Lựa chọn nghiệt ngã của người suy thận Việt Nam

Nhiều người sẵn sàng mua một quả thận từ chợ đen, thay vì sống phần đời còn lại cùng bệnh viện.

Nhiều người sẵn sàng mua một quả thận từ chợ đen, thay vì sống phần đời còn lại cùng bệnh viện.

Hà Nội, sáng 1/4/2018, tại một bệnh viện cấp Trung ương, ca phẫu thuật ghép tạng được thực hiện. Tám giờ, người hiến được đưa vào phòng mổ, không một người thân. Chín giờ bốn mươi, tới lượt người nhận làm thủ thuật gây mê. Bên ngoài, một đại gia đình nín thở chờ đợi.

Mười giờ, người đàn ông mặc vest xuất hiện trong hành lang bệnh viện. Anh ta cùng chờ đợi với gia đình người nhận tạng.

Đầu giờ chiều, việc tách quả thận hoàn tất, người hiến được đưa ra khỏi phòng mổ. Người đàn ông mặc vest trút những cục tiền 500.000 vào ba lô, bắt tay từng người, rồi biến mất.

Cuộc giao dịch hoàn tất. Trong khung cảnh đó, một gia đình nông thôn vừa dốc toàn bộ gia sản để mua quả thận cho đứa con trai cả của mình. Với các y bác sĩ, ca phẫu thuật là hoạt động chuyên môn thuần túy như cả trăm ca mà bệnh viện này đã thực hiện suốt những thập kỷ qua. Còn với những người đứng ngoài hành lang, đó là một thương vụ bạc tỉ. Quả thận người trong phòng mổ, trước khi qua tay bác sĩ ngoại khoa, đã được kiểm đếm, cân đong bởi một loạt những bàn tay để đi từ người hiến sang người nhận.

Trong căn phòng mổ đó là Bình. Chàng kỹ sư 24 tuổi, trước nguy cơ đánh mất tương lai vì bệnh suy thận, đã đưa ra lựa chọn duy nhất cậu biết tới: mua một quả thận từ chợ đen.

Và điều đáng nói, là trong bối cảnh việc hiến và ghép tạng tại Việt Nam còn đầy rẫy rào cản từ tâm lý đến chính sách, Bình không phải người duy nhất chọn giải pháp ấy. Thậm chí, với nhiều người bệnh, đó là một lựa chọn hiển nhiên.

Đời người chạy thận

*Bình và mẹ được thay tên theo yêu cầu ẩn danh của nhân vật.

Thứ tư, 14/3/2018Sáng ấy, Bình không đi làm. Cậu chạy xe máy đến bệnh viện. Đã 5 tháng nay, tầng 2 nhà B Bệnh Viện E Trung ương trở thành nơi Bình không được phép vắng mặt mỗi thứ hai, thứ tư và thứ sáu.

Bình đứng lên cân. Bác sĩ viết “66 kg” vào bệnh án. Lần đầu Bình vào đây, con số này là 85.

Trên tấm ga giường bệnh, nổi bật màu đỏ tươi của hai ống dẫn máu nối vào hai chiếc kim lớn: ống đánh dấu đỏ đưa máu ra ngoài; ống còn lại đánh dấu xanh, truyền máu đã được lọc vào lại cơ thể Bình.

Ngày bé Bình sợ tiêm, nhưng giờ thì đã quen với những mũi kim lớn như ruột bút bi kiểu này. Bình nhắm mắt lại, mong sớm kết thúc 4 tiếng đồng hồ. Xung quanh Bình, ba bốn chục con người cùng nằm la liệt cạnh những chiếc máy. Họ là những bệnh nhân suy thận.

Cùng thời điểm đó, cách Bình khoảng hơn 4 km về hướng nam thành phố, mẹ con Lan đang tìm cách cho chiếc xe lăn của em từ ngõ 121 Lê Thanh Nghị sang bên kia đường. Quãng đường vài chục mét từ nhà trọ sang Bệnh viện Bạch Mai trong giờ cao điểm luôn là nỗi ám ảnh của cả hai người.

Mẹ Lan vén cao ống áo cho em lên sát nách để những vết loét do mổ cầu tay được khô thoáng. Mà cũng không kéo xuống được: cánh tay Lan tích nước lâu ngày đã phù lên bằng ba lần mọi khi, tím lại.

Không có hai trăm nghìn mua kim truyền giảm đau, hôm nay, Lan sẽ lọc máu với kim thường do bệnh viện cấp. Bà Lương nhìn bàn chân con mình co lại, ghìm chặt xuống giường nén đau khi mũi kim sắt dùi vào cánh tay đầy những đường gân xanh. Bà quay mặt đi, hướng ra phía hành lang, nơi gần trăm người nhà bệnh nhân khác đang co duỗi chợp mắt trên tấm chiếu trải tạm dưới sàn.

