àng chục năm qua, bia là một phần trong văn hóa ẩm thực, văn hóa vỉa hè của người Hà Nội. Ít ai biết rằng, đây là một trong những nơi đầu tiên ở Đông Nam Á có nhà máy bia từ năm 1890, khi người Pháp đặt chân đến.

Công cuộc mở cửa 30 năm tạo nên cơn bão đồ uống, đưa Việt Nam vào top đầu thế giới về bia, với hàng chục nhãn hiệu. Nhưng vẫn có những người, một cách chân thành và tự nguyện, trung thành với vài cái tên gắn liền với Thủ đô như bia Hà Nội, Trúc Bạch, bia hơi vỉa hè... Có người cho rằng bia ở Hà Nội ngon vì được làm từ nguồn nước ngầm quý giá của đất Thăng Long ngàn năm mà người Pháp khám phá ra. Nhưng cũng có ý kiến rằng chẳng qua nguyên do là tính cách bảo thủ của con người Tràng An. Đã mê là không còn đường quay lại.

Dẫu vậy, cũng nhờ sự bảo thủ có phần “đáng yêu” đó nên chỉ ở Hà Nội, người ta mới tìm thấy những thương hiệu có tuổi đời hàng chục năm. Thậm chí với bia Trúc Bạch, hành trình 60 năm lịch sử là một câu chuyện dài, có cả nốt trầm khi biến mất khỏi thị trường, nhưng rồi trở lại ngoạn mục và được đón nhận cả ở phân khúc cao cấp.

Một ngày cuối tháng 12/2018, ông Phương Văn Lợi, 57 tuổi, công nhân tại nhà máy bia Hà Nội tại Mê Linh, cẩn thận kiểm tra những bồn nấu. Với trách nhiệm trưởng ca nấu 2, nhiệm vụ hàng ngày của ông là đảm bảo hàng nghìn lít bia đầu ra phải giữ đúng hương vị và chất lượng tốt nhất.

Dù hệ thống đều được điều khiển hoàn toàn tự động và phần lớn thời gian ngồi trong phòng kiểm soát thông qua bảng điện tử, thỉnh thoảng ông vẫn trực tiếp đến từng bồn nấu kiểm tra.

“Thời trước, nấu bia không dễ như bây giờ. Chúng tôi phải nấu thủ công bằng than, cứ mỗi mẻ là lại lấy mẫu thử bằng miệng. Tính cẩn thận được trui rèn từ đó, bao nhiêu năm quen rồi không bỏ được”, ông giải thích.

Ông Phương Văn Lợi đang kiểm tra bồn nấu trước khi giao ca.

Làm công nhân nhà máy từ những năm đầu sau khi đất nước thống nhất, ông là thế hệ thứ hai trong gia đình có đến 3 đời làm việc tại đây. Cha là công nhân đã về hưu. Giờ con trai cũng tiếp tục nối nghiệp gia đình trong vai trò kỹ sư tự động hóa.

“Những thông tin về nhà máy, về bia hay công nghệ bây giờ là câu chuyện hàng ngày trong bữa cơm. Hàng chục năm qua, Bia Hà Nội đã gắn bó với cuộc sống của gia đình chúng tôi”, ông kể.

Truyền thống gia đình ông gắn liền với chặng đường phát triển của bia Hà Nội. Còn lịch sử của nhà máy cũng như thương hiệu bia Trúc Bạch gắn liền với phần hồn lịch sử và văn hóa của người dân Thủ đô.

Là một trong những “cường quốc” về bia rượu với sức tiêu thụ hàng tỷ lít bia mỗi năm, Việt Nam xếp thứ ba châu Á về sản xuất bia, chỉ đứng sau hai ông lớn Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy vậy, ít ai biết rằng ngành công nghiệp bia của Việt Nam đã ra đời từ rất sớm.

Các công nhân thời kỳ đầu của nhà máy.

Tiền thân của Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO) ngày nay là nhà máy bia Hommel do người Pháp xây dựng từ năm 1890. Sau nhiều thay đổi cùng lịch sử, năm 1957, Hommel được Chính phủ tiếp quản và đổi tên thành nhà máy bia Hà Nội.

Hơn một năm sau, thế hệ công nhân trong thời gian đầu tiếp quản đã cho ra đời chai bia đầu tiên do người Việt Nam sản xuất. Đó là ngày 15/8/1958, cũng được chọn ngày truyền thống của Công ty Bia Hà Nội.

Nhà máy Bia Hommel được thành lập năm 1890 – tiền thân của Nhà máy Bia hà Nội ngày nay.

Ông Võ Tiến Kỷ và ông Lê Văn Ba, những lãnh đạo của thời kỳ sơ khởi chọn cái tên Trúc Bạch để đặt cho chai bia đầu tiên này, với ý nghĩa chỉ địa danh hồ Trúc Bạch trên mảnh đất ngàn năm văn hiến, và gần trụ sở Nhà máy Bia Hà Nội.

Ngay từ những ngày đầu, bia Trúc Bạch không sử dụng chiến lược giá rẻ. Do công nghệ mới, cộng thêm nguyên liệu nhập khẩu và tỷ lệ pha trộn lúa mạch cao, giá Trúc Bạch đắt hơn các loại bia truyền thống sử dụng công nghệ Hommel cũ từ cuối thế kỷ 19.

Trúc Bạch nhanh chóng trở thành thứ đồ uống “thời thượng”. Cùng với phở Hà Nội, kem Tràng Tiền, bia Trúc Bạch thành một phần trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội trong suốt một thời kỳ dài.

