![]() |
Một chiếc Boeing 737 của hãng Adam Air. Ảnh: AFP. |
Bộ trưởng Hatta Radjasa khẳng định, thông tin tìm thấy xác chiếc máy bay dựa trên tin đồn của người địa phương là sai sự thật. Trước đó, các quan chức hãng Adam Air sở hữu chiếc máy bay và một số nhân viên cứu hộ cho rằng, họ đã nhìn thấy xác những người xấu số tại hiện trường máy bay rơi.
Theo ông Hatta Radjasa, các đội tìm kiếm đang chạy đua với thời gian và điều kiện thời tiết xấu để xác định tung tích chiếc Boeing 737-400 có 17 năm tuổi của hãng Adam Air. Tướng Eddy Suyanto, tư lệnh căn cứ không quân Makassar, nằm gần nơi được cho là địa điểm máy bay rơi cũng lên tiếng phủ nhận tuyên bố tìm thấy xác chiếc máy bay đưa ra trước đó.
Một sĩ quan cấp tướng khác của không quân Indonesia là Arif Budi Santoso khẳng định với tuyền hình nước này rằng, không hề có xác chiếc máy bay nào được phát hiện. "Thông tin từ một trưởng thôn về việc có 12 sống sót là không chính xác, bản thân người trưởng thôn này cũng cho biết ông không hề nói điều đó", trướng Santoso thông báo thêm.
Chiếc Boeing 737-400 của hãng Adam Air mất tích khi đang trên đường từ thành phố Surabaya trên đảo Java tới thành phố Manado trên đảo Sulawesi, cách đó hai giờ bay hôm 1/1/2007. Máy bay mất tích trên màn hình radar sau khi phát đi hai tín hiệu khẩn cấp. Khi đó chiếc Boeing 737 mới thực hiện được một nửa chặng đường.
Trong những ngày qua, khu vực nằm trên đường bay nói trên phải hứng chịu những trận bão với gió giật rất mạnh. Cùng thời điểm này, Indonesia cũng đang hứng chịu một thảm kịch giao thông khác khi một chiếc tàu chở khách bị chìm ngoài khơi đảo Java, sáng thứ bảy tuần trước. Đến nay vẫn còn khoảng 400 người mất tích trong tai nạn này.
![]() |
Đường bay của chiếc Boeing 737 và địa điểm mất liên lạc. Đồ họa: CNN. |
Adam Air là hãng hàng không tư nhân giá rẻ có trụ sở tại Jakarta, bắt đầu hoạt động từ năm 2003. Người sáng lập hãng là ông Agung Laksono, chủ tịch Hạ nghị viện Indonesia. Adam Air là một trong số hàng chục hãng hàng không giá rẻ ra đời tại Indonesia kể từ khi nước này thực hiện chính sách cởi mở trong ngành hàng không năm 1999.
Những năm gần đây, Indonesia từng hứng chịu một số vụ tai nạn hàng không thảm khốc. Gần đây nhất là vụ một chiếc Boeing 737 của hãng Mandala Airlines đâm xuống khu dân cư ở Medan làm chết 143 người, tháng 9/2005. Tháng 9/1997, một chiếc Airbus của hãng Garuda Airlines cũng đâm xuống vùng đồi núi tại Sumatra, làm toàn bộ 234 người trên khoang thiệt mạng. Chỉ hai tháng sau, một chiếc Boeing 737 của hãng Silk Air lâm nạn trên một dòng sông ở Sumatra làm chết 104 người.
Đình Chính (theo BBC, AP)