Việt Nam hiện có hơn 5 triệu bệnh nhân suy thận. Mỗi ngày, trên khắp 63 tỉnh thành, khoảng 100.000 bệnh nhân khác cũng thực hiện những ca “chạy” thận nhân tạo như Bình và Lan, 3 lần một tuần, 156 lần một năm.

Nhìn bước chân thoăn thoắt và nụ cười thường trực trên môi cậu thanh niên 1m82 ấy, có lẽ ít người nghĩ chỉ vừa sáng nay, Bình đã trải qua 4 giờ lọc máu ở bệnh viện.

Năm 2014, Bình tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Được công ty trước đó thực tập mời về làm việc. Hơn năm sau, Bình được lên làm Trưởng phòng công nghệ. Cô bạn gái người làng bên, yêu Bình từ thời cùng lớp trung học cũng đã ổn định công việc tại một bệnh viện Đông Y gần nhà.

“Cô chú chỉ trông vào cái máy khâu mà nuôi được hai con học đại học. Làng cô ít nhà được thế lắm”, mẹ Bình nhìn cậu bằng đôi mắt đã hoe hoe đỏ, tự hào kể lại.

Mùng 2 tháng 9 năm 2017, khi bố mẹ Bình đang chuẩn bị sửa sang cửa nhà cho cậu làm đám cưới cũng là lúc Bình bắt đầu cảm thấy hay khó thở, mệt mỏi, tức ngực, chân tay phù nề. Bác sĩ chẩn đoán: Bình bị suy thận cấp độ 3.

“Cả bầu trời phía trước, bao nhiêu kế hoạch tương lai như sụp đổ”, Bình vừa nói, vừa cúi xuống kéo áo kín cổ tay theo thói quen, che những nốt đỏ lốm đốm trên bắp tay do kim lọc thận để lại.

Bố mẹ Bình sống ở ngoại thành Hà Nội, cách cậu chưa đầy một giờ đi xe máy. Nhưng từ ngày biết mình bị bệnh, cậu ít khi về thăm nhà. Bình sợ nhìn cảnh mẹ khóc, sợ sự im lặng và buồn bực của bố độ này. Trước đây, ông không thế.

Ba tuần sau khi lọc máu, bệnh suy thận của Bình tăng lên cấp độ 5 - giai đoạn cuối mạn tính.

Chế độ “chạy” thận dành cho những bệnh nhân ở 2 tháng đầu tiên tiêu tốn của Bình và gia đình hàng chục triệu đồng. Bây giờ, khi cơ thể đã quen với liệu trình và được bảo hiểm y tế thanh toán 90%, mỗi tháng, Bình vẫn mất 3 đến 4 triệu tiền thuốc, kim truyền, quả lọc và phí điều trị. Bình cố gắng duy trì công việc ở công ty. Cậu không muốn thành gánh nặng cho bố mẹ ở độ tuổi này...

Lan cũng không muốn thành gánh nặng cho ai khi mới ở tuổi 24. Nhưng dường như không còn lựa chon nào khác. Với Lan bây giờ, việc có thể tự đi từ giường ra đến cửa nhà, bằng ba bước chân, đã là một kỳ tích.

Ngày xưa, như các cô gái cùng độ tuổi, Lan thích trang điểm. Thời còn làm công nhân khu công nghiệp ở Thái Nguyên, lúc rảnh rỗi Lan hay lấy phấn son về bán thêm qua mạng.

Lan mở điện thoại cho người viết xem son. Loáng thoáng tấm ảnh một cô gái cao lớn bụng bầu, tóc dài ngang lưng.

- Em gái Lan đấy hả?

- Không, em đấy mà...

Lan cụp mắt xuống, cào cào mái tóc ngắn xác xơ lưa thưa, xõa trên gương mặt phù mọng lên vì tích nước, “bây giờ em xấu thế này, không ai nhận ra là đúng rồi”.

Lan đã xóa gần hết ảnh mình từ ngày xưa, cũng không muốn ai nhắc đến hai chữ tương lai với em nữa. “Người như em làm gì có quyền tính đến tương lai”, cô gái lấy tay dụi dụi mắt khẽ nhoẻn miệng cười.

Sau bức ảnh mang bụng bầu ấy, Lan bị suy tim, viêm phổi cấp, nên đẻ non, rồi con chết. Đó cũng không phải lần đầu tiên cô mất thai. Lần đầu cách đây đã 2 năm khi Lan mới đi chạy ở viện dưới quê, còn tự lái xe máy, tự mặc quần áo. Và vẫn còn muốn soi gương.

“Anh ấy bảo còn thương em lắm, nhưng nhà anh cần một đứa con nối dõi tông đường”, Lan tâm sự về người chồng cũ, giọng run run nhưng vẻ mặt bình thản.

