Ô
ng chủ Asanzo không thích danh xưng “ông bầu” của Hải Phòng mà muốn được nhìn nhận là doanh nhân yêu bóng đá, đóng góp vào sự phát triển thể thao Việt Nam.

Tam hơi đăm chiêu, nép người vào một góc bên dưới khán đài sân vận động Lạch Tray sau khi vừa trao tặng tivi cho hai cổ động viên may mắn. Đang là giờ nghỉ giữa hai hiệp, Hải Phòng bị Quảng Nam dẫn trước một bàn ở trận đấu vòng 5 V-League 2018, ngày 15/4.


“Tôi hơi buồn với kết quả hiệp một nhưng tin tưởng đội bóng lội ngược dòng thành công ở hiệp hai”, ông nói.

Kết quả trận đấu 0-2. Thất bại kéo Hải Phòng xuống vị trí áp chót bảng xếp hạng. Thoáng buồn trên gương mặt nhưng ông chủ Asanzo cho biết vẫn đặt nhiều niềm tin vào tương lai của đội bóng.

Sự quan tâm của ông dường như không đơn thuần trong vai trò một nhà tài trợ.
“T
ôi vui lắm”, giọng Tam sảng khoái qua đầu dây điện thoại. Hải Phòng vừa tìm được chiến thắng ngay trên sân của TP HCM, trong trận đấu ở vòng 6. Một tuần sau, họ tiếp tục khiến người hâm mộ Lạch Tray vỡ òa trong trận cầu kịch tính trước Đà Nẵng. Chiến thắng ở những phút bù giờ đưa đội bóng đất Cảng lên vị trí thứ 5 sau 7 vòng của V-League.

Niềm tin của Tam luôn có lý do. Ông chưa bao giờ có nhiều sắc thái cảm xúc lên xuống nhanh chóng đến như vậy.

Nhiều người đặt câu hỏi “Vì sao lại là Hải Phòng”, khi thông tin bên lề râm ran khắp nơi. Mùa giải năm nay, tập đoàn Asanzo của Tam trở thành gương mặt tài trợ mới trong làng bóng đá Việt.

Trong khi đó, câu lạc bộ xứ Cảng xưa nay xuất hiện trên các phương tiện truyền thông với hình ảnh không mấy thiện cảm. Bản thân ông ban đầu cũng hơi lo khi công ty luôn hướng đến hình ảnh thân thiện với người tiêu dùng, nếu gắn vào một câu lạc bộ có hình ảnh chưa tốt sẽ tác động đến thương hiệu gầy dựng trong nhiều năm. Nhất là khi, Chủ tịch Phạm Văn Tam được biết đến là “ông chủ hãng tivi Việt” và ngày càng ăn nên làm ra, với doanh số khủng trong mảng này. Năm 2017, Asanzo bán 710.000 chiếc tivi, doanh thu tổng sản phẩm bao gồm cả điện thoại, điện tử, gia dụng và điện lạnh tới hơn 4.000 tỷ đồng.


“Tôi nghĩ và cảm nhận rằng sự cuồng nhiệt của người dân ở đây chắc chắn cao hơn nhiều nơi khác. Tình yêu bóng đá là bản sắc của Hải Phòng”, ông giải thích.

Lý do rất ăn khớp với suy nghĩ của Tam về việc muốn đóng góp điều gì đó cho nền bóng đá nước nhà. Tình yêu nồng nhiệt với môn thể thao vua là điểm chung mà ông chủ Asanzo tìm thấy ở đất Cảng, dẫn đến quyết định trở thành nhà tài trợ cho đội bóng.

Nguyên nhân khác, Hải Phòng vốn được biết đến là đội bóng giàu truyền thống, lại ở rất gần quê Tam là Quảng Ninh. Dù vấp phải phản đối mọi phía từ gia đình, bạn bè, đối tác đến báo chí, ông vẫn giữ niềm tin vào quyết định của mình. Ngược lại, càng muốn làm hơn nữa để mọi người hiểu và thay đổi suy nghĩ về bóng đá ở vùng đất này.

