảm đến mức thấp nhất ngoại lực tác động vào sản phẩm lúc chưa nung. Mọi chi tiết trên sản phẩm, kể cả độ dày mỏng đều phải tính toán để đồng nhất, công cụ đốt nung phù hợp. Điều này nhằm đảm bảo lực giãn nở trong quá trình nung giống nhau, vì nếu độ dày mỏng khác biệt sẽ có tỷ lệ co rút chênh lệch, sản phẩm ra lò bị méo chứ không tròn đều.

Từ lúc ra đời tới nay, phòng thí nghiệm của Minh Long chưa lúc nào dừng hoạt động. Mỗi ngày đều có một công thức mới ra đời nhằm cải tiến chất lượng sản phẩm. Phó tổng giám đốc Lý Huy Sáng nói, nếu không phải người chuyên ngành, cứ mỗi năm quay lại Minh Long, so sánh sản phẩm sẽ thấy sự khác biệt về nước men, độ cứng cáp. Còn nếu là dân làm gốm sứ, mỗi ngày đều thấy công thức có sự khác biệt, ngày mai không hề giống hôm nay, luôn phải cân đo đong đếm hiệu ứng của mỗi loại vật liệu khi đưa lên thành phẩm.

Nhưng không phải hôm nay bắt tay làm thì mai sẽ có thành quả mà phải trải qua rất nhiều lần thử nghiệm. Thế nên phải đến 4 năm, công thức đất mới được nghiên cứu thành công, cũng tạo nên dấu mốc hoàn thành việc sản xuất Gastroline.

“Vật liệu mới quyết định sự thành công cho khâu sản xuất. Nếu quay ngược lại vài năm trước, dù máy móc hiện đại ra sao nhưng công thức vật liệu không chuẩn thì sản phẩm cũng không thể thành hình”, anh Lý Huy Sáng phân tích. Có thể hình dung sự thay đổi này như ngày xưa xây nhà đất còn bây giờ xây bằng xi măng, khả năng chịu lực hoàn toàn khác nhau, nhưng 2 vật liệu này vẫn có thể xây nên ngôi nhà cùng một kiểu dáng.

Thành công ở bước vật liệu cũng là lúc Minh Long thỏa sức sáng tác với hệ thống máy móc hiện đại của mình. Để mặt men đẹp, cứng cáp hơn, hãng sử dụng công nghệ châu Âu với máy trục lăn thay vì máy dập bột. Tuy khiến giá thành cao hơn và khó chế tác, nhưng đề cao tính hiệu quả sản phẩm, ông Lý Ngọc Minh vẫn kiên định với lựa chọn này.

Từ năm 1995, Minh Long đã thể hiện độ “chịu chơi” khi nhập hẳn dòng máy làm khuôn CNC từ châu Âu. Một phần mềm chạy máy mua với giá 50.000 USD, bao nhiêu tiền làm ra đều được xoay vòng tái đầu tư cho kỹ thuật. Vậy nên đề bài khó đến đâu, hãng gốm sứ Việt đều có thể tìm ra lời giải.

Mỗi sản phẩm ra đời đều trải qua ít nhất 30 công đoạn cùng kỹ thuật đốt một lần ở nhiệt độ 1.380 độ C để đạt được độ sáng bóng, cứng chắc. Mỗi công đoạn đều được kiểm tra kỹ càng, đồng thời có hệ thống máy móc để kiểm tra tính chính xác, đảm bảo độ ổn định cao nhất cho thành phẩm.

Gastroline cũng áp dụng nghệ nano giúp sản phẩm dễ vệ sinh, bụi bẩn, vi khuẩn khó bám dính, thức ăn được bảo quản tốt hơn. Từ đó hướng tới nâng cao sức khỏe cộng đồng - một trong những mục tiêu lớn nhất mà Minh Long đang theo đuổi trong những năm gần đây, qua các bộ sản phẩm từng ra mắt như nồi sứ dưỡng sinh, đũa sứ…