Sau đợt ấy, mẹ Lan bỏ 4 sào ruộng ở nhà - nguồn thu nhập duy nhất của gia đình - lên Hà Nội chăm con. Bố Lan mất đã 12 năm nay.

“Xóm chạy thận” Lê Thanh Nghị hiện có 119 bệnh nhân, người lâu nhất đã ở đây được một phần tư thế kỷ. Căn phòng trọ 6 mét vuông đầu ngõ là nơi ở của hai mẹ con Lan và một bệnh nhân đồng hương. Cái giường 3 người ngủ chung choán hết căn phòng, xung quanh la liệt đủ mọi loại thuốc.

Bà Lương xòe ra những túi nylon viên nén, viên con nhộng xanh đỏ đủ màu. Bà không biết tên thuốc, cũng không nhớ công dụng của từng thứ một, chỉ nhớ loại này chín nghìn đồng một viên, loại kia thì mười bảy nghìn . Cứ dăm bảy ngày bà lại đi mua thuốc cho Lan một lần, mỗi lần ngót triệu bạc, nên bà nhớ.

Mâm cơm hôm ấy bà nấu chỉ có đậu đũa xào tỏi. Mẹ con Lan ít khi ăn thịt. Lan bảo, nhịn 5 bữa thịt là đủ tiền mua một cây kim. Cái kim truyền không đau là mơ ước đáng kể nhất còn sót lại trong căn phòng này.

Trong khi đó, Bình, chàng kỹ sư môi trường đã ấp ủ một hướng giải quyết cho cuộc đời của mình. Một hướng, mà người chỉ có bốn sào ruộng như mẹ con Lan không bao giờ dám nghĩ tới.

Lựa chọn của Bình

Bọn anh có 2 kiểu cho chú chọn: Kiểu trọn gói, 450 triệu, anh sẽ lo toàn bộ chi phí tìm “tình nguyện viên”, xét nghiệm đầy đủ và mang người phù hợp đến cho chú. Còn kiểu tự túc là chú tự lo toàn bộ phí xét nghiệm cho “tình nguyện viên”, nếu không khớp với chỉ số của chú, coi như chú xui, còn nếu ok, anh lấy chú 400 triệu”.

- Em làm kiểu trọn gói.

Đó là nội dung cuộc nói chuyện trong lần gặp gỡ đầu tiên giữa Bình và anh “Cò”. Anh “Cò” mặc áo vest, sơ mi, quần âu, đi giày da. Anh “Cò” có cái vẻ ngoài có thể làm người ta nhầm anh với một công chức bình thường, nhưng lại nắm trong tay tương lai sinh tử của Bình và nhiều bệnh nhân suy thận mạn tính khác. Anh “Cò” sinh năm 1989. Anh “Cò” không phải là bác sĩ.

Khi mới vào nghề, anh hay ngồi lân la bắt chuyện với bệnh nhân và người nhà ở hành lang bệnh viện để tìm người có nhu cầu nhận tạng. Bây giờ quen việc anh chỉ ngồi nhà đợi các “tình nguyện viên” đăng ký qua tài khoản Facebook anh lập và đợi bệnh nhân liên hệ. Bình biết nhà môi giới thận qua giới thiệu của một điều dưỡng viên.

Anh “Cò” cũng có một vết sẹo dài bên bụng trái. Anh “Cò” gọi nó là vết sẹo nửa tỉ. Cách đây 3 năm, anh cũng từng là một “tình nguyện viên”.

Thứ năm 7/9/2017

- Bố mẹ, con cần 550 triệu.

Bình gọi điện báo tin sau khi làm đơn xin nhận tạng từ nguồn chết não của bệnh viện Việt Đức. Bác sĩ nói 550 triệu là chi phí cho ca phẫu thuật. Bà Thiện, mẹ Bình tự nhủ, giá mà mình có nhóm máu O giống con trai, có lẽ mọi chuyện sẽ khác...

Nhưng bà không chìm trong suy nghĩ ấy lâu.

“Nghe con gọi điện về, chỉ biết lao ra ngay khỏi nhà để đi vay tiền, cứ đi mà trong đầu còn chưa biết vay ai”, bà nhớ lại.

Hôm ấy trời mưa dầm, bà đội nón đạp xe sang từng nhà họ hàng bên ngoại. Còn ông đầu trần phóng xe máy đến anh em bên nội. Bà bảo những chuyện thế này không thể nói dăm ba lời qua điện thoại.

“Ông ngoại 50 triệu này, dì út 100 triệu này, cậu 100 triệu này, bác cả bên nội 100 triệu này, chú bên nội 200 triệu này”. Bà Thiện đếm đốt ngón tay, liệt kê từng khoản tiền được họ hàng cho vay, khoản tiền tuy không ai gia thời hạn, nhưng ông bà dự định sẽ cố gắng trả trong vòng 10 năm.