Triết lý kinh doanh được Tam áp dụng triệt để vào bóng đá. Nếu như ông chủ hãng tivi Việt luôn tìm hiểu khách hàng của mình cần gì để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thì một người yêu bóng đá có tên Phạm Văn Tam sẽ bắt đầu từ chính người hâm mộ của đội bóng. Sau khi “Google”, hỏi thăm người xung quanh tất cả thông tin về câu lạc bộ, ông tìm cách liên hệ với những người đứng đầu hội cổ động viên và bắt đầu cảm thấy suy nghĩ của mình ngày càng được củng cố.
Ông phát hiện Hải Phòng chưa có hội cổ động viên chính thức nhưng đã hoạt động chuyên nghiệp nhiều năm nay. Nếu không có nhà tài trợ, họ sẵn sàng tự bỏ tiền in băng rôn cổ vũ, đến sân khách xem câu lạc bộ thi đấu. Khi tiếp xúc với những người yêu bóng đá đất Cảng, Tam nhận ra một mặt khác mà ông chưa từng biết đến trên báo chí. Ở đó còn có những con người văn minh, cuồng nhiệt, hết mình với trái bóng tròn và luôn dõi theo bước chân của đội bóng, dù thua hay thắng, khi vinh quang hay có lúc thất bại đau đớn. 10 năm nay, họ chụp ảnh, ghi lại các khoảnh khắc trong và ngoài sân bóng mà không cần một ai phải đứng ra bỏ tiền tài trợ.

“Tôi nghĩ mình và mọi người có cùng một tiếng nói, cùng một mục đích hướng đến. Cổ động viên ở đâu cũng vậy, có người thế này, cũng có người thế khác, không thể đánh đồng”.

Ông chủ hãng tivi Việt đề nghị hỗ trợ kinh phí in băng rôn, tài trợ xe cho cổ động viên đến sân khách xem đội bóng thi đấu. Khi nhìn thấy một số chỗ tường ở Lạch Tray đã cũ kỹ, ông đề nghị tự bỏ tiền cho sơn lại. Từ đầu mùa đến giờ, hầu như trận nào đội đá trên sân nhà ông cũng có mặt. Ở vòng 6 V-League, Hải Phòng đến làm khách tại TP HCM, Tam hỗ trợ kinh phí cho hội cổ động viên đất Cảng đến Sài Gòn và tổ chức đêm gala để mọi người có cơ hội gắn kết với nhau.

Nhưng Tam nói không phải bỏ tiền ra là có tất cả. Ông hiểu rằng mỗi địa phương và câu lạc bộ có phong cách khác nhau. Với người dân, một hai tuần mới có một trận bóng nên họ không quan tâm lắm đến việc có được hỗ trợ tiền hay không mà quan trọng nhất là về mặt tinh thần.

Nếu có ai cùng chia sẻ tình yêu bóng đá, chịu lắng nghe và đồng hành cùng cổ động viên, tất nhiên họ sẽ rất sẵn sàng dang rộng vòng tay
Tam nói.
“Thực tế bóng đá thể hiện cho tinh thần của người dân ở một vùng đất. Chỉ cần điều gì tốt cho bóng đá Hải Phòng thì chúng tôi rất hoan nghênh. Vì vậy tôi ủng hộ Tam và tinh thần làm bóng đá của ông”, Trần Văn Hoàn, cổ động viên đất Cảng nổi tiếng với biệt danh “Hoàn pháo” chia sẻ.
C
hủ tịch tập đoàn Asanzo nói vậy khi được hỏi về danh xưng “bầu Tam” mà mọi người thường gọi kể từ ngày ông bắt đầu tài trợ cho câu lạc bộ Hải Phòng.

Ông rất chịu chơi, mạnh tay thưởng tiền tươi để khuyến khích cầu thủ. Ở trận gặp Hoàng Anh Gia Lai ở vòng 3 V-League, Tam chi 100 triệu tặng cầu thủ ghi bàn vào lưới đội bóng phố núi. Trước trận tiếp Quảng Nam ở vòng 5, Tam treo thưởng 100 triệu cho đội bóng nếu giành chiến thắng. Ông cam kết trong suốt mùa giải sẽ khuyến khích các cầu thủ bằng tiền thưởng và cũng đóng góp vào quỹ của câu lạc bộ nhằm giúp đỡ các cầu thủ khó khăn hay người dân tại địa phương.

Giữa các trận đấu trên sân Lạch Tray, Tam cho bốc thăm trúng thưởng hai chiếc tivi Asanzo cho các cổ động viên đến theo dõi trực tiếp. “Tôi cổ vũ Hải Phòng thi đấu đã 4-5 năm nay nhưng đây là lần đầu đi xem bóng đá còn được nhận tivi nên rất bất ngờ và vui”, Vũ Nhân Dũng chia sẻ sau khi nhận phần thưởng từ chính tay nhà tài trợ.

Hễ có cơ hội, Tam thường tranh thủ gặp gỡ và đi ăn cùng một số cổ động viên đất Cảng. Họ thoải mái ngồi cùng một bàn, trò chuyện như anh em đã thân từ lâu. Những cuộc gặp gỡ có thể kéo dài hàng tiếng đồng hồ mà nội dung thì chỉ xoay quanh có một chủ đề: bóng đá Hải Phòng.

