6h sáng, học sinh chuyên ban THPT Phan Đình Phùng và Trần Phú (Hà Nội) đứng đông nghịt trước cổng trường THPT Trần Phú. Các em tập trung thành nhiều nhóm nhỏ, cầm sách vở tài liệu tranh thủ ôn lại lần cuối. Trong khi đó, số khác lại đứng bàn tán sôi nổi và phán đoán đề sẽ vào bài nào.
Vừa cầm cuốn sách Văn, Nguyễn Tuấn Huy, lớp 12A1 THPT Phan Đình Phùng vừa nhăn nhó: “Vì thi khối A nên em học môn Văn không được tốt. Vì chỉ ôn phần văn xuôi, bỏ mất phần thơ nên em không thấy tự tin lắm”.
Nguyễn Thu Huyền, bạn cùng lớp với Tuấn Huy, cũng có chung lo lắng và hy vọng thi vào đề Vợ nhặt (Kim Lân) vì “em ôn khá kỹ phần này”.
Trong khi đó, Trần Trung Kiên, học sinh THPT Trần Phú lại tỏ ra bình thản. “Em ôn hết các phần, đặc biệt là đọc kỹ các bài đã được thi thử hai lần trước. Hy vọng vào đề Người Hà Nội và Vợ Nhặt”, Kiên mong mỏi.
6h30, khi trường mở cửa cho học sinh vào, nhiều em vẫn đứng trước cổng THPT Trần Phú, khuôn mặt căng thẳng, tay liên tục bấm điện thoại. Khi được hỏi, các em cho biết để quên chứng minh nhân dân và đang chờ người nhà mang tới.
Thầy Đỗ Đức Hòa (Hiệu phó THPT Quang Trung), Chủ tịch Hội đồng thi THPT Nguyễn Trãi cho biết, điểm thi này có 552 học sinh của 7 trường: THPT Nguyễn Trãi, Phạm Hồng Thái, DL Đinh Tiên Hoàng, DL Văn Lang, Bán công Liễu Giai, DL Phan Huy Chú và Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Ba Đình.
Sau một vòng đi kiểm tra các phòng thi, thầy Hòa nhận định: "Dù điểm thi này có nhiều học sinh dân lập, lại là buổi thi Văn nhưng chưa thấy các em có 'biểu hiện' gì. Sáng nay, chưa có học sinh nào đến muộn hoặc bỏ thi. Hy vọng là các em làm nghiêm túc".
Sáng nay, Hội đồng thi THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng có 663 học sinh của THPT Chu Văn An, Hà Nội - Amsterdam và Chuyên ngữ Hà Nội. Theo lãnh đạo Hội đồng thi, chưa có học sinh nào đi muộn hoặc vi phạm quy chế thi, các em làm bài nghiêm túc.
Trong 3 ngày thi, Hà Nội sẽ cử 13 đoàn đi kiểm tra 91 Hội đồng thi, trong đó có 4 đoàn lưu động của Ban giám đốc. Để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, ngoài 291 thanh tra ủy quyền của Bộ GD&ĐT, Hà Nội còn huy động thêm 162 thanh tra Sở cùng hơn 4.000 giám thị.
Thí sinh tham dự thi tốt nghiệp 2007 tại THCS Giảng Võ (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hà. |
Tại TP HCM, từ 5h30 sáng, phụ huynh và học sinh đã bắt đầu tập trung đông đảo trước cổng các hội đồng thi. Nhiều phụ huynh tỏ ra bất bình vì tối 27/5, một số khu vực trên địa bàn thành phố bị cắt điện tới khuya, ảnh hưởng tới việc ôn tập và tâm lý của thí sinh.
Ở hội đồng thi THPT chuyên Lê Hồng Phong, quận 5, hầu hết thí sinh đều ôm khư khư đề cương ôn tập môn Văn trên tay, cố gắng "nhồi nhét" thêm kiến thức với vẻ mặt khá căng thẳng. Nữ sinh Lý Bảo Châu, lớp 12 A8 trường Hùng Vương cho biết rất lo lắng, dù điểm tổng kết năm môn Văn của em đạt 7,9.
"Em lo nhất phần kiến thức văn học nước ngoài, tiểu sử của một số tác giả khó nhớ. Trong trường hợp đề ra vào phần cảm thụ thơ, thì những câu thơ dịch cũng rất dễ quên", Châu chia sẻ.
Giống như Châu, Lý Văn An, học sinh 12A, Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP HCM) cũng cho biết, trong 6 môn tốt nghiệp, em ngại nhất môn Văn. Theo An, hầu hết học sinh chuyên khối A "ngán" Văn vì môn này chủ yếu học theo kiểu thuộc vẹt và lượng kiến thức nhiều.
Sáng nay, lãnh đạo TP HCM và các Sở, ngành trong ban chỉ đạo thi thành phố đã tới 11 hội đồng dự khai mạc cùng thí sinh để động viên tinh thân các em. Riêng tại Hội đồng thi THPT chuyên Lê Hồng Phong, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Thu Hà và Giám đốc Sở GD&ĐT Huỳnh Công Minh trực tiếp tới dự lễ khai mạc, dặn dò học sinh.