Đó là câu chuyện trước khi Bình và anh “Cò” gặp nhau; trước khi Bình đợi thận từ nguồn chết não hơn 4 tháng không kết quả; trước khi Bình trải qua 54 lần “chạy” thận nhân tạo, 216 giờ bên máy lọc, 108 mũi kim truyền đâm vào rồi rút ra khỏi cánh tay mình...

Thứ sáu 19/1/2018

- Bố mẹ, con cần 750 triệu.

Bình báo tin sau cuộc gặp mặt với anh “Cò”. Bác sĩ nói 300 triệu là chi phí cho ca phẫu thuật có người hiến thận sống. 450 triệu là tiền để có quả thận ấy. Bà Thiện lẩm nhẩm các con số trong đầu, so sánh giữa mua thận từ người sống so với ghép thận từ chết não.

Nhưng bà không chìm trong suy nghĩ ấy lâu.

Ông bà nhìn nhau. Những người họ hàng có tiền cho vay, họ đã tìm đến hỏi hết. Bà Thiện nghĩ đến mảnh đất cụ thân sinh cho làm của hồi môn. Mảnh đất 62 mét vuông nhìn ra sông Đáy, lúc nào cũng gió thổi mát rượi, ông bà định để dành cho em trai Bình sau này lấy vợ.

Bốn năm trước đã có người hỏi mua 6 triệu một mét vuông mà ông bà không màng. Bây giờ đang lúc cần gấp, họ chỉ trả 4 triệu một mét, vẫn đành phải bán.

Cả đời đôi vợ chồng ấy chưa từng nghĩ có một ngày họ cần tới nhiều tiền đến vậy. Lần gần nhất ông bà phải lo một khoản tiền lớn cách đây đã hơn 20 năm, khi chuẩn bị xây căn nhà 5 gian. “Hồi ấy già chục triệu thôi cũng đã nhiều lắm”, bố Bình nhớ lại.

Ngày giao sổ đỏ cho “người ta”, em trai Bình níu tay mẹ: “Mai sau con làm ra tiền, anh Bình làm ra tiền để trả hết nợ, bố mẹ nhớ chuộc mảnh đất này cho con nhé”. Bà Thiện chỉ biết quay đi lấy ống tay áo quệt ngang mắt, tránh câu nói của con.

Thứ tư, ngày 14/2/2018

Chị Trang năm nay 32 tuổi, cao 1m63, nặng 65 kg, nhóm máu O, không có bệnh gan, tim, phổi, không có bệnh về đường hô hấp hay tiết niệu, không có tật khúc xạ. Giấy khám sức khỏe của bệnh viện chứng nhận chị Trang là người hoàn toàn khỏe mạnh.

Nhìn chị Trang, mẹ Bình ưng lắm. Bà không hiểu nhiều về y học, nhưng thấy chị phốp pháp, khỏe mạnh, hoạt bát, bà đoán quả thận chị mang trong người chắc chắn không thể là một quả thận tồi.

- Cháu đang cần nhiều tiền lắm à, sao lại đi “hiến”, bà Thiện hỏi.

- Cháu sắp xây nhà... Mà ở chỗ cháu họ đi “hiến” đầy, họ mách cháu, chả sao.

Bà Thiện gặp chị Trang từ những lần cùng con đi làm xét nghiệm. Bà hỏi han gia cảnh và nhắc chị chịu khó giữ gìn sức khỏe, nên ăn cái này, tránh cái kia thì thận mới khỏe mạnh.

Chị tâm sự học hết cấp 3, chị lấy chồng năm 19 tuổi và sinh được hai con gái. Chị có quán nước giải khát mặt đường lớn ở thành phố Thanh Hóa. Chị Trang hay cười, hay chuyện, chị bảo phải luôn luôn tươi cười khách hàng họ mới thích.

Thế nhưng, chị Trang không tương thích với Bình trong kết quả đọ chéo huyết thanh. Hơn một tháng sau, ngày 21/3/2018, chị làm phẫu thuật “hiến” thận trái cho một bệnh nhân nữ 19 tuổi, người Hà Nội. Sau ca mổ, những cuộc điện thoại mẹ Bình gọi điện hỏi thăm chị luôn nhận được câu trả lời từ đầu dây bên kia: “Thuê bao quý khách vừa gọi…”.

Chị Trang là “tình nguyện viên” đầu tiên bị loại. Có hai “tình nguyện viên” khác cũng bị loại do không đủ tương thích các chỉ số cần thiết. Mỗi lần như vậy, Bình lại thấy cánh cửa tương lai khép bớt lại với mình.

