Dự án tu bổ ngôi chùa vừa được Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan phê duyệt, thực hiện từ nay đến năm 2025.
Nhà chùa sẽ làm chủ đầu tư dự án, tu bổ các hạng mục: tiền điện, chánh điện, hậu tổ; nhà chúng; cổng chính; cổng phụ; tường rào; hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Sắc tứ Trường Thọ là một trong những ngôi chùa cổ nhất vùng đất Sài Gòn - Gia Định, được xây dựng vào năm 1720 tại thôn Hòa Mỹ thuộc Tổng Bình Trị, Huyện Bình Dương, Phủ Tân Bình, Thành Gia Định. Lúc đó chùa mang tên Vĩnh Trường.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa đã hai lần được sắc phong. Năm 1802 (Canh Tuất) vua Gia Long sắc phong Sắc tứ Pháp Vũ tự; năm 1870 (Canh Ngọ), vua Tự Đức sắc phong Sắc tứ Trường Thọ.

Bộ tượng Di Đà Tam Tôn bằng gỗ cao 0,9 m, ngang 0,5 m được cho là 3 pho tượng cổ nhất ở chùa được chạm khắc vào đầu thế kỷ 18. Ảnh: Kyluc.vn
Năm 2000, chùa được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Chùa Sắc tứ Trường Thọ hiện còn nhiều di vật có giá trị từ thế kỷ thứ 18 như: hai tấm biển Sắc tứ Pháp Vũ và Sắc tứ Trường Thọ; tượng Phật A Di Đà bằng gỗ mít cao 1,8 m, không có bệ; bộ tượng Di Đà Tam Tôn (A Di Đà, Quán Thế âm, Đại Thế Chí)...
Đặc biệt, chùa còn lưu giữ bảo vật Đại hồng chung cao 1,1 m; đường kính 62 cm khắc 2 hàng chữ Hán nổi: Gia Định thành, Tân Bình phủ, Bình Dương huyện, Bình Trị tổng, Hoà Mỹ thôn, Vĩnh Tường tự Tuy phong và Mậu Thìn niên cửu nguyệt nhị thập lục nhật. Căn cứ vào những văn tự ghi trên chuông cho thấy Đại hồng chung được đúc vào những năm đầu thế kỷ 19.
Chùa đã được trùng tu nhiều lần, gần nhất là năm 1994-1995, song nhiều hạng mục vẫn xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo quản các hiện vật quý được lưu giữ trong ngôi cổ tự, cũng như sinh hoạt thiền môn của chư tăng, phật tử.
Hữu Công