Đến giai đoạn bao cấp, bia trở thành món hàng xa xỉ và chỉ có thể mua theo tem phiếu mỗi dịp lễ tết.

Đến những năm 1990, Bia Hà Nội chuyển sang tự hạch toán kinh doanh và khó khăn nảy sinh từ đó. Nguồn nguyên liệu nhập khẩu bị thắt chặt, dẫn đến không đáp ứng đủ nhu cầu bia hơi, bia chai của người dân. Công suất nhà máy sụt giảm chỉ còn dưới 35 triệu lít một năm.

Chưa hết, nhà máy còn phải đối mặt với sự tranh vô cùng gay gắt từ bia Vạn Lực giá rẻ của Trung Quốc. Nhiều công ty bia trong nước lâm vào tình trạng khó khăn. Họ tìm lối thoát bằng cách chuyển hướng sang tập trung sản xuất bia hơi, hoặc sáp nhập với các công ty bia lớn, có tên tuổi để gia công sản phẩm. Phần còn lại, chấp nhận số phận cho đối tác ngoại thâu tóm như bia Huế.

Ban lãnh đạo nhà máy nhận định ở thời điểm này, Trúc Bạch kém tính cạnh tranh với mức giá cao vượt quá khả năng chi tiêu của người dân. Ngân sách nhà nước lại có hạn, không cho phép nhập các nguyên liệu sản xuất bia đắt đỏ.

Đó là lúc phải đi đến quyết định khó khăn nhất kể từ thời kỳ thành lập – dừng sản xuất Trúc Bạch.

Như một định mệnh, Trúc Bạch được hồi sinh vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm truyền thống Bia Hà Nội. Các cuộc khảo sát cho thấy, hơn 18 năm vắng bóng trên thị trường không làm phai mờ ký ức về bia Trúc Bạch trong lòng người Hà Nội.

Và thêm một lý do mang tính nặng tình là “Hồi sinh Trúc Bạch là hồi sinh một phần lịch sử của Thủ đô”.

Cuối cùng, sau gần hai thập kỷ biến mất trên thị trường, những chai bia Trúc Bạch mang diện mạo mới, hương vị mới chính thức quay trở lại vào đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Chai bia Trúc Bạch giữ nguyên kiểu dáng và hương vị truyền thống.

Ban lãnh đạo HABECO cũng quyết định giữ nguyên giá trị của bia Trúc Bạch như thời kỳ đầu, định vị đây là loại bia cao cấp nhất của công ty. Trúc Bạch thậm chí có giá bán nhỉnh hơn đôi chút so với các loại bia nhập ngoại.

Ông Ngô Quế Lâm, Tổng giám đốc HABECO cho biết phần lớn nguyên liệu sản xuất ra bia Trúc Bạch có chất lượng hàng đầu, được nhập khẩu từ châu Âu. Lúa mạch từ Czech và Pháp, hoa bia quý tộc Saaz – một trong bốn loại hoa bia quý của thế giới đến từ thung lũng Zatec. Tất cả kết hợp với công thức lên men tự nhiên của HABECO. Tuy thời gian lâu gấp đôi bình thường nhưng cho hương vị bia đắng ngọt êm dịu và lớp bọt bia trắng mịn.

Dây chuyền sản xuất được thiết kế và lắp ráp bởi nhà thầu Krones AG đến từ CHLB Đức. Đây là một trong những đơn vị uy tín hàng đầu thế giới với kinh nghiệm xây dựng nhiều nhà máy sản xuất thực phẩm, đồ uống lớn. Công suất trung bình 60.000 chai, lon một giờ, cung cấp ra thị trường hơn 20 triệu chai bia mỗi năm đạt tiêu chuẩn ISO 9001.

Nhà máy bia Hà Nội – Mê Linh, nhà máy bia hiện đại bậc nhất Đông Nam Á của HABECO.

Thời gian đầu người tiêu dùng chưa kịp làm quen với bia Trúc Bạch. Phải mất vài năm sản lượng tiêu thụ mới tăng dần. Giờ đây, sau 10 năm kể từ ngày trở lại một cách âm thầm nhưng mạnh mẽ, bia Trúc Bạch có mức tăng trưởng trung bình cao gấp 3-4 sản các loại bia khác của nhà máy. Từ 26 công nhân ban đầu, sau 10 năm, nhà máy bia Hà Nội – Mê Linh đã phát triển sản xuất với 295 cán bộ, kỹ sư, công nhân.

“Trúc Bạch hiện đã có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. HABECO đặt mục tiêu tăng 120% số điểm bán hàng trong năm 2019 để bia Trúc Bạch đến với nhiều khách hàng hơn”, Ông Ngô Quế Lâm nói.

Niềm vui được thấy lại chai bia 60 năm tuổi của người tiêu dùng một thì với những người công nhân lớn gấp nhiều lần. Với ông Phương Văn Lợi, đó là thành quả của sự cố gắng và nỗ lực của tập thể nhà máy, và quan trọng hơn của cả gia đình. “Biết đâu, gia đình tôi sẽ còn thế hệ thứ 4, thứ 5 làm việc tại nhà máy, để những câu chuyện sẽ tiếp tục được nối dài”.

     Nội dung:   Thành Dương    |    Ảnh:   Ngọc Thành    |    Thiết kế: Thế Bình    |    Kỹ thuật: Hưng Thái
Đang tải dữ liệu