Bình và bạn gái đã không bàn về “ngôi nhà và những đứa trẻ” nhiều như hồi tháng 8 năm trước. “Người yêu em giấu gia đình về căn bệnh của em. Bạn ấy sợ bị bố mẹ cấm, không cho lấy em nữa”, Bình nói, không kèm nụ cười quen thuộc.

Đến giữa tháng Ba, cuối cùng người mà Bình và cả gia đình cậu cũng như anh “Cò” mong đợi 6 tháng nay cũng đã xuất hiện.

Thứ ba, ngày 13/3/2018

Nội dung tin nhắn trong điện thoại Bình:

Cò: Chúc mừng chú, trùng cả 2 gốc luôn. Anh nói thật, người “hiến” lần này quá hợp với chú. Anh làm mấy năm đây là ca đấu tiên anh thấy đó. Chú làm hết các xét nghiệm của chú chưa?

Bình : Khả năng còn thiếu cái tiền mẫn cảm.

Cò: Vậy làm “dịch vụ” đi, 6 triệu, sáng làm chiều có luôn.

Bình: Tiền cứ như anh em mình thống nhất nhé.

Cò: Ừ, chiều chuyển khoản tạm cho anh 30 triệu để đẩy xét nghiệm nhé. 420 triệu mổ xong đưa.

Bình: Ok anh.

Thứ năm, ngày 22/3/2018

Bình: Anh dự trù được lịch mổ nếu êm hết vào khi nào không?

Cò: Thứ ba tuần sau khám chuyên khoa, thứ năm hội chẩn. Tuần sau nữa là chú có thận mới ngon rồi.

Bà Thiện dặn chồng mấy công việc nhà rồi gói ghém ít quần áo, không quên thắp nén nhang trên bàn thờ tổ tiên trước khi bắt xe buýt lên Hà Nội chăm con.

Đêm ấy là lần đầu tiên bà tận mắt thấy anh Tiến, “tình nguyện viên” tương thích của Bình. Bà không ưng anh Tiến bằng chị Trang. Anh Tiến chỉ cao đến vai Bình, nặng 57 kg. “Nước da anh này tai tái và hàm răng ố xỉn kia chỉ có ở người hay đốt thuốc lá, thuốc lào”, bà Thiện nghĩ và tiếc rẻ mãi chị Trang.

Anh Tiến thua bạc thiếu tiền trả nợ. Anh không mấy khi nói bao giờ, cũng không có ai đi chăm. Một thanh niên xưng là em trai anh Tiến, thi thoảng lên ký giấy tờ rồi về luôn. Đến bữa, bà Thiện mua cơm cho Bình, tiện mua luôn cho anh Tiến. “Khổ thân anh ấy, mà cũng không thể để quả thận bị bỏ đói rồi ảnh hưởng”, bà Thiện bảo.

Chủ nhật, 1/4/2018

6:30. Y tá phát đồng phục bệnh nhân mổ cho Bình và anh Tiến.

8:00. Anh Tiến vào phòng mổ.

8:30. Bà Thiện vào phòng chờ thăm con. Nhìn thấy mẹ, Bình chỉ thở dài. Bình bảo, cậu không lo lắng.

9:00. Bác, cậu, dì, bố cùng em trai Bình vào viện. Điện thoại bà Thiện liên tục reo. Họ hàng nội ngoại liên lạc hỏi thăm Bình.

9:40. Bình được đẩy vào phòng mổ để gây mê. Trong không khí im lặng của khu phẫu thuật bệnh viện, Bình ngoái lại nhìn cả nhà, nói “Con đi nhé”. Mọi khi cuối tuần về thăm bố mẹ, trước lúc lên lại Hà Nội, Bình cũng thường nói thế. Vậy mà lần này, bố mẹ Bình bỗng cảm thấy 3 chữ ấy thật nặng nề.

10:00. Anh “Cò” vào gặp gia đình của Bình. Anh vẫn vậy, áo vest, sơ mi, quần tây, giầy da. Nhiều người nhà bệnh nhân khác cũng nhận ra anh, gật đầu chào. Anh gật đầu chào lại.

Mẹ Bình không rời mắt khỏi cánh cửa phòng mổ. Bà sợ bất cứ lúc nào sẽ có một cô y tá hớt hải chạy ra nhìn bà bối rối không nói nên lời...

13:30. Anh Tiến được đẩy ra khỏi phòng mổ. Giờ đây anh đã có một vết sẹo, vết sẹo 200 triệu. Lúc này, các bác sĩ đang tiến hành ghép thận của anh Tiến sang cơ thể Bình.

Anh Cò nhìn sang bố Bình, gật đầu, nói giọng thấp “mình ra hành lang cô chú nhỉ”. Cậu của Bình ghì chặt cái xà cột màu đen đeo bên sườn, rồi cùng bố mẹ Bình theo anh ta ra phía cầu thang vắng người qua lại.