Ông chủ hãng tivi muốn hiểu nhiều hơn về đội bóng và suy nghĩ của những người yêu bóng đá tại vùng đất này. Một lý do khác được ông lý giải rằng cổ động viên chính là động lực thi đấu cho các cầu thủ trên sân. Vì vậy nếu có thể hỗ trợ cho lực lượng này có nghĩa gia tăng tinh thần cho đội bóng trước bất kỳ đối thủ nào.

Tuy nhiên, Tam lại không tiếp xúc quá sâu với cầu thủ. Ông thường tránh những cuộc gặp mặt hay thưởng tiền riêng tư vì muốn rạch ròi không để mọi người hiểu lầm về một sự dàn xếp nào đó. Ông cho rằng không thể cậy là nhà tài trợ thì muốn làm gì cũng được mà phải để đội bóng tự do phát triển. Với Tam, chơi bóng đá là phải chơi đẹp và giúp mọi người gắn kết với nhau.

Tam nói không thích danh xưng “ông bầu” vì có cảm giác như đang kinh doanh.

Tôi chỉ muốn hỗ trợ và góp một phần nào đó cho bóng đá nước nhà. Vì thế, tôi thích người ta xem mình là một doanh nhân đồng hành với thể thao Việt Nam, chỉ thế thôi
ông giải thích về việc khước từ danh xưng “bầu Tam”.
Như nhiều người khác, Tam bắt đầu say mê môn thể thao vua từ ngày còn bé, qua các trận cầu châu Âu được chiếu qua màn hình tivi trắng đen. Ông thường chơi vị trí tiền đạo hay hậu vệ mỗi khi cùng bạn bè tụ tập đá bóng. Những danh thủ như Zinedine Zidane hay “người ngoài hành tinh” Ronaldo trở thành thần tượng của Tam. Ông cũng yêu thích lối đá của Manchester United và Barcelona. Đã từ lâu, Tam ấp ủ tạo một đội bóng của riêng mình.

“Nhưng khả năng chưa cho phép. Tôi muốn làm nhiều lắm nhưng việc thực hiện phải cần có thời gian, lộ trình và xem số mình có làm được hay không”.

Vì những suy nghĩ đó, Tam đã bắt đầu với Hải Phòng trong tư cách một nhà tài trợ. Còn tương lai là câu chuyện nối dài mà thời điểm này chưa thể nói trước. Tam chỉ biết rằng giờ đây mỗi lần bay ra Hải Phòng là nghe người dân bàn tán về việc ông lấn sân sang bóng đá.

“Tôi rất vui”, ông nói. Không phải vì mọi người tìm hiểu rất nhiều về cái tên Phạm Văn Tam, mà ông bắt đầu thấy mình phần nào được nhìn nhận là một người thực tâm và chân thành với bóng đá. Tam cho rằng đó không phải là cuộc chơi từ một phía ông, mà cần có sự sát cánh của người hâm mộ.

“Tất nhiên tôi chắc chắn sẽ tham gia bóng đá ít nhất là vài năm nhưng làm gì cũng cần có nguồn động viên và sự ủng hộ của người dân địa phương. Chặng đường lâu dài còn phải xem cái duyên đến đâu”, ông nói một cách tỉnh táo và thực tế.
Đó là chuyện của tương lai. Còn hiện tại, Tam vẫn miệt mài sưu tập ảnh câu lạc bộ trong chiếc điện thoại của mình. Những câu chuyện của ông chủ hãng tivi Việt giờ không gói gọn trong các chiến dịch ra mắt sản phẩm mới, hoàn thành mục tiêu doanh thu cao ngất, mà còn là tuần này Hải Phòng sẽ đá ở đâu, vị trí của đội trên bảng xếp hạng V-League, các cầu thủ và cổ động viên có đang thiếu thốn hay cần hỗ trợ gì.

Chỉ có bóng đá mới mang lại thứ cảm xúc khó có thể diễn tả bằng lời, hay nhận mặt đặt tên. Như nhiều tín đồ của túc cầu giáo thế giới, Tam có một khoái cảm đặc biệt cùng môn thể thao vua. Đó là lý do ông có dự định tham gia sâu hơn vào lĩnh vực này, không chỉ trong tư cách một nhà tài trợ.

Tam chưa bao giờ nhận mình là một người kinh doanh giỏi dù dẫn dắt công ty có doanh thu nghìn tỷ, nhưng sẽ lập tức gật đầu không suy nghĩ, khi ai đó hỏi ông về tình yêu bóng đá.
Nội dung: Trương Sanh
Thiết kế: Trung Lê
Hình ảnh: Lâm Thỏa
Kỹ thuật: Quốc Toàn