Sáng nay, tại buổi làm việc với đoàn thanh tra của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, ông Nguyễn Thu Gia, Chi cục phó Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội cho biết, con số 44 em bị xâm hại không phải trong năm nay mà có thể từ 2-3 năm trước. Hơn 1.000 trẻ có nguy cơ bị xâm hại là thuộc nhóm mồ côi, lang thang đường phố, khuyết tật và làm thuê tại các gia đình, cơ sở dịch vụ.
"Tuy nhiên, đó không phải là con số sát thực tế. Tất cả phường xã của Hà Nội đều có thể có trẻ em nguy cơ bị xâm hại tình dục. Hiện tượng ông chủ xâm hại tình dục đối với người giúp việc không phải hiếm", Chi cục phó nói.
Ông cũng lý giải nguyên nhân là thành phố giao khảo sát trong năm 2007, nhưng mãi đến cuối năm, khi các công việc dồn dập thì các quận huyện mới triển khai. Hơn nữa, việc lựa chọn đối tượng khảo sát của các quận huyện chưa thật đúng.
Riêng về số trẻ phải lao động sớm, theo một khảo sát khác cũng do ngành lao động tiến hành ở 9 quận huyện Hà Nội thì có 314 em trong độ tuổi từ 6 đến dưới 16, tất cả là người ngoại tỉnh. Trong đó, số giúp việc gia đình là 159, làm việc tại các nhà hàng, khách sạn 101. Để có thu nhập (500-700 nghìn đồng một tháng), các em phải đối mặt với khả năng bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ và lạm dụng tình dục. Trường hợp em Nguyễn Thị Bình ở Thanh Xuân là một ví dụ.
Tuy nhiên, em Bình cũng không phải là trường hợp duy nhất. Công an Hà Nội cho biết, 3 năm qua đã điều tra, xử lý hơn 400 vụ xâm hại trẻ em, gồm: giết, hiếp, trộm bán, đánh đập gây thương tích... Riêng năm nay đã xử lý 204 vụ án hình sự với hơn 120 người, 126 vụ xử lý hành chính với hơn 260 người. "Đây chỉ là số vụ do công an thành phố điều tra, xử lý, còn số vụ do công an các quận huyện và phường xã xử lý vẫn chưa tổng hợp được", ông Trần Vũ Hùng, đại diện Công an thành phố thông báo.
Theo kế hoạch, ngày 29-30/12, đoàn thanh tra sẽ xuống làm việc tại huyện Đông Anh và quận Thanh Xuân, nơi xảy ra vụ việc em Nguyễn Thị Bình bị hành hạ. Bà Ninh Thị Hồng, Phó chánh tranh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trưởng đoàn cho biết, sẽ xuống tận phường, tiếp xúc với đại diện tổ dân phố để nắm được thực chất công tác chăm sóc trẻ em, từ đó sẽ có những kiến nghị. Sau Hà Nội, đoàn thanh tra sẽ làm việc với TP HCM.
Theo mục tiêu quyết định 19 của Thủ tướng, đến năm 2010 giảm được 90% số trẻ em lang thang kiếm sống, trong đó có 70% số trẻ em được trợ giúp tạo dựng cuộc sống hoà nhập với gia đình, giảm dần và tiến tới giảm cơ bản vào năm 2010 số trẻ em bị xâm phạm tình dục...
Hồng Khánh