Cậu của Bình mở cái xà cột, rút ra những cục tiền 500.000 đưa nhà môi giới thận. Anh “Cò” đứng giữa cầu thang đếm tiền rồi trút vào ba lô của mình. Anh bắt tay một lượt người thân của Bình rồi đi. Mẹ Bình quay sang bảo chồng: “Anh này làm ăn đứng đắn, chắc chắn. Cũng may mà có anh Cò”.

17:30. Ca ghép thận kết thúc. Quả thận 200 triệu ấy, 8 giờ trước còn nằm trong bụng trái của anh Tiến, nay đã nằm trong bụng trái của Bình. Bình chính thức gia nhập hội những người có vết sẹo bạc tỉ.

Ở Việt Nam, những thương vụ như của Bình không phải hiếm và có xu hướng gia tăng gần đây. Đó là đánh giá của Trung tá Khổng Ngọc Oanh, Đội trưởng đội 3, Cục Cảnh sát hình sự, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an. Trung tá Oanh từng tham gia phá án về đường dây mua bán thận tại Huế, Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Một quy trình thu mua

Thứ sáu, ngày 16/3/2018“Cò”: Bình ơi mai vào viện mang anh vay tạm 10 triệu đóng tiền nhà nuôi “tình nguyện viên” nhé. Bọn nó 9 người cơ, ở một phòng không hết.

Bình: Không anh ạ. Em không trả kiểu lắt nhắt thế.

“Cò”: Thôi được rồi để anh khất. Thông cảm cho anh nhé, đợt này anh “nhận khoán” nhiều ca quá nên giờ hết “vốn làm ăn”.

Anh Cò đang nói đến những căn phòng trọ nơi anh nuôi người bán thận nằm chờ một khách hàng tương thích. Thời điểm tháng 9 năm 2014, cục cảnh sát hình sự phát hiện và theo dõi được 4 “trung tâm nuôi nhốt” như của anh “Cò”, đều tập trung ở quanh bệnh viện lớn tại Huế và Hà Nội.

Những đường dây buôn bán nội tạng thường có quy mô lớn và tổ chức rất chuyên nghiệp, hoạt động trên cả nước. Trung tá Khổng Ngọc Oanh nhận định, “Cò” chỉ là mắt xích nhỏ trong bộ máy gồm một vài chủ mưu, chịu trách nhiệm chỉ đạo chung tất cả các hoạt động và đội quân dưới chiếu từ 20 đến 30 người.

Mỗi người trong tổ chức ấy đều có các nhiệm vụ rõ ràng: chuyên viên phụ trách tìm kiếm “tình nguyện viên”, chuyên viên đưa đón “tình nguyện viên” ở bến xe hay điểm hẹn, chuyên viên thuê nhà trọ, chuyên viên giám sát các “tình nguyện viên”, chuyên viên chuyên lo vé máy bay, tàu xe.

Chủ mưu trong các đường dây này đều là những người từng có người nhà phải phẫu thuật ghép tạng, nhận ra được nhu cầu rất lớn của thị trường này nên quyết định theo nghề. Hay như trường hợp anh Cò của Bình, chính là một người từng bán tạng. Việc truyền thông diễn ra khá công khai. Chị Trang biết đến cơ hội kinh doanh này qua một tài khoản mạng xã hội với nội dung “Hiến thận bán thận, mua thận nhanh, giá cao” kèm theo các hướng dẫn thủ tục và một vài số điện thoại nhận đăng ký của tất cả những đối tượng có nhu cầu mua-bán.

Đi bán thận phần lớn là những người rơi vào thế quẫn, sinh viên nghèo, con bạc thua lỗ... cần tiền trả nợ. Cũng có những trường hợp như chị Trang, coi việc bán thận chỉ là một biện pháp kinh tế thông thường, vì tin rằng “không ảnh hưởng gì đến sức khỏe”.

Chốt thời gian địa điểm thích hợp, họ sẽ được các nhân viên đưa đón và làm thủ tục xét nghiệm, đợi có người mua phù hợp. Để họ không thể phá hợp đồng giữa chừng, mỗi người bán đều được đội bảo vệ của tổ chức giám sát 24/7 trong thời gian đợi mổ.

Những người như anh Tiến, chị Trang, hay 173 “tình nguyện viên” khác được phát hiện trong vụ án đều giấu gia đình đi bán thận. Khi bệnh viện yêu cầu xác minh pháp lý từ gia đình và địa phương, các chuyên viên làm giả hồ sơ, chữ ký, con dấu sẽ phát huy tác dụng.