Sản phẩm đầu tiên hoàn thành trong bộ Gastroline là bình trà và mẫu cuối cùng là chiếc đĩa ăn. Cứ sản xuất thành công món nào, Minh Long liền đem đến cho nhà thiết kế chiêm ngưỡng. Ông Lý Ngọc Minh tiết lộ, nhà thiết kế cứ “năn nỉ” sản xuất nhanh lên, để kịp gửi bài dự thi. Thực tế từ 4 năm trước đã có thể cho ra lò chiếc đĩa ăn, tuy nhiên nó chỉ đạt trình độ thấp, thế nên vị chủ tịch của Minh Long kiên quyết không gửi đi. Mỗi năm chỉ có thể dự thi một lần, trễ ngày nộp bài thì phải đến năm sau mới có thể đăng ký lại. Ở độ tuổi hơn 60, ông Hans lại càng muốn sớm hoàn thành nguyện vọng.

Mỗi lần nhận được một sản phẩm hoàn thiện, ông Hans đều đón nhận bằng sự thích thú, hài lòng, hào hứng và có cả ngạc nhiên. Gastroline được vinh danh ở Red Dot Design Award và trưng bày triển lãm tại nước ngoài là thành quả mà cả hai đều mơ ước, nhất là khi phản hồi khách hàng tốt.

Red Dot Design Award do tổ chức Design Zentrum Nordrhein Westfalen (Đức) sáng lập năm 1955. Cuộc thi tôn vinh những giải pháp sáng tạo mới, mang lại giá trị cho ngành công nghiệp và xã hội hiện đại. Năm 2019, cuộc thi có sự cạnh tranh từ 5.500 bài từ những thương hiệu lớn thuộc 55 quốc gia. 40 giám khảo là chuyên gia, giáo sư, nhà báo… Các bài dự thi không tiết lộ từ thương hiệu, nhà thiết kế nào, đảm bảo tính công bằng và khách quan cho giải thưởng.

“Làm bộ Gastroline là vì đam mê kỹ thuật, chất lượng. Nếu xét về thương mại, chúng tôi sẽ không làm”, anh Lý Huy sáng nhấn mạnh. Lý do là thời gian sản xuất kéo dài, kỹ thuật khó. Trước đây cũng có những mẫu sứ mất đến chục năm mới làm ra, nhưng đó là sản phẩm nghệ thuật, không sản xuất cho số đông, giá thành không phải vấn đề. Còn bộ sản phẩm này dùng đại trà, chi phí sản xuất cao sẽ dẫn đến giá thành khó chấp nhận được, không thể bán nhiều.

Hơn nữa ngôn ngữ thiết kế châu Âu trên sứ vốn chưa có nhiều người chuộng ở Việt Nam. Người châu Á thích cầu kỳ hơn. Vì vậy đối với đơn vị sản xuất, Gastroline là một đặt cược cho thị trường nước ngoài. Còn với nội địa, thời gian tới Minh Long sẽ đưa thêm phần họa tiết trang trí vào các mẫu đĩa, bình trà, chén… để chiều thị hiếu của những người yêu thích sản phẩm sứ nội địa.

Dù ở trong nước hay quốc tế, giá bán cũng là một trong những vấn đề lớn, vì với người mua để dùng thì họ có thể chấp nhận mức giá tương đối, hy sinh vì sở thích. Còn nếu mua vì mục đích kinh doanh thì làm sao để lợi nhuận cao nhất mới là mối quan tâm hàng đầu.

Nhưng gạt hết những trăn trở đó, ước mơ lớn nhất của Minh Long, chính là qua Gastroline có thể thay đổi góc nhìn của thị trường quốc tế với hãng gốm sứ Việt. “Tôi muốn đây là phát pháo đầu tiên cho những khách hàng nước ngoài, nếu chưa biết đến Minh Long thì cũng không đánh giá thấp thương hiệu này. Bởi chúng tôi đã đạt những giải thưởng danh giá của thế giới, có thể đáp ứng nhu cầu của đối tượng cao cấp. Chúng tôi cũng có những công trình chất lượng và hợp tác được với nhà thiết kế danh tiếng, từ hàng chục năm về trước”, anh Lý Huy Sáng khép lại câu chuyện một cách đầy tự hào.