Cùng chung tâm trạng với thí sinh, hầu hết các bậc phụ huynh cũng tỏ ra khá lo lắng. Nhiều người cho biết sẽ đứng chờ con trước cổng các hội đồng trong cả 3 ngày thi.
Bà Tăng Mộng Ngọc giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài cho biết là phụ huynh của Bội Du - học sinh chuyên Anh - THPT Lê Hồng Phong. "Du là học sinh giỏi của trường, nhưng trước ngày thi, cháu tỏ ra lo lắng, mất ngủ nên tôi cũng hồi hộp theo", bà Ngọc vừa nói vừa dõi theo bóng cô con gái đang đi vào trường.
Còn ông Phạm Trọng Nghiệp, phụ huynh có con thi tại hội đồng Lê Hồng Phong phản ánh, tối qua, khu vực phường 14, quận 8 bị cắt điện tới 12h đêm. Ông và nhiều phụ huynh có con dự thi tốt nghiệp nhiều lần khiếu nại với công ty điện lực Chợ Lớn nhờ can thiệp nhưng không được giải đáp.
"Thành phố nói đã chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi, nhưng ngành điện lực lại cắt điện vào tối hôm trước các kỳ thi như thế, sẽ khiến tâm lý các cháu bị ảnh hưởng", ông Nghiệp nói vẻ bực bội.
Nhiều phụ huynh kiến nghị ngành giáo dục phối hợp với điện lực để đảm bảo nguồn điện được đảm bảo trong kỳ thi.
Chiều 27/8, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, thành phố có hơn 43.000 thí sinh đăng ký dự thi, nhiều hơn năm ngoái chừng 5.000 em. Hiện cơ sở vật chất tại các điểm thi đảm bảo yêu cầu và sẵn sàng phục vụ thi. Đề thi ngày 28-29/5 đã được giao tới các trường.
Kết thúc mỗi buổi thi, VnExpress sẽ phối hợp với Cổng luyện thi trực tuyến abcdonline.com.vn giới thiệu lời giải đề thi tốt nghiệp THPT. |
Trong 3 ngày thi, Hà Nội sẽ cử 13 đoàn đi kiểm tra 91 Hội đồng thi, trong đó có 4 đoàn lưu động của Ban giám đốc. Để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, ngoài 291 thanh tra ủy quyền của Bộ GD&ĐT, Hà Nội còn huy động thêm 162 thanh tra Sở cùng hơn 4.000 giám thị.
Năm ngoái, ở kỳ thi lần 1, trong số gần 34.000 thí sinh THPT Hà Nội dự thi, có gần 29.000 em đỗ (đạt tỷ lệ 86%). Trong khi đó, chỉ có 45% học sinh bổ túc vượt qua lần thi thứ nhất, gần 3.000 em trượt.
Dẫn đầu cả nước với 95% học sinh THPT đỗ tốt nghiệp lần 1 năm 2007, hiện hơn 62.000 thí sinh TP HCM sẵn sàng bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng. Toàn thành phố có gần 51.000 thí sinh THPT và hơn 11.000 thí sinh hệ bổ túc dự thi. So với năm 2007, học sinh phổ thông tăng 3.600 em, còn học sinh bổ túc giảm 700 em. Số thí sinh tự do thi lại cũng chừng 900 em.
Mùa thi trước, ở kỳ thi lần 1, TP HCM có hơn 2.300 học sinh THPT và 4.200 học sinh bổ túc THPT trượt tốt nghiệp.
Lãnh đạo nhiều Sở GD&ĐT cho biết, đã sẵn sàng cho một kỳ thi nghiêm túc. Ngay cả các điểm nóng như Hà Tây, Bắc Ninh, Nghệ An, công tác thi cũng được chuẩn bị chu đáo. Tuy nhiên, hiện hàng chục nghìn học sinh trượt năm 2007 không đăng ký thi lại.
Năm 2007, tỷ lệ tốt nghiệp hệ THPT là 80%, bổ túc THPT là 46%. Lần thi đầu, có hơn 900.000 học sinh THPT và 152.000 học sinh bổ túc THPT dự thi. Tỷ lệ tốt nghiệp giảm ở tất cả các tỉnh, bình quân cả nước đạt gần 67% (hệ THPT) và 27% (hệ bổ túc), gần 400.000 thí sinh trượt.
Lần thi thứ hai, trong tổng số 390.000 thí sinh thi lại có 43.000 em bỏ thi. Tỷ lệ tốt nghiệp lần này cao hơn trước đó nhưng vẫn còn gần 240.000 em thi trượt.
Lịch thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT | |||
Ngày thi |
Buổi |
Môn thi |
Thời gian |
28/5 |
Sáng |
Văn học |
150 |
Chiều |
Sinh học |
60 | |
29/5 |
Sáng |
Vật lý |
60 |
Địa lý (Bổ túc THPT) |
90 | ||
Chiều |
Lịch sử |
90 | |
30/5 |
Sáng |
Toán |
150 |
Chiều |
Ngoại ngữ |
60 | |
Hóa học (Bổ túc THPT) |
60 | ||
Ghi chú: Giờ làm bài: 7h30 (sáng) và 14h30 (chiều) |
Tiến Dũng