Có hai kiểu làm giả hồ sơ được các tổ chức này áp dụng: Cách làm giả 100% là bịa ra tên và chữ ký của một cán bộ địa phương không hề tồn tại. Cách làm giả 50% là ký phỏng theo chữ ký có sẵn hoặc dùng photoshop và máy in chuyên dụng cắt ghép hình ảnh con dấu và chữ ký của chính quyền.

Dàn diễn viên đóng giả người nhà bệnh nhân không chỉ có nhiệm vụ ký xác nhận các giấy tờ nhân thân. Họ còn kiêm trách nhiệm canh chừng người bán để không cho bỏ chạy giữa chừng. Điều này giải thích tại sao, tuy nhận là em trai anh Tiến nhưng người thanh niên đi cùng không hề nhớ tên tuổi, nghề nghiệp, thậm chí quê quán của anh trai mình.

Tùy vào điều kiện kinh tế của từng người bệnh, người cầm đầu sẽ chỉ đạo đàn em thương lượng giá cả món hàng. Con số này dao động từ 400 đến 900 triệu đồng, trong đó khoảng 120 đến 200 triệu đồng là bồi dưỡng cho người bán thận. Mỗi năm, tổ chức thực hiện thành công khoảng 30- 50 vụ.

Nguyễn Việt Dũng, chủ mưu trọng vụ án môi giới, mua bán thận bị phanh phui tháng 7 năm 2015 bởi cảnh sát hình sự, chỉ bị xét xử vì tội danh “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Thời điểm Dũng bị bắt, tội danh mua bán, chiếm đoạt mô và bộ thận cơ thể người mới chỉ bị “nghiêm cấm”, chưa có quy định hình phạt.

Trung tá Khổng Ngọc Oanh kết luận, nếu nhà nước không có các biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi nói trên và không có cơ chế hợp lý cho bệnh nhân tiếp cận với nguồn tạng và hỗ trợ phẫu thuật, tình trạng môi giới, mua bán, thậm chí trộm cắp, giết người cưỡng đoạt nội tạng sẽ vô cùng phức tạp. Khi ấy sự việc sẽ không chỉ dừng ở lĩnh vực y tế mà sẽ là một vấn đề hình sự.

"Những lựa chọn khác"

Lan không có rất nhiều lựa chọn như ông Phúc nói. Lan chưa bao giờ tính đến đăng ký nhận thận từ nguồn chết não. Và mẹ Lan cũng không một lần nghĩ đến việc đi làm xét nghiệm để hiến thận cho con. Họ không có tiền phẫu thuật. Lựa chọn duy nhất của những bệnh nhân nghèo như Lan là sống nốt phần đời còn lại với kim tiêm, máy lọc, xe lăn. Và với nợ nần.

Khái niệm “lao động bình thường” và cống hiến cho xã hội mà vị phó ban phụ trách thực hiện chính sách BHYT nói đến chỉ dành cho những ai chưa từng biết đến 119 mảnh đời sống tại “xóm chạy thận” 121 Lê Thanh Nghị. Dân số xóm này không ổn định. Mỗi năm, đôi chục người trong số họ sẽ chết, người ở tuổi ngũ tuần, người mới chỉ đôi mươi. Những căn phòng trọ vài mét vuông họ để lại sẽ là nơi ở cho những bệnh nhân mới.

Những người may mắn ở lại ấy, nếu không phụ thuộc vào xe lăn như Lan, họ sẽ cống hiến cho đất nước bằng nhiều cách khác nhau: rửa bát thuê, lái xe ôm, phát dán tờ rơi, ngày kiếm vài chục nghìn đồng. Khi làm nghề bán hàng rong, đánh giày dạo vỉa hè hay bán trà đá trong bệnh viện, thi thoảng, họ sẽ bị rượt đuổi bởi đội bảo vệ và trật tự đô thị. Nhưng họ cũng đã quen.

Người đại diện ban phụ trách thực hiện chính sách BHYT đưa ra con số một trăm triệu đồng để ước tính khoản tiền chi trả chạy thận cho một bệnh nhân mỗi năm.

Nước ta hiện có hơn 5 triệu bệnh nhân suy thận. Mỗi ngày, trên khắp 63 tỉnh thành, khoảng 100 nghìn bệnh nhân thực hiện các ca chạy thận nhân tạo. BHXH Việt Nam chưa có thống kê nào cho hơn 15 triệu ca chạy thận mỗi năm trên cả nước. Đây không phải là một phép toán quá phức tạp.

Câu hỏi đặt ra cho BHXH: Tại sao bảo hiểm y tế không chi trả cho các ca ghép tạng mà lại sẵn sàng chi trả trọn đời cho các ca chạy thận?

Chi phí ghép thận ở nước ta hiện nay vào khoảng 200 đến 300 triệu đồng một ca, bằng một phần nhỏ so với số tiền một người chạy thận hơn 15 năm ở xóm thận Lê Thanh Nghị.

Hơn 95% các ca ghép thận tại nước ta được thực hiện thành công và tuổi thọ của một quả thận ghép có thể đạt 10 đến 15 năm. Cùng với sự hỗ trợ của thuốc chống đào thải 2 đến 3 triệu đồng mỗi tháng, người bệnh có thể lấy lại 90% sức lao động ban đầu, sinh con và không phải đến bệnh viện chạy thận 3 lần một tuần, theo nhận định của các chuyên gia.

Câu trả lời của Bảo hiểm Xã hội là “chính sách BHYT thiết kế trên lợi ích vĩ mô, chứ không vì lợi ích đơn lẻ của nhóm người suy tạng”.

Nhóm người với lợi ích đơn lẻ này ở Việt Nam, hiện đã lên đếm hơn năm triệu.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phân cơ thể người kể lại câu chuyện của một bệnh nhân suy tim điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM. Sau khi đăng ký nhận tạng từ nguồn chết não và chờ đợi hơn 10 năm, năm 2016, quả tim phù hợp cho anh đến từ một ca tử vong do tai nạn giao thông. Anh cũng là người duy nhất hợp chỉ số với quả tim này. Chi phí cho ca ghép tim là hơn 900 triệu đồng. Và 18 triệu đồng là tất cả những gì anh có.

Trên lý thuyết, tất nhiên, vì không có tiền, người thanh niên này và tất cả các bệnh nhân nghèo khác sẽ không được phẫu thuật. Và cũng theo Luật BHYT, nhóm người với “lợi ích đơn lẻ” này sẽ không nhận được bất cứ khoản hỗ trợ nào cho các ca ghép tạng. Đơn giản bởi ghép tạng không thuộc phạm vi khám chữa bệnh. BHYT không có trách nhiệm gì với họ. Theo lý thuyết, anh thanh niên sẽ cầm 18 triệu đồng ra về, sống nốt quãng đời còn lại với bệnh suy tim. Quả tim mang sự sống mà người hiến muốn gửi lại cuộc đời sẽ đi về cõi hư vô.

Nhưng vẫn tồn tại những người không nhìn nhận vấn đề theo hướng trên lý thuyết hay bằng cái nhìn của Luật BHYT. “Ca phẫu thuật vẫn được thực hiện, sau đó các bác sĩ tự bỏ tiền túi ra hỗ trợ và kêu gọi quyên góp của các nhà hảo tâm”, ông Nguyễn Hoàng Phúc thuật lại cái quyết định theo ông là liều lĩnh nhưng sáng suốt ấy của Ban lãnh đạo bệnh viện Chợ Rẫy. “Yếu tố thời gian ảnh hưởng rất nhiều đến sự thành bại của ca ghép vì nội tạng vốn chỉ bảo quản được bằng đá trong vài giờ”.

Những trường hợp nhận được tạng phù hợp để ghép nhưng không có tiền chi trả phí phẫu thuật như vậy ở nước ta không hiếm. Vận động quyên góp của xã hội và bỏ tiền túi của bác sĩ để chi trả có thể giúp đỡ một vài bệnh nhân nhưng không thể là giải pháp cho hơn năm triệu con người.

“Cái lợi từ việc ghép tạng là rất rõ ràng”, ông Nguyễn Hoàng Phúc nhấn mạnh. Tất cả nghiên cứu khoa học trên thế giới đều chỉ ra rằng, ghép tạng là biện pháp tối ưu, không chỉ cho bản thân người bệnh mà còn cho lợi ích chung của toàn xã hội. “Điều cần nhất chúng ta chờ đợi vẫn là một chính sách BHYT hợp lý”.

Bình không thể chờ đợi xã hội thay đổi. Cậu đã đưa ra lựa chọn của mình, và sẽ mất rất nhiều năm nữa để trả nợ cho quả thận đã mua. Hơn năm triệu bệnh nhân suy tạng trên cả nước - “nhóm lợi ích đơn lẻ” - trong đó nhiều người như Lan, không có tiền và can đảm để thực hiện một phi vụ mua bán, vẫn chưa có lựa chọn nào khác ngoài chạy thận. Họ đợi chờ “một chính sách hợp lý hơn” và chờ đợi tâm lý xã hội thay đổi, để nguồn hiến tạng từ người chết não nhiều hơn.

Nhưng tất nhiên, có thể sang năm Lan sẽ không chạy thận nữa. Cô tâm sự không biết năm sau mình còn ở lại xóm, hay sẽ nhường lại phòng trọ này cho bệnh nhân mới nào đó.

“Năm trước xóm em đã chết mất 15 người”.

Đó có thể là một lựa chọn khác cho cuộc đời người